Dịch vụ thuê nhà mặt phố sau mùa dịch ế ẩm
Sang quý II năm 2020 tình trạng kinh tế giao thương đang trong thời gian hồi phục còn nhiều hạn chế khó khăn, việc thuê mặt bằng hè phố còn ế ẩm thậm chí bỏ không.
Theo thông tin thống kê từ kênh Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm và lượng tin đăng của thị trường nhà mặt phố tại TP.HCM giảm nhiều hơn phân phúc nhà riêng. Về giá bán, thị trường ghi nhận không có điều chỉnh tăng, thậm chí giảm nhẹ 1-2%.
dịch vụ thuê nhà ế ẩm trong mùa đại dịch
Trung bình, giá bán nhà mặt phố tại TP.HCM đã giảm từ 301 triệu đồng/m2 trong tháng 1 xuống còn khoảng 286 triệu đồng/m2 vào tháng 4. Trước những chuyển biến tích cực của dịch bệnh tại Việt Nam, giá bán đã phục hồi nhẹ về mức 288 triệu đồng/m2 vào tháng 4.
Trong khi đó, giá thuê giảm đáng kể ở các khu vực trung tâm như quận 1 giảm 13%, quận 3 giảm 10%, khu vực Bình Thạnh giảm 8%.
Giá nhà phố không có dấu hiệu giảm, tuy nhiên, tại khu vực phố cổ, nơi tập trung đông khách du lịch, nhiều tháng nay các cửa hàng trên một số tuyến phố như Lương Văn Can, Hàng Đào, Hàng Bông, Hàng Cót... cũng rơi vào cảnh đìu hiu.
Ở phố Hàng Đào, hàng loạt cửa hàng đóng cửa, treo biển cho thuê hoặc thông báo cần sang nhượng lại.
Tương tự, trên các tuyến phố lớn khác ở Hà Nội như Nguyễn Trãi, Tây Sơn, Chùa Bộc, Hoàng Cầu... đã phải đóng cửa hay sang nhượng mặt bằng do lượng khách giảm sút, kinh doanh ế ẩm. Khu vực đầu phố Tăng Bạt Hổ có 3 cơ sở lớn của 1 quán bia có thương hiệu ở Hà Nội thì nay 2 điểm bỏ không, treo biển cho thuê vẫn chưa tìm được khách.
Người kinh doanh trả lại cửa hàng vì thua lỗ, chủ nhà có mặt bằng cho thuê cũng đang khó khăn trong tìm khách thuê dù đã giảm giá.
Anh Nguyễn Văn Vương, chủ nhà trên phố Hàng Đào cho biết giảm giá thuê nhưng cũng khó cho thuê.
“Trước đây, chỉ cần biết có mặt bằng cho thuê trên phố Hàng Đào này thì các hộ kinh doanh quanh đã đến hỏi thuê. Hiện, dù đã treo biển cho thuê, đăng trên web bất động sản cũng chỉ có người đến hỏi đến xem. Mặt bằng kinh doanh tầng 1 của nhà đã bỏ không gần 2 tháng nay” - anh Vương nói.
Với một cửa hàng nhỏ kinh doanh hàng ăn uống, thời trang chỉ có thể chịu đựng lỗ trong khoảng 4 tháng. Từ Tết tới nay đã khoảng 4 tháng đã đến giới hạn của các hộ kinh doanh cá thể.
Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh bán lẻ. Nhiều tuyến phố vốn là điểm mua sắm sầm uất vắng bóng khách, nhiều cửa hàng tại trung tâm Hà Nội và TP.HCM phải treo biển cho thuê lại cửa hàng.
Đến nay, mặc dù lệnh cách ly xã hội đã kết thúc được gần 3 tuần, song tại TP.HCM các tuyến đường trung tâm quận 1 như Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng… vẫn còn nhiều mặt bằng trống, không có khách thuê. Đối với phân khúc bán lẻ cho thuê, nhìn chung các chủ nhà đã giảm từ 10-30% giá để hỗ trợ khách trong giai đoạn khó khăn về tài chính.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm