Lợi nhuận ngân hàng NamABank, Eximbank và BIDV biến động lớn sau soát xét
Sau soát xét, lợi nhuận và chất lượng tín dụng tại NamABank, BIDV và Eximbank đều tăng giảm thất thường.
Theo BCTC hợp nhất sau kiểm toán vừa được Eximbank công bố, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2020 đã soát xét đạt 441 tỷ đồng, giảm 169,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019 (tương đương giảm 27,77%) so với lợi nhuận sau thuế cùng kỳ 2019.
Eximbank lý giải do thu nhập lãi thuẫn giảm 48,2 tỷ đồng (giảm 2,9%) so cùng kỳ năm 2019 do Ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời gian trả nợ (gốc/lãi), giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN.
Đối với các khoản nợ được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm Nợ đủ tiêu chuẩn (Nhóm 1), kể từ ngày được tái cơ cấu lại, Eximbank không hạch toán dự thu mà thực hiện theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu.
Chi phí hoạt động của Eximbank 6 tháng đầu năm 2020 sau kiểm toán giảm gần 62 tỷ đồng (giảm 4,37%) so với cùng kỳ năm 2019 do Eximbank chủ động rà soát và cắt giảm các chi phí hoạt động theo Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.
Ngoài ra, chi phí dự phòng rủi ro tăng 263,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019 do Eximbank thực hiện trích lập bổ sung dự phòng cụ thể.
Đối với báo cáo riêng Ngân hàng, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2020 đã soát xét đạt 444 tỷ đồng, giảm 157 tỷ đồng ( tương đương giảm 26,15%) so với lợi nhuận sau thuế cùng kỳ 2019.
Được biết, đến thời điểm này, Eximbank vẫn chưa có lịch tiếp theo cho cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 sau 2 lần phải hủy Đại hội đồng cổ đông do không đủ tỷ lệ cổ đông tham dự.
Ngoài Eximbank, sau soát xét, nợ xấu và lợi nhuận của BIDV cũng biến động lớn.
Cụ thể, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) của ngân hàng giảm 432 tỷ đồng (tương đương 10,2%) xuống 3.806 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) – nhóm nợ nguy hiểm nhất tăng thêm 433 tỷ đồng (tương đương 3,2%) lên mức 13.776 tỷ đồng. Do đó, tổng nợ xấu của ngân hàng tăng thêm 1 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.
Kiểm toán cũng giảm tổng tài sản gần 314 tỷ đồng xuống 1.446.040 tỷ đồng từ mức 1.446.354 tỷ đồng trước soát xét. Tổng tài sản giảm chủ yếu do sự điều chỉnh xuống của các khoản phải thu và lãi dự thu.
Ngoài ra, do dịch chuyển nhóm nợ từ nợ dưới tiêu chuẩn sang nợ có khả năng mất vốn, BIDV đã tăng thêm hơn 219 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế 6 tháng đầu năm sau soát xét của BIDV giảm 2% so với báo cáo tự lập, xuống gần 4.359 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất sau thuế chỉ còn gần 3.493 tỷ đồng.
Trước đó, NamABank công bố BCTC hợp nhất bán niên năm 2020 sau soát xét cũng ghi nhận nợ xấu tăng vọt so với báo cáo tự lập trước đó.
Cụ thể, sau kiểm toán, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) của Nam A Bank lên gấp gần 5 lần so với trước soát xét, lên mức 1.535 tỷ đồng.
Trong khi đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) lần lượt giảm 6% và 27% so với trước kiểm toán, dẫn đến tổng nợ xấu của Nam A Bank tăng 81%, lên mức gần 2.259 tỷ đồng, cao gấp 1,8 lần so với mức 1.245 tỷ đồng trong báo cáo tự lập.
Đáng chú ý, dư nợ cho vay khách hàng cũng tăng thêm hơn 1.904 tỷ đồng, tương đương tăng 3% so với trước soát xét, lên mức 77.006 tỷ đồng.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo