0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ tư, 22/07/2020 16:19 (GMT+7)

Tân chủ tịch người Nhật của Eximbank có thể đưa ngân hàng trở lại thời hoàng kim?

Từng là một trong những ngân hàng nằm trong top 10, thế nhưng giờ đây, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) trượt dài...

Ngày 25/6, Eximbank bất ngờ thông báo hội đồng quản trị (HĐQT) của ngân hàng đã chấp thuận ông Cao Xuân Ninh từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT theo nguyện vọng cá nhân và bầu chọn ông Yasuhiro Saitoh, Phó Chủ tịch HĐQT đang nắm 15% vốn tại Eximbank đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT thay ông Ninh.

Trước khi trở thành tân Chủ tịch HĐQT Eximbank, "sếp Nhật" Yasuhiro Saitoh từng đảm nhiệm nhiều cương vị tại ngân hàng này như: thành viên Hội đồng quản trị Eximbank năm 2015, 2016; Phó chủ tịch HĐQT Eximbank các năm 2017, 2018, 2019, “sếp Nhật” từng là Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quản lý Rủi ro; Ủy viên hội đồng Đầu tư Tài chính, Ủy viên hội đồng Tín dụng Trung ương Eximbank.

Eximbank

 Tân Chủ tịch Eximbank - ông Yasuhiro Saitoh.

Trong gần 5 năm qua, ông Yasuhiro Saitoh cùng ban lãnh đạo từng cống hiến rất nhiều cho Eximbank tuy nhiên cho tới hiện tại, Eximbank vẫn không thể quay trở lại gương mặt thường trực trong “câu lạc bộ nghìn tỷ lợi nhuận” như trước đây.

Khoảng 10 năm trước đây, EIB luôn nằm trong top những ngân hàng có lợi nhuận cao nhất, tuy nhiên từ khoảng năm 2013, EIB bắt đầu lao dốc không phanh.

Đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng này là năm 2014, EIB dùng đến 92% lợi nhuận để trích lập dự phòng, và con số này tăng lên 96% vào năm 2015.

Nếu như năm 2011 lợi nhuận sau thuế tại Eximbank đạt đỉnh 3.039 tỷ. Sau hai năm, lợi nhuận sau thuế tại Eximbank “rớt đài” tụt xuống gần 659 tỷ đồng trong năm 2013, rồi xuống gần 57 tỷ đồng trong năm 2014. Đến năm 2015, lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức gần 40 tỷ đồng.

Eximbank 1.png

 Nguồn: BCTC hợp nhất đã kiểm toán năm 2015 tại Eximbank.

Năm 2016, lợi nhuận sau thuế tại Eximbank tăng vọt gần 309 tỷ đồng, gấp gần 8 lần so với năm 2015. Tổng dư nợ tín dụng của Eximbank đạt mức 86.891 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,5% so với hồi đầu năm. Nợ xấu tuyệt đối của Eximbank đạt mức 2.560 tỷ đồng, chiếm 2,95% tổng dư nợ tín dụng, cao hơn con số 1,86% của năm 2015.

Lưu ý, thời điểm kết thúc 6 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ nợ xấu của Eximbank lên đến 5,3%, sau đó giảm xuống còn 3,35% tại thời điểm 3 tháng sau đó, đều cao hơn ngưỡng quy định thông thường 3%. Cũng trong năm 2016, Eximbank vẫn còn tới 7.029 tỷ đồng nợ xấu "nằm tạm" tại VAMC, trong đó có đã trích lập dự phòng được 1.400 tỷ đồng.

Eximbank 2.png
Eximbank 3.png

Nguồn: BCTC hợp nhất đã kiểm toán năm 2016 tại Eximbank. 

Năm 2017, Eximbank đạt doanh thu 8.950 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lại vỏn vẹn gần 823 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng nợ xấu của Eximbank tuy đã giảm so với năm 2016 nhưng vẫn ở mức cao. Từ đầu năm 2017 đến hết quý 3 nợ xấu lên tới 2.348 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm gần một nửa với 1.093 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kết thúc năm 2017, nợ xấu Eximbank đã có nhiều chuyển biến tích cực nhờ tái cơ cấu Công ty quản lý tài sản Eximbank (AMC) nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu đưa tỷ lệ nợ xấu từ mức 2,95% hồi đầu năm giảm còn 2,27%.

Eximbank 4.png
Eximbank 5.png.jpg

Nguồn: BCTC hợp nhất đã kiểm toán năm 2017 tại Eximbank. 

Năm 2018 tiếp tục là một năm Eximbank gặp khó khăn về tăng trưởng cho vay khách hàng. Tốc độ tăng trưởng bình quân cho vay khách hàng của nhà băng này chậm so với các nhà băng cùng quy mô. Ngoài ra, thu nhập khác (chủ yếu từ thu hồi nợ xấu) cũng giảm 48% còn 225 tỷ đồng.

Đáng chú ý, quý 4/2018 Eximbank báo lỗ ròng gần 247 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi gần 448 tỷ đồng. Một lần nữa ngân hàng lại khiến cho nhà đầu tư lo ngại về khả năng hồi phục, thậm chí quay trở lại khủng hoảng như những năm 2014 và 2015 khi đang đối mặt biến cố mới về nhân sự.

Cơ cấu nợ xấu dịch chuyển theo hướng giảm dần nợ nhóm 4 ( nợ nghi ngờ) và tăng nợ nhóm 5 - nhóm nợ nguy hiểm nhất.

Lưu ý, tại BCTC hợp nhất kiểm toán 2018, kiểm toán viên đã có nhấn mạnh liên quan đến 746 tỷ đồng nợ xấu phát sinh đối với khoản cho vay 7 khách hàng dùng gần 75 triệu cổ phiếu STB của Sacombank làm tài sản đảm bảo. Theo kiểm toán, tại ngày 31/12/2018, nếu trích lập dự phòng các khoản cho vay trên theo Thông tư 02 và Thông tư 09 thì chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cho năm 2018 sẽ tăng lên 97.6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm hơn 78 tỷ đồng.

Eximbank 6.png

 Nguồn: BCTC hợp nhất đã kiểm toán năm 2018 tại Eximbank.

Bước sang năm tài chính 2019, doanh thu tại Eximbank đạt 11.305 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 866 tỷ đồng, tăng 31% so với năm trước.

Nếu so với con số đạt được trong năm 2011 thì mức lợi nhuận này mới chỉ bằng 30%, một con số vô cùng khiêm tốn. Trong khi đó, nợ xấu vẫn ở mức cao 1.933 tỷ đồng. Trong đó, nhóm 3 tăng 15%, lên mức 973 tỷ đồng; nợ nhóm 4 tăng 23%, lên mức 145 tỷ đồng.

Eximbank 7.png
Eximbank 8.png.jpg.png

 Nguồn: BCTC hợp nhất đã kiểm toán năm 2019 tại Eximbank.

Kết thúc quý 1/2020, nợ xấu của Eximbank tăng 4% so với đầu năm, ghi nhận gần 2.018 tỷ đồng, chủ yếu do nợ nhóm 3 tăng 6% và nợ nhóm 4 tăng 25%. Do đó, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,7% lên 1,85%. Hiện Eximbank vẫn còn 2.103 tỷ đồng trái phiếu VAMC.

Eximbank 9

 Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2020 tại Eximbank.

Như vậy, 5 năm tham gia nhiều vị trí cấp cao cùng với việc tiếp quản vị trí chủ tịch, ông Yasuhiro Saitoh - vị chủ tịch ngoại quốc đầu tiên sẽ khiến Eximbank hoạt động như thế nào, liệu có gượng dậy như 10 năm trước đây không, hay vẫn khiến Eximbank hoạt động "giật lùi" như 5 năm qua? 

Ai hậu thuẫn tân chủ tịch Eximbank?

Trong hơn 1 năm qua, việc tranh chấp giữa các nhóm cổ đông đề cử người ngồi vào ghế chủ tịch HĐQT đã trở nên quá quen thuộc. Bởi vậy mà chỉ hơn 1 năm, có tới 4 người ngồi vào vị trí này: ông Lê Minh Quốc, bà Lương Thị Cẩm Tú, ông Cao Xuân Ninh, ông Yasuhiro Saitoh. Trong khi không khó để suy đoán nhóm cổ đông đứng sau ông Quốc, bà Tú, ông Ninh; thì với ông Yasuhiro Saitoh lại khác.

Được biết, tân Chủ tịch HĐQT Eximbank ông Yasuhiro Saitoh sinh năm 1961, quốc tịch Nhật Bản. Ông Yasuhiro Saitoh đã từng là nhân viên Marketing - Ngân hàng Mitsui Bank Ltd; Phó Tổng Giám đốc - AVP, Tập đoàn Đầu tư Thu nhập cố định toàn cầu, Khối Giao dịch Thị trường Vốn (Tokyo); Phó Tổng Giám đốc cấp cao, Giám đốc Đầu tư (Trái phiếu, Cổ phiếu, Hàng hóa và Đầu tư Cổ phần Tư nhân) - VP, Khối Quản lý tài sản tại Công ty Ủy thác Sakura (New York); Phó Tổng Giám đốc Điều hành cấp cao - Phòng Ngân quỹ Ngân hàng Manufacturers (Los Angeles).

Ông Yasuhiro Saitoh là người ngoại quốc đầu tiên lên giữ vị trí Chủ tịch HĐQT ở Eximbank. Tân chủ tịch Eximbank từng là nhân sự của Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - cổ đông lớn sở hữu 15% vốn tại Eximbank, được cổ đông này đề cử tham gia vào HĐQT ngân hàng vào năm 2015. Song mối liên quan giữa ông Yasuhiro và SMBC ở thời điểm hiện tại là dấu hỏi lớn.

Bởi, trong một văn bản gửi Eximbank ngày 28/4, SMBC có đề cập tới 2 vấn đề cần được bàn bạc tại cuộc họp bất thường là (1) việc bãi nhiệm ông Yasuhiro Saitoh và (2) cắt giảm quy mô HĐQT, bỏ phiếu "Không bãi nhiệm" hay "Bãi nhiệm" đối với từng thành viên HĐQT. Hay trong một văn bản khác đề ngày 26/5/2019, SMBC cũng đề cập về việc ông Yasuhiro từ chức khỏi các vị trí thành viên HĐQT của Eximbank cùng tất cả các vị trí thuộc (các) ủy ban HĐQT. Được biết, ông Yasuhiro Saitoh từng có đơn từ chức trong năm 2019, nhưng ngày 22/5/2019, HĐQT của Eximbank ra Nghị quyết chưa xem xét việc từ nhiệm của ông Yasuhiro.

Eximbank 10.png

Hơn nữa, cục diện cổ đông Eximbank cũng đang là bí ẩn khi trong năm 2019 có sự chuyển giao lượng lớn cổ phiếu EIB. Nhóm cổ đông liên quan Nam A Bank được cho đã thoái vốn khỏi Eximbank, song bên nhận chuyển nhượng là ai đến nay vẫn chưa lộ diện. Đồng thời, nếu không phải SMBC hậu thuẫn thì ông Yasuhiro Saitoh đang ở nhóm cổ đông nào tại Eximbank vẫn là một dấu hỏi lớn. 

Mới đây nhất, sau khi tổ chức bất thành cả đại hội cổ đông thường niên và đại hội cổ đông bất thường ngày 30/6 Eximbank lại thông báo họp cổ đông thường niên lần 2 dự kiến vào ngày 29/7 tới đây. Tuy nhiên, cổ đông nắm giữ 15% vốn của Eximbank là SMBC lại vừa có văn bản yêu cầu ngân hàng này tổ chức ĐHĐCĐ bất thường lần 2 trước ĐHĐCĐ thường niên 2020 lần 2.

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo

Bạn đang đọc bài viết Tân chủ tịch người Nhật của Eximbank có thể đưa ngân hàng trở lại thời hoàng kim?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Các ngân hàng đặt mục tiêu cao trong năm 2024
Vừa qua, một số ngân hàng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) với nhiều kế hoạch đáng chú ý liên quan đến việc tái cơ cấu, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng vốn điều lệ.

Tin mới