0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ năm, 25/11/2021 05:46 (GMT+7)

Tại sao Việt Nam không theo đuổi mục tiêu ‘Zero Covid-19’?

Sáng 24/11, tại Hội thảo Bảo vệ sức khỏe – Thích ứng an toàn với Covid-19, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, trước tốc độ lây nhiễm của biến chủng Delta, Việt Nam đã thay đổi mục tiêu chống dịch và chấp nhận sống chung với Covid-19.

Thay đổi mục tiêu chống dịch để đối phó với siêu lây nhiễm Delta

Nói về nguyên lý của virus gây bệnh Covid-19, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, SARS-CoV-2 vẫn lây truyền qua đường hô hấp, các thủ thuật, môi trường kín do hạt virus lơ lửng trong không khí với hệ số lây nhiễm rất nhanh ở biến chủng Delta.

Đến nay, người mắc Covid-19 thường đa số không xuất hiện triệu chứng hoặc có biểu hiện nhẹ. Tỷ lệ F0 không triệu chứng cao nên nguy cơ dịch lây lan trong cộng đồng mà không được phát hiện sớm. Đây là điểm khác biệt của Covid-19 so với dịch SARS năm 2003.

Khác với hai giai đoạn đầu là những ca lây nhiễm từ nước ngoài bởi chủng virus bình thường. Tuy nhiên, kể từ lần bùng phát thứ 3, biến chủng Alpha xuất hiện xuất hiện đã gây ra đợt dịch với khoảng 2.500 ca bệnh. Đặc biệt, nguy hiểm nhất là biến chủng Delta bùng phát lần thứ 4 đã khiến cho nhiều quốc gia không thể trụ được mục tiêu Zero Covid-19, trong đó có Việt Nam.

Hiện nay, dịch đã xuất hiện ở 63 tỉnh, thành phố. Mỗi địa phương lại có nguy cơ khác nhau tùy theo mật độ dân số, mức độ đi lại, khả năng đáp ứng y tế và tỷ lệ vaccine. Do vậy, mức độ miễn dịch, ca tử vong cũng khác nhau.

Nói về sự nguy hiểm của biến chủng Delta, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh biến chủng Delta có tốc độ lây lan rất nhanh. Do đó, khi tỷ lệ tiêm phủ vaccine cao, việc chấp nhận có F0 trong cộng đồng và vừa chống dịch, vừa phục hồi kinh tế là điều sớm muộn. Năm ngoái chúng ta chấp nhận giãn cách xã hội, cách ly triệt để nhưng năm nay thì không.

Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội truyền nhiễm TP.HCM cho biết, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua ở TP.HCM, có nhiều hạn chế mà ngành y tế và xã hội chưa làm được, đặc biệt là chăm sóc tốt về sức khỏe, tinh thần cho người bệnh.

"Chúng ta đang đặt mục tiêu theo quá nhiều chỉ số, tuy nhiên, chỉ số quan trọng nhất vẫn là chăm sóc tốt cho người bệnh trong không gian mà họ vốn được hưởng. Lẽ đương nhiên, điều trị F0 tốt là can thiệp sớm nhất, chứ không phải đưa họ đến bệnh viện sớm nhất", bác sĩ cho hay.

tm-img-alt

Chuyên gia còn nhấn mạnh việc người dân nên tuân thủ 5K và vaccine. Dù có bóc tách F0 đến mức nào thì 5k vẫn là giải pháp chống dịch hiệu quả nhất.

Thay đổi linh hoạt để sống chung với Covid-19

Ngày 11/10, Chính phủ ban hành quy định tạm thời về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" được áp dụng toàn quốc, thay thế Chỉ thị 15,16, 19.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, trong giai đoạn này chúng ta vẫn chuẩn bị giường bệnh, nhân lực y tế, giường ICU, tránh quá tải hay vỡ trận, đặc biệt là chăm sóc tốt cho người nguy cơ cao, F0 có triệu chứng nặng. Đặc biệt, phải phân loại rõ F0 nào được điều trị ở nhà, F0 nào cần nhập viện. Đồng thời nhấn mạnh các địa phương chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng tình huống dịch cụ thể.

Về vấn đề cách ly, khoanh vùng dập dịch, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng đây là vẫn giải pháp quan trọng khi chưa đạt miễn dịch cộng đồng. Hiện với người tiêm đủ liều vaccine, chỉ cần theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày.

"Cách ly tại nhà vẫn là phương án tối ưu, cách ly tập trung chỉ áp dụng khi F0 không đủ điều kiện cách ly tại nhà", ông cho biết.

Về xét nghiệm, chuyên gia nhấn mạnh ngoài việc xác định F0, phát hiện ổ dịch thì yếu tố quan trọng là đánh giá nguy cơ, xét nghiệm theo điều tra dịch tễ. Ngoài ra, cần xét nghiệm người có nguy cơ cao như có triệu chứng hô hấp, tiểu thương.

"Vì nhân lực hạn chế, địa phương nào truy vết được thì truy vết đến cùng, ví dụ như tỉnh có số ca mắc thấp, mức độ lây nhiễm chưa cao. Còn tỉnh nào đã có dịch lây lan mạnh trong cộng đồng, không thể truy vết được thì không nên theo đuổi", PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Đối với vấn đề tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, chuyên gia đề xuất cần tiêm mũi tăng cường với người đủ 2 liều vaccine. Nguyên nhân là thường 4-6 tháng, miễn dịch đối với vaccine có thể suy giảm.

Các địa phương cần thống nhất trong giải pháp chống dịch Covid-19. Mỗi địa phương có thể xây dựng mô hình chống dịch nhưng không thể trái khoa học, cũng không thể có nơi này làm thế này, nơi khác quy định ngược lại, PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định.

Bạn đang đọc bài viết Tại sao Việt Nam không theo đuổi mục tiêu ‘Zero Covid-19’?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới