Hỗ trợ Hà Tĩnh, Quảng Bình khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão lũ
Bộ NN&PTNT đã triển khai các phương án, kế hoạch và huy động nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân với tổng số tiền trên 150 tỷ đồng để giúp người dân miền Trung.
Thông tin từ Cổng thông tin Khuyến nông Quốc gia, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình về công tác khắc phục và tái sản xuất sau thiên tai.
Theo báo cáo, 2 trận mưa lũ liên tiếp đã làm 06 người bị chết, 43 người bị thương, hơn 52 nghìn hộ dân trên địa bàn Hà Tĩnh bị ảnh hưởng; trong đó hơn 40 nghìn ngôi nhà bị ngập sâu trong nước; Nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng xuống cấp; Sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra đối với tỉnh Hà Tĩnh ước tính hơn 5.327 tỷ đồng.
Hỗ trợ Hà Tĩnh, Quảng Bình khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão lũ |
Còn tại Quảng Bình, mưa lũ làm 183 thôn, bản/33 xã bị cô lập, chia cắt; 25 người bị chết, 197 người bị thương; 106.220 hộ bị ngập nặng... Ước tính tổng giá trị thiệt hại sơ bộ toàn tỉnh do 2 đợt mưa lũ gây ra là 3.511,6 tỷ đồng; trong đó lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, thủy lợi là hơn 1.780 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NN&PTNT đã triển khai các phương án, kế hoạch và huy động nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân với tổng số tiền trên 150 tỷ đồng để giúp người dân miền Trung, khắc phục hậu quả bão lũ, sớm ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất.
Đoàn của Bộ NN&PTNT đã hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và một số hàng hóa thiết yếu khác. Hà Tĩnh được hỗ trợ trên 17 tỷ đồng, Quảng Bình là trên 32 tỷ đồng để khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng lưu ý, bão, lũ đi qua, công tác khắc phục và tái thiết sản xuất để ổn định đời sống của người dân là vô cùng quan trọng, đặc biệt tiêu độc khử trùng môi trường nói chung, môi trường chăn nuôi, thủy sản nói riêng nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, lây lan sau lũ; tăng cường công tác thú y, phòng, chống dịch bệnh, ngăn ngừa ổ dịch mới phát sinh, đặc biệt không để dịch tả lợn Châu Phi phát sinh lây lan.
Thứ trưởng nhất mạnh, thời gian tới cần chú trọng khôi phục chăn nuôi gia cầm, sản xuất rau màu vì chu kỳ sản xuất ngắn có thể tạo sản phẩm nhanh phục vụ đời sống nhân dân.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm