0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ ba, 20/10/2020 09:31 (GMT+7)

Sứa Cô Tô - “vàng trắng” vẫn khó tìm đầu ra

Người dân Cô Tô (Quảng Ninh) đang khó tìm đầu ra cho sứa thành phẩm do sau khi chế biến không xuất khẩu được.

Được mệnh danh là “vàng trắng” của biển đảo Cô Tô (Quảng Ninh), sứa biển là một trong những món ăn cực kì được yêu thích mỗi khi du khách có dịp đi du lịch Cô Tô.

Cô Tô được coi là nơi tập trung sản lượng lớn sứa biển. Sản lượng sứa ở đây lớn gấp nhiều lần so với sản lượng sứa ở Thanh Hóa hay Nam Định. Nơi đây có chợ cá Chiến Thắng, nổi tiếng khắp vùng biển Đông Bắc, là nơi buôn bán tấp nập của tàu thuyền sau mỗi chuyến đánh bắt Sứa.

Những ngày này, vùng biển Cô Tô rộn ràng trong mùa sứa biển. Lý do người ta ví von đây là nghề vớt “vàng trắng”, bởi nguồn thu lớn mà nó đem lại cho hàng nghìn ngư dân khai thác cùng chủ xưởng, nhân công chế biến. Nghề sứa cũng từ đó mà có tác động nhiều chiều tới kinh tế, môi trường nơi huyện đảo tiền tiêu.

Sứa Cô Tô - “vàng trắng” vẫn khó tìm đầu ra
Sứa Cô Tô - “vàng trắng” vẫn khó tìm đầu ra

Toàn huyện Cô Tô hiện có 33 xưởng chế biến sứa. Trung bình các xưởng chế biến thu mua 1.000-1.500 con/ngày (khoảng 25 - 35 tấn). Vào mỗi vụ sứa, huyện đảo đón khoảng 2.000 lao động từ các nơi, mỗi cơ sở giải quyết việc làm thời vụ cho từ 20 - 30 lao động, thu nhập tháng cao điểm lên đến 15 triệu đồng/người/tháng.

Vào những năm được mùa, giá mỗi thùng sứa từ 200.000-300.000 thùng (7- 10 kg/thùng). Riêng sứa đỏ có giá từ 1- 2 triệu đồng/thùng. Việc khai thác và chế biến sứa đã mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế thủy sản của huyện Cô Tô, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế, giúp các hộ vươn lên làm giàu.

Sản lượng chế biến sứa biển trong 5 năm gần đây từ 100.000- 300.000 thùng/năm. Doanh thu hàng năm đạt khoảng 80-100 tỷ đồng (chiếm 80% tổng giá trị các mặt hàng thủy sản).

Đáng nói đó lại là những con số rực rỡ của vài năm trước, nay chế biến sứa tại Cô Tô đang loay hoay đi tìm lời giải cho bài toán đầu ra.

Sứa Cô Tô - “vàng trắng” vẫn khó tìm đầu ra
Chế biến sứa ăn liền thành sản phẩm OCOP

Một người dân chia sẻ: Trước năm 2018, sứa là lộc trời, là hi vọng thoát nghèo, làm giàu của người dân Cô Tô. Nhưng 2 năm trở lại đây, tình hình tiêu thụ giảm sút. Sứa thành phẩm sau khi chế biến không xuất khẩu được. Có những chuyến hàng chờ xuất, thủ tục, vận chuyển, lưu kho bãi, bảo quản cả tháng trời, gây thiệt hại nặng.

Theo thống kê, hiện lượng sứa thành phẩm lưu kho tới hơn 150.000 thùng. Hộ kinh doanh gặp khó khăn trong việc trang trải chi phí phát sinh như điện, nước, thuê nhà xưởng và chi phí nhân công.

Đối với thực trạng trên, Phòng TNMT&NN huyện cho biết: Do chính sách biên mậu nước bạn thay đổi, siết chặt lại quy định kiểm soát nhập khẩu, tăng cường thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc, xuất xứ; vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo quản, đóng gói hàng hóa… Đây có lẽ là lí do ngành chế biến sứa Cô Tô đang lao đao.

Được biết, lãnh đạo huyện đang tích cực, chủ động làm việc với các tổ chức tín dụng xem xét hoãn, giãn các khoản vay; mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, tổ chức hội nghị kết nối giao thương cung cầu giữa doanh nghiệp phân phối trong và ngoài tỉnh.

Đồng thời, hướng dẫn người dân quy định của thị trường Trung Quốc đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu, hướng dẫn hoàn thiện các quy trình kỹ thuật, hồ sơ... để cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm, tem nhãn mác xuất xứ, nguồn gốc đảm bảo các tiêu chí tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu vào nhiều nước khác, tránh phụ thuộc vào một thị trường. Khuyến khích các mô hình liên kết chuỗi từ khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thông qua các hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước có đủ năng lực và điều kiện xuất khẩu để tiêu thụ sản phẩm. Hiện huyện cũng báo cáo tỉnh để đề xuất hỗ trợ lên bộ, ngành liên quan để tháo gỡ.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Sứa Cô Tô - “vàng trắng” vẫn khó tìm đầu ra. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Chính phủ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tin mới