0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ bảy, 04/07/2020 18:25 (GMT+7)

Thái Nguyên: Tiềm năng bất động sản ven đô miền Bắc

Chưa khi nào bất động sản các tỉnh gần Hà Nội lại sôi động và có lực hút mạnh đối với nhà đầu tư như thời gian gần đây.

Một trong những nguyên nhân chính khiến bất động sản nhiều tỉnh phía Bắc được săn đón là do kinh tế phát triển mạnh, cùng với đó là cơ chế, chính sách của địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư bên cạnh những thuận lợi về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên. Đơn cử như tỉnh Thái Nguyên, với vị trí thuận lợi cùng sự phát triển đi lên của nền kinh tế và cơ sở hạ tầng hoàn thiện, cùng nhiều chính sách ưu đãi đã trở thành một “địa chỉ đỏ” thu hút nhà đầu tư nhiều lĩnh vực.


Hạ tầng giao thông đồng bộ, chính sách đầu tư thuận lợi

Thái Nguyên là địa phương có nhiều tiềm năng với vị trí địa lý quan trọng, tiếp giáp với thủ đô Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Tuyên Quang và Bắc Cạn. Nằm cách Sân bay Quốc tế Nội Bài chỉ khoảng 50km với 45 phút lái xe, chỉ cách cảng Hải Phòng khoảng 160 km, Tỉnh Thái Nguyên là điểm nút giao thông quan trọng, có hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông hình rẻ quạt kết nối với các tỉnh thành trong khu vực. Đơn cử là quốc lộ 3 nối Hà Nội đi Bắc Cạn, Cao Bằng và cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc, quốc lộ 1B đi Lạng Sơn; quốc lộ 37 đi Bắc Giang; hệ thống đường sông Đa Phúc - Hải Phòng; đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên. Theo giới chuyên gia, việc sở hữu hệ thống giao thông, kết nối hạ tầng đồng bộ là nền tảng và đòn bẩy giúp Thái Nguyên trở thành một trong những vùng kinh tế phát triển nhất trong nước.

Với vị trí địa lý thuận lợi, nhiều tiềm năng, những năm gần đây kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên phát triển mạnh mẽ. Trong những năm qua, Thái Nguyên ghi nhận tốc độ tăng trưởng bình quân đạt hơn 14%, vốn đăng ký FDI lên đến 7,64 tỷ USD. Với những con số này, Thái Nguyên đang phát huy vai trò là một trong những điểm đến hấp dẫn, tin cậy cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hiện Thái Nguyên là một trong những địa phương thu hút FDI lớn và hiệu quả nhất các tỉnh phía Bắc.

Nhờ tích cực cải cách hành chính, chính sách đầu tư ưu đãi, cùng cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, Thái Nguyên đã thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn ngoài ngân sách. Nhiều dự án có vốn đầu tư lớn, như Samsung Thái Nguyên có tổng mức đầu tư gần bảy tỷ USD, dự án khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo có tổng mức đầu tư một tỷ USD đi vào hoạt động, đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh xuất khẩu lớn thứ tư cả nước. Hệ thống hạ tầng giao thông được cải thiện. Ðường Bắc Sơn kéo dài là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh được đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BT, dài 9,5 km, rộng 61 m với hệ thống hạ tầng đồng bộ có số vốn hơn 2.000 tỷ đồng kết nối với cao tốc Thái Nguyên - Hà Nội và TP Thái Nguyên với hồ Núi Cốc, dự kiến hoàn thành trong năm nay, góp phần rút ngắn thời gian, cũng như "đánh thức" tiềm năng du lịch của tỉnh.

Nói về chủ trương thu hút đầu tư, đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên T.Ư. Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết: “Thái Nguyên có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các DN đầu tư theo hướng khai thác tiềm năng, thế mạnh và thu hút lao động tại địa phương. Trong các cuộc họp, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên bàn về việc này. Lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành luôn đồng hành, đối thoại và cùng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho DN”.

Tăng sức hấp dẫn cho thị trường bất động sản

Các dự án FDI đi vào hoạt động giúp Thái Nguyên không chỉ tăng trưởng về xuất khẩu, tạo công ăn việc làm thu nhập cao cho nhiều lao động, mà còn tạo hiệu ứng, lan tỏa tới các nhà đầu tư khác tìm đến Thái Nguyên như một địa chỉ đầu tư tin cậy.

Thời gian gần đây nhiều đơn vị uy tín trong lĩnh vực bất động sản rót vốn vào Thái Nguyên để đầu tư phát triển các dự án quy mô. Có thể kể đến một số cái tên tiêu biểu như: DetechLand, TNG, Tập đoàn Tiến Bộ, Tập đoàn T&T, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Thiên Lộc, Tập đoàn TMS, FLC, Phúc Lộc, Xuân Trường, Vinaconex, Kosy Group... Chắc chắn, các dự án của các đơn vị uy tín này sẽ góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của Thái Nguyên cũng như thay đổi diện mạo mới, hiện đại, hoàn thiện hơn.

Hiện nay phân khúc đất nền đang là kênh đầu tư thu hút được sự quan tâm lớn nhất, bởi lợi nhuận cao và được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng do hiện nay bất động sản công nghiệp trong nước lên ngôi nhờ hưởng lợi từ cạnh tranh thương mại từ một số nước, trong đó Thái Nguyên là một trong những địa phương đứng đầu về thu hút FDI, đồng nghĩa hàng nghìn chuyên gia, kỹ sư, cán bộ cao cấp đến sinh sống và làm việc. Điều này mở ra cơ hội lớn cho thị trường địa ốc và nhà đầu tư, chủ sở hữu có thể linh hoạt khai thác các công năng đa dạng bất động sản như an cư lâu dài, kinh doanh, cho thuê nhà dài hạn hoặc cung cấp dịch vụ lưu trú ngắn hạn cho lực lượng chuyên gia và lao động đang công tác tại các khu công nghiệp. Đặc biệt, những dự án được quy hoạch đồng bộ, bài bản và tích hợp đầy đủ tiện ích sẽ được ưa chuộng bởi vấn đề an ninh và tính chất cộng đồng cư dân luôn được đảm bảo.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Thái Nguyên: Tiềm năng bất động sản ven đô miền Bắc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Chính phủ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tin mới