Tăng trưởng tích cực, "cổ bank" kỳ vọng khởi sắc trong năm 2022
Nhóm cổ phiếu “vua” được kỳ vọng khởi sắc trong nửa đầu năm 2022, song cơ hội sẽ không chia đều cho tất cả. Trong bối cảnh cầu tín dụng còn yếu, ngân hàng có khả năng đẩy mạnh cho vay, hoặc có tỷ trọng thu nhập ngoài lãi cao sẽ có lợi thế hơn.
Xu hướng tăng trưởng đối với ngành ngân hàng được dự báo tiếp tục duy trì trong năm 2022 khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, tương đương hơn 1,4 triệu tỷ đồng sẽ được bơm thêm ra thị trường trong năm nay.
Các chuyên gia phân tích của CTCP Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) nhận định, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng tích cực, nhưng mức độ phân hóa rõ rệt, với tiềm năng thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân tiếp tục hạ được chi phí vốn. Các ngân hàng có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao trên 20% gồm: BIDV, MBBank, Techcombank, ACB, TPBank, MSB, nhưng dự phòng rủi ro cũng cao hơn.
Thực tế cho thấy, đợt điều chỉnh giá của nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng từ tháng quý III và IV/2021 chủ yếu phản ánh rủi ro áp lực trích lập dự phòng khi nợ xấu gia tăng. Sau thời gian điều chỉnh, định giá của nhóm ngân hàng đã giảm 12 -15% so với mức đỉnh, giúp nhóm này trở nên hấp dẫn hơn ở thời điểm hiện tại.
Nhóm cổ phiếu “vua” được kỳ vọng khởi sắc trong nửa đầu năm 2022, song cơ hội sẽ không chia đều cho tất cả. Trong bối cảnh cầu tín dụng còn yếu, ngân hàng có khả năng đẩy mạnh cho vay, hoặc có tỷ trọng thu nhập ngoài lãi cao sẽ có lợi thế hơn.
Dragon Capital dự báo, năm 2022, ngành này có lợi nhuận tăng khoảng 25-30%, giá trị sổ sách khoảng 1,7 lần (thấp hơn năm 2020 là 1,9 lần), PE cả ngành quanh 9,4 lần, so với năm 2020 PE là 12 lần, có nghĩa là cổ phiếu ngân hàng có cơ hội.
Trong khi đó, Mirae Asset cho rằng, các ngân hàng Việt Nam đang được giao dịch ở mức 2,3 lần giá trị sổ sách, cao hơn nhiều so với đa phần các ngân hàng trong khu vực. Mức định giá hiện tại là hợp lý do tỷ suất sinh lời trên vốn chủ (ROE) của các ngân hàng Việt cao hơn gấp đôi so với những ngân hàng tương đương trong khu vực. Ngoài ra, tăng trưởng lợi nhuận được duy trì ở mức trên 20% là một yếu tố giúp ngân hàng hưởng mức định giá hiện tại.
Bên cạnh đó, triển vọng về nới room ngoại trong lĩnh vực này cũng tác động lên cổ phiếu “vua”. Ngay cả Vietcombank cũng đề xuất nới room ngoại lên 35%. Tại báo cáo chiến lược năm 2022, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, quy định về trần sở hữu nước ngoài tối đa dẫn đến việc khó tăng room ngoại cho tất cả ngân hàng trong hệ thống.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc chiến lược đầu tư Dragon Capital Việt Nam cho rằng, năm 2022 là năm hội tụ đầy đủ những yếu tố tích cực cho ngành ngân hàng. Cụ thể, tín dụng tăng trưởng 15%, nợ xấu giảm mạnh, lợi nhuận tăng 30% năm nay.
Bên cạnh đó, ngân hàng còn có nhiều thông tin hỗ trợ lạc quan như: một số nhà băng đang triển khai việc bán vốn chiến lược, lợi nhuận đột biến ghi nhận từ việc bán bảo hiểm độc quyền, dòng tiền được chấp thuận tăng room cho nước ngoài.