Nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu sản xuất trong tháng 10 có xu hướng tăng
Bộ Công Thương cho biết kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 10 ước tính đạt 24,5 tỷ USD, tăng 1,2% so với tháng 9.
Báo cáo tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại số ra mới nhất của Bộ Công Thương cho biết kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 10/2020 ước tính đạt 24,5 tỷ USD, tăng 1,2% so với tháng 9/2020. So với cùng kỳ năm 2019, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 10 tăng hơn 10%.
Trong tháng 10, kim ngạch nhập khẩu đã có xu hướng tăng lên so với cùng kỳ, cho thấy sản xuất bắt đầu phục hồi, các doanh nghiệp đã và đang chuẩn bị kế hoạch sản xuất phục vụ cho nhu cầu cuối năm.
Trong tháng 10, kim ngạch nhập khẩu đã có xu hướng tăng lên so với cùng kỳ |
Nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu cho sản xuất đã tăng lên trong tháng 10. Cụ thể, nhập khẩu xơ sợi dệt các loại tăng 4% so với tháng trước; nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng gần 18%; thép các loại tăng 2,8%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 13,3%...
Tính chung 10 tháng năm 2020, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 210,55 tỷ USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong 10 tháng năm 2020, có 34 mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,4% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện đạt 51,3 tỷ USD tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 29,8 tỷ USD, giảm 0,6%; điện thoại và linh kiện đạt 12,6 tỷ USD, tăng 4%; vải đạt 9,5 tỷ USD, giảm 13%.
Sắt thép đạt 6,7 tỷ USD, giảm 17%; chất dẻo đạt 6,7 tỷ USD, giảm 10,7%; sản phẩm chất dẻo đạt 5,9 tỷ USD, tăng 9,6%; kim loại thường đạt 4,8 tỷ USD, giảm gần 9%; ô tô đạt 4,8 tỷ USD, giảm 21,5%; sản phẩm hóa chất đạt 4,6 tỷ USD, tăng 3,3%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 4,4 tỷ USD, giảm gần 11%; hóa chất đạt 4 tỷ USD, giảm 6%.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu trong 10 tháng, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 65,8 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp theo là Hàn Quốc đạt 37,4 tỷ USD, giảm 5,3%; thị trường ASEAN đạt 24,4 tỷ USD, giảm 8,5%; Nhật Bản đạt 16,5 tỷ USD, tăng 2,5%; thị trường EU đạt 11,8 tỷ USD, tăng 4,2%; Mỹ đạt 11,6 tỷ USD, giảm 2,4%.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm