0915 15 67 76 [email protected]
Thứ ba, 28/06/2022 13:00 (GMT+7)

Rà soát giảm phí, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua cơn 'bão giá'

Theo Bộ trưởng GTVT, chủ trương của Chính phủ yêu cầu rà soát lại các loại phí, lệ phí, các khoản thu để chia sẻ rủi ro, gánh nặng cho doanh nghiệp, đây là việc làm cần thiết các đơn vị cần triển khai ngay.

Doanh nghiệp vận tải gặp khó

Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt dịch Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều gần như kiệt quệ. Vừa trải qua cơn bão sau đại dịch, giờ đây doanh nghiệp vận tải trong nước khó khăn lại chồng chất khó khăn khi giá xăng dầu tăng cao.

Giá xăng dầu tăng cao trong những ngày qua đã khiến cho thị trường hàng hóa và tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân có thể do phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới và chịu tác động bởi cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, căng thẳng địa chính trị ở một số quốc gia trên thế giới…

Hiện nay, mặt hàng xăng dầu của Việt Nam vẫn chủ yếu nhập khẩu từ thị trường thế giới, do vậy vẫn phải phụ thuộc vào biến động giá xăng dầu thế giới khi xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trên thế giới, giá xăng dầu tại nhiều quốc gia cũng không đứng ngoài vòng xoáy tăng giá.

Để giảm bớt tác động tiêu cực với người dân, doanh nghiệp, Việt Nam có thể tham khảo các nước lớn trên thế giới với các giải pháp kìm giá xăng dầu ra sao để điều tiết thị trường khi giá dầu cao, nhằm góp phần bình ổn thị trường đối với mặt hàng này. Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước điều chỉnh tăng 12 lần giảm 3 lần, khiến các doanh nghiệp taxi đứng trước sự lựa chọn tăng giá cước, hoặc chấp nhận lỗ.

Rà soát giảm phí, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua cơn "bão giá" - Ảnh 1
Giá xăng dầu tăng cao khiến cho thị trường hàng hóa và tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng nặng nề. (Ảnh minh họa)

Do đó, tăng giá cước hay không, tăng như thế nào cho phù hợp là vấn đề khiến doanh nghiệp đang phải đau đầu tính toán. Khó khăn nhất hiện nay là lái xe taxi chạy khoán, hay taxi công nghệ, khi giá xăng dầu cao, cùng với hàng loạt chi phí khác tăng theo, nhưng phía doanh nghiệp vẫn thu về trên 30%, nên lái xe càng chạy càng lỗ. Nếu như trước đây, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 40% cơ cấu giá thành vận tải, thì hiện nay khi giá xăng vượt ngưỡng 33.000 đồng/lít, tỷ lệ này đã nâng lên khoảng gần 80%. Khi giá xăng dầu tăng như hiện nay, các doanh nghiệp vận tải hoạt động mang tính cầm chừng.

Theo ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc Mai Linh vùng I, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, nếu không tăng giá cước, doanh nghiệp sẽ phải hỗ trợ tiền xăng cho lái xe, không họ cũng đành nghỉ việc.

"Lộ trình cơ cấu giá cước chúng tôi đang tính toán để cho phù hợp. Hiện giá cước TP.HCM và Đà Nẵng đang cao hơn từ 1.000 - 1.500 đồng/km. Chúng tôi đang cùng các doanh nghiệp điều chỉnh giá cho phù hợp các thành phố trung ương", ông Hùng chia sẻ.

Ước tính, xăng dầu tuy chỉ chiếm 2 - 3% chi phí của toàn nền kinh tế nước ta, nhưng lại có tác động rất lớn tới mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế đặc biệt là đối với người thu nhập thấp. Khi xăng tăng giá, các loại hàng hóa, nguyên liệu đầu vào sẽ điều chỉnh tăng theo càng làm tăng áp lực cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tiến độ phục hồi sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa sau đại dịch Covid-19. Các lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất của việc tăng giá xăng dầu là vận tải, logistics, đánh bắt cá xa bờ và nông nghiệp.

Cần thiết rà soát lại các loại phí, lệ phí, các khoản thu

Trước đó, Nghị quyết của Bộ Tài giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu từ 500 - 1.000 đồng/lít là động thái tích cực nhằm hỗ trợ giá nhiên liệu trong nước trong giai đoạn khó khăn. Theo các chuyên gia kinh tế, giá xăng dầu chưa dừng lại ở mức hiện nay, mà sẽ tiếp tục tăng. Khi giá xăng dầu thế giới tăng, quỹ bình ổn không thể gánh được quá lâu khi giá xăng dầu thế giới tăng cao.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp các đơn vị trong ngành nhằm rà soát giảm chi phí, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, biến động của giá xăng dầu thời gian qua đã tác động lớn đến ngành Giao thông Vận tải, trong đó, lĩnh vực vận tải chịu tác động nhiều nhất vì xăng dầu chiếm tỉ lệ lớn trong cơ cấu giá thành. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp và thu nhập của người lao động. Đặc biệt, giá vé tăng cao cũng khiến đời sống của người dân thêm phần khó khăn.

Do đó, Bộ trưởng cho rằng chủ trương của Chính phủ yêu cầu rà soát lại các loại phí, lệ phí, các khoản thu để chia sẻ rủi ro, gánh nặng cho doanh nghiệp, đặc biệt người dân sẽ được hưởng lợi khi giảm các loại phí, đây là việc làm cần thiết các đơn vị cần triển khai ngay.

Được biết, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành giao thông vận tải đã thực hiện tốt chủ trương điều chỉnh giảm giá, phí, lệ phí như: Giảm phí bảo trì đường bộ, đăng kiểm, phí cất hạ cánh… đã có tác dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân.

Khẳng định một số lĩnh vực có thể tiếp tục giảm phí, lệ phí, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các Cục chuyên ngành (hàng hải, đường thủy, đường sắt..), Tổng cục Đường bộ Việt Nam ngay trong tháng 6 này phải rà soát để kiến nghị với Chính phủ xem xét miễn giảm một số loại phí, lệ phí, các khoản thu có liên quan đến doanh nghiệp và người dân.

"Một số khoản phí, lệ phí tuy đã thực hiện giảm nhưng trong bối cảnh hiện nay cần thiết giảm thêm cũng cần được kiến nghị Chính phủ xem xét. Các đơn vị khẩn trương rà soát lại các loại phí, lệ phí để có phương án giảm tiếp. Bởi những khoản chi phí này nếu giảm được dù nhỏ cũng có tác dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Các loại phí không thuộc lĩnh vực Bộ quản lý các đơn vị cũng rà soát để kiến nghị giảm cho doanh nghiệp", Bộ trưởng yêu cầu.

Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường đại học Kinh doanh - công nghệ Hà Nội nhận định, đến lúc này cần giảm thuế phí một số mặt hàng, dịch vụ để đảm bảo thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi nền kinh tế như mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra.

Năm nào tổng thu ngân sách cũng tăng trưởng 2 con số, như năm ngoái, dù Covid-19 khiến doanh nghiệp kiệt quệ, đời sống người dân khó khăn do phải giãn cách xã hội nhưng số thu vẫn tăng 16% với hơn 60.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy gánh nặng thuế, phí vẫn áp lực rất lớn cho người dân và doanh nghiệp. Những ngành du lịch, vận tải, lưu trú, nhà hàng… bị thiệt hại nặng nề do đại dịch suốt 2 năm qua và đến nay vẫn chưa thể phục hồi.

"Trước mắt, để chia sẻ khó khăn với người dân, liên Bộ Tài chính - Công Thương sớm trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng để hạ nhiệt giá mặt hàng này và kìm cương mức tăng của lạm phát” - TS Nguyễn Ngọc Tú cho ý kiến.

Trước đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư tiếp tục gia hạn giảm các khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 30/6/2022. Thông tư cũng quy định rõ cách tính phí đối với phí sử dụng đường bộ.

Cụ thể, đối với phí sử dụng đường bộ, Thông tư quy định tính theo từng trường hợp cụ thể. Đối với xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách gồm xe ôtô chở người, các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng chỉ phải nộp 70% mức phí sử dụng đường bộ so với hiện hành; Xe tải, xe ôtô chuyên dùng, xe đầu kéo mức nộp bằng 90%; Xe tập lái, xe sát hạch mức nộp bằng 70%...

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Rà soát giảm phí, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua cơn 'bão giá'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới