Starup Việt Nam AYA Cup giành chiến thắng cuộc thi khởi nghiệp xanh của Liên Hợp Quốc
Với ý tưởng kinh doanh giúp môi trường xanh hơn sau đại dịch Covid-19, AYA Cup cùng với một stratup nữa của Việt Nam đã chiến thắng.
Startup AYA Cup - hệ thống mượn ly cho quán cafe mang đi được thành lập từ tháng 4/2018 bởi Lê Thùy Linh, AYA Cup đặt mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa được tạo ra bởi ngành công nghiệp đồ ăn mang đi ở Việt Nam, con số này ước tính lên tới 27 tấn nhựa và xốp hàng năm. Nhưng không chỉ chống nhựa và kéo kinh tế đi xuống, ý tưởng của dự án cũng giúp đem lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp.
Ý tưởng khá đơn giản được xuất phát từ nhu cầu thực tế: các quán cafe cung cấp ly dùng nhiều lần để khách có thể mượn mang đi. Sau khi sử dụng, khách có thể đem trả lại vào bất kỳ quán nào tham gia hệ thống và lấy lại tiền đặt cọc. Tiền đặt cọc sẽ vào khoảng 50.000 đồng.
Theo một nghiên cứu được thực hiện gần đây, trung bình mỗi người tiêu thụ 70 ly dùng một lần/năm, con số này tương đương với 12.000 ly/phút. Với mong muốn giảm thiểu con số đáng sợ này, AYA Cup chủ động hợp tác với hàng quán để đưa ly thân thiện với môi trường của mình vào hệ thống.
Khi nghe về dự án này, chính các quán cafe cũng nhận thấy mình sử dụng ly nhựa quá nhiều và mong muốn được thử sức cùng AYA Cup để thay đổi. Hiện tại, dự án của Linh đã bắt đầu khởi động ở Quận 2, TP.HCM, nơi các quán cafe nằm san sát nhau và dễ dàng tạo thành một hệ thống.
Theo ghi nhận, đã có hơn 20 quán cà phê đồng ý tham gia vào dự án và có một số lượng người dùng, dù chưa nhiều, nhưng bắt đầu cầm ly tới trao đổi.
Ở thời điểm hiện tại, các quán đang hoạt động trong hệ thống của Ayacup đều không mất thêm chi phí nào. Tuy nhiên, quán có trách nhiệm thu nhận ly, thu nhận tiền cọc, rửa ly và trao lại cho khách hàng tiếp theo. Mỗi tháng phía Aya sẽ đến kiểm soát số lượng cốc và nhận về tiền cọc.
Cốc AYA được đặt tại các cửa hàng đồ uống, nhà hàng
Founder Thùy Linh tính toán nếu tham gia với Ayacup, quán sẽ tiết kiệm được khoản chi phí cho đồ uống mang đi, thường dao động từ 1.500 đồng/bộ gồm ly nhựa, nắp đậy và ống hút cho tới 2.000, 3.000 đồng. Trong tương lai, khi startup tiến hành thu phí, thì nhà hàng vẫn được lợi bởi họ đã cắt giảm được chi phí cho đồ nhựa, biến những khoản này từ chi phí biến đổi thành chi phí cố định.
Dù đang có một khởi đầu tốt và được nhiều bạn trẻ hưởng ứng. Tuy nhiên, để có thể tiếp cận được nhiều quán cà phê với nhiều thương hiệu lớn hơn thì Ayacup cần thời gian để hoàn thiện bộ máy. Bên cạnh đó, CEO Lê Thùy Linh cũng chia sẻ, Ayacup cần phải cố gắng kiểm soát tốt các khoản chi phí, tỷ lệ “burn rate” thấp và có thể duy trì hoạt động trong nửa năm nữa. Đồng thời, tìm kiếm thêm những đối tác chiến lược để tiếp cận những cuộc chơi lớn hơn trong tương lai.
Sắp tới, AYA Cup cũng hợp tác với các đơn vị giao thức ăn để mở rộng mạng lưới này hơn nữa. Nữ founder mong muốn dự án được phát triển mạnh mẽ hơn để từ những hành động nhỏ, ta có thể giảm được đến 12.000 ly nhựa dùng một lần.
Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp “Asia-Pacific Low Carbon Lifestyles Challenge” (Thử thách Lối sống Carbon thấp ở Châu Á - Thái Bình Dương) do Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) tổ chức, nhằm tìm ra giải pháp kinh doanh đi liền với sự phát triển của môi trường sống.
Rất nhiều dự án khởi nghiệp khắp khu vực đã tham gia, trong đó có 2 startup đến từ Việt Nam. Chiến thắng tại hạng mục Sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa là dự án AYA Cup, hệ thống mượn ly cho đồ uống mang đi của nữ founder Lê Thùy Linh.
Ở hạng mục Sáng kiến năng lượng sạch, startup AirIoT của Trần Nguyễn Duy Tuấn hướng đến thị trường khách sạn và homestay tại Việt Nam nhằm điện hao phí, giúp tiết kiệm điện năng tiêu thụ mỗi tháng từ 25% đến 40%. Cả hai nhận được giải thưởng 10.000 USD cho giải pháp sáng tạo của mình.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm