Sinh viên, người lao động nghèo ‘chật vật’ thời bão giá
Trước sức ép giá cả thị trường tăng chóng mặt, nhiều gia đình có thu nhập thấp, sinh viên phải cắt giảm thu chi và gặp nhiều khó khăn.
Giá xăng dầu liên tục lập đỉnh khiến hàng loạt chi phí dịch vụ tăng chóng mặt; giá thuê trọ, giá thực phẩm và ngay cả mùa nắng nóng, nhiều chủ nhà trọ cũng nghĩ cách tăng giá điện khiến cuộc sống của những người lao động nghèo, sinh viên trở lên khó khăn gấp bội phần. Có lẽ, đây là đối tượng chịu tác động lớn nhất từ cơn “bão giá” đang hoành hành.
Bước vào căn phòng trọ sinh viên ở cuối ngách 27/39 Võ Chí Công, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy trong thời tiết oi bức giữa lúc mặt trời lên đỉnh, phóng viên mệt mỏi và mất sức vì phải di chuyển khá lâu giữa trời nắng trong con ngõ ngoằn nghèo. Đây là nơi bạn Hồ Văn Thìn thuê trọ và sinh sống. Dù đang nghỉ hè nhưng Thìn vẫn cố bám trụ lại thành phố để làm thêm kiếm thu nhập phụ giúp gia đình với những công việc theo giờ.
Thìn đang là sinh viên năm cuối Khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Sư phạm Hà Nội. Em cho biết, nơi mình đang thuê trọ tiền điện trung bình mỗi tháng là 700.000đồng. Riêng tháng 6 vừa rồi em phải đóng đến 900.000 đồng dù điều hòa thi thoảng mới được sử dụng trong những hôm thời tiết quá nóng.
“Đây em mới chỉ tính riêng chi phí tiền điện đã đội lên 200.000 đồng chưa kể các khoản khác cũng phát sinh như giá cả thực phẩm, xăng xe đi lại”, Thìn cho biết.
Theo Thìn, ở Hà Nội giờ hiếm lắm mới có chủ trọ tính giá điện như giá nhà nước. Còn nơi nào cũng đẩy giá lên rất cao, thấp thì 3000 - 4.000 đồng một số còn không cũng phải 5.000 đồng một số điện.
“Em chỉ mong sao cơn “bão giá” nhanh qua không thì mỗi tháng tiền em phải chi ra quá nhiều trong khi thu nhập làm thêm giờ cũng chỉ được 20.000 – 25.000 đồng một giờ”, Thìn nói.
Một bạn sinh viên khác là Nguyễn Thị Thu Uyên (sống tại làng sinh viên Hacinco, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: Khi nhận được tin từ Ban Quản lý các toà nhà Hacinco thông báo về việc tăng giá điện em rất lo lắng. Đây là chung cư chỉ dành cho sinh viên thuê ở, trước đây giá điện chỉ ở mức 2.500 đồng/kWh nay đột ngột tăng lên 4.000 đồng/kWh, đắt hơn rất nhiều so với các hộ dân sống xung quanh.
Theo chuyên gia pháp lý, khi phải chịu mức tiền điện, nước theo giá kinh doanh quá cao, người lao động ngoại tỉnh, sinh viên thuê nhà trọ cần thông báo tới Công ty Điện lực khu vực hoặc Trung tâm Chăm sóc khách hàng điện lực để Sở Công thương chủ trì cùng Công ty Điện lực lập biên bản và xử lý vi phạm về việc giá bán điện cao hơn giá quy định.
Chuyên gia phân tích, theo quy định tại khoản 6 và điểm b khoản 12 Điều 12 Nghị định 134/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt có thể bị xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, biện pháp khắc phục hậu quả là Buộc nộp ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền bất hợp pháp có được đối với hành vi vi phạm.
Có nhiều người cho rằng theo quy định của Bộ Luật dân sự 2015 thì cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Vì vậy, thỏa thuận giữa 2 chủ thể thuê và người cho thuê là hợp lý nếu đạt thành hợp đồng. Tuy nhiên cần phải hiểu rằng pháp luật quy định mọi cam kết, thỏa thuận giữa hai bên không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng. Do đó, việc áp đặt giá bán điện cao hơn giá nhà nước quy định là trái luật.
“Em có phản ánh với Ban Quản lý nhưng chỉ nhận được câu trả lời “nhu cầu tăng cao nên giá điện tăng”, Uyên bức xúc nói.
Là công nhân dọn vệ sinh kiêm bảo vệ tại khu chung cư này, ông Phạm Xuân Hoà cho biết: “Ban ngày tôi cùng anh em công nhân khác phải túc trực tại các chốt hay những điểm giữ xe dưới cái thời tiết nóng bức khiến mọi người luôn có tư tưởng muốn bỏ việc về quê sống. Nhưng khi nhìn lại hoàn cảnh mình quá vất vả so với nhiều người, phải nuôi gia đình 3 miệng ăn, trong đó còn có con nhỏ, đồng thời phụng dưỡng mẹ già đã ngoài 90 tuổi khiến tôi thấy tủi thân dặn lòng phải nỗ lực cố gắng hơn, mệt cũng phải cố”.
Ông Hòa cho biết thêm, ngoài thời gian làm việc ban ngày, đến đêm khi tiết trời bớt oi nóng, ông nhận thêm vệ sinh dọn dẹp để kiếm thu nhập. Tại phòng trọ, gia đình ông Hòa không sử dụng điều hoà mà chỉ sử dụng quạt cơ, có thêm một chiếc tủ lạnh và máy giặt, trung bình mỗi tháng gia đình phải đóng hơn 1,4 triệu đồng tiền điện.
“Nếu ở quê thì chắc chỉ vài trăm ngàn tiền điện. Thế nhưng đây ở phố, giá điện bị chủ trọ thu cao nên mỗi tháng tiền điện chiếm phần lớn lương của tôi. Tất thảy đều đổ tại xăng dầu tăng và chủ trọ cũng tự ý tăng tiền điện, trong khi nhà nước có tăng giá điện đâu. Người đi thuê như chúng tôi đành ngậm ngùi chịu trận bởi thuê chỗ khác họ cũng tính giá điện thế”, ông Hòa nói.
Vừa tan làm ở Công ty Cổ phần bánh kẹo Hải Hà, chị Vũ Thị Liên (46 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cầm 200.000 đồng rời khỏi khu nhà trọ để ra chợ mua thực phẩm nấu bữa tối và chị “ngơ ngác” vì giá cả các mặt hàng ở đây đều tăng mạnh so với hôm trước. Đi dạo một vòng quanh chợ, với số tiền trên chị Liên chỉ đủ mua 1 con gà quay loại 125.000 đồng/con và 1,3kg cải thảo làm kim chi.
Thậm chí, chị không đủ tiền để mua thêm các loại gia vị khác như súp bột, chanh, ớt bột, gừng, sả,… để làm gia vị. Nếu như trước đây, với số tiền đó chị dư sức mua thực phẩm dự trữ trong 2 ngày thì nay mọi mặt hàng đều tăng giá. Theo chị Liên, ngay mớ rau muống cũng báo giá “đắt” gấp đôi.
“Nếu tình hình “bão giá” leo thang mãi như này sẽ là gánh nặng rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống công nhân và người lao động nghèo. Tôi mong muốn các cơ quan có thẩm quyền xem xét, bình ổn giá cả thị trường để cuộc sống của người thu nhập thấp bớt gánh nặng. Lương công nhân không thấy tăng nhưng giá cả thì cứ tăng, xăng tăng là mọi thứ tăng theo, trong khi kì vừa rồi xăng giảm mạnh giá cả vẫn thế”, chị Liên nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, dù giá xăng giảm nhưng các mặt hàng nhất là thực phẩm vẫn giữ giá, thậm chí còn tăng cao vì phải "nghe ngóng thêm kỳ điều hành tiếp theo".
Hồ Chính