Singapore phục hồi bán lẻ - cơ hội cho xuất khẩu
Doanh số bán lẻ trong tháng 7/2020 của Singapore tăng tới 27,4%, việc này cho thấy thị trường này đang dần phục hồi.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Singapore được công bố ngày 4/9, lĩnh vực bán lẻ tại nước này tiếp tục cải thiện, với mức giảm doanh thu trong tháng 7/2020 được thu hẹp so với mức giảm của tháng trước đó.
Doanh số bán lẻ của Singapore trong tháng Bảy giảm 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tháng Sáu giảm tới 27,7%. Nếu không tính doanh số các phương tiện gắn động cơ, mức giảm của tháng Bảy là 7,7%.
Nếu so sánh theo cơ sở từng tháng, doanh số bán lẻ trong tháng 7/2020 tăng tới 27,4% và mức tăng này là 19,5% nếu không tính tới doanh số bán các phương tiện gắn động cơ. Cơ quan Thống kê Singapore ước tính tổng doanh số bán lẻ đạt mức 3,3 tỷ SGD (2,2 tỷ USD) trong tháng 7/2020, trong đó doanh số bán lẻ trực tuyến chiếm khoảng 11%.
Singapore phục hồi bán lẻ - cơ hội cho xuất khẩu
Doanh thu từ các siêu thị và đại siêu thị đã tăng vọt tới 28,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh thu từ các trang thiết bị truyền thông, viễn thông và máy tính cũng tăng tới 27,4%. Trong khi đó, các cửa hàng bách hóa, các cửa hiệu quần áo, giày dép, đồng hồ, đồ trang sức tiếp tục ghi nhận mức sụt giảm doanh số nghiêm trọng, giảm khoảng 21-32,1% do tác động tiêu cực từ việc có quá ít khách du lịch tới Singapore.
Doanh thu từ dịch vụ thực phẩm, ăn uống trong tháng 7/2020 giảm 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái, con số này được cải thiện rất nhiều so với mức sụt giảm kỷ lục 43,6% trong tháng 6/2020. Nếu tính theo từng tháng, doanh thu tháng 7/2020 trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, thực phẩm tăng 29,2% so với tháng 6/2020. Tổng doanh thu của dịch vụ ăn uống, thực phẩm trong tháng 7/2020 ước tính đạt 665 triệu SGD, trong đó doanh số bán đồ ăn uống trực tuyến chiếm khoảng 21,1%.
Trong khi đó, tính đến giữa tháng 7/2020, tổng giá trị XK cá tra sang thị trường ASEAN đạt 73,1 triệu USD, giảm 32,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị XK sang 3 thị trường đơn lẻ lớn nhất là: Thái Lan giảm 33,2%; Singapore tăng 3,3%, Malaysia giảm 31,3%; so với năm trước. Trong đó, Singapore nổi bật trên bức tranh XK cá tra sang khu vực này.
Quý II/2020, trong khi hầu hết giá trị XK sang các thị trường ASEAN và EU giảm sút thì riêng giá trị XK sang Singapore tăng 38,5% đạt gần 13 triệu USD. Tính tới giữa tháng 7/2020, tổng giá trị XK cá tra sang thị trường Singapore đạt gần 21 triệu USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện, Việt Nam có gần 50 doanh nghiệp XK cá tra tham gia XK sang ASEAN trong quý II/2020, trong đó, gần 40 doanh nghiệp XK cá tra sang Singapore. Ba doanh nghiệp, gồm: Hương Phúc Thịnh, IDI CORP và TG CORP là các công ty có giá trị XK cá tra lớn nhất sang Singapore trong thời gian này.
Chuối Việt Nam bán tại siêu thị lớn của Singapore
Mới đây đã diễn ra hội nghị giao thương trực tuyến giới thiệu các cơ hội đầu tư kinh doanh ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên do Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore đã phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận và Phòng Thương mại Công nghiệp người Hoa tại Singapore tổ chức.
Sự phối hợp của Thương vụ Việt Nam tại Singapore và các cơ quan trong nước được các doanh nghiệp hai bên rất coi trọng. Các biện pháp hỗ trợ sau sự kiện mà Thương vụ Việt Nam tại Singapore đề xuất cũng được các doanh nghiệp trong nước hoan nghênh vì sẽ có thêm cơ hội để thúc đẩy thương mại điện tử.
Trong bối cảnh nền kinh tế Singapore và thế giới nói chung suy thoái do Covid-19, Thương vụ Việt Nam tại Singapore cũng triển khai hình thức hội chợ online song ngữ Anh - Việt, giúp quảng bá các mặt hàng của doanh nghiệp Việt Nam với đầy đủ hình ảnh sản phẩm, trang trại, cơ sở chế biến để các doanh nghiệp Singapore chủ động tìm được nhà cung cấp theo nhóm ngành hàng trong mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam và ngược lại.
Nhìn vào những diễn biến trên, có thể thấy trong thời gian tới xuất khẩu sang thị trường Singapore của Việt Nam sẽ ngày càng khởi sắc, không chỉ phục hồi sau dịch Covid-19 mà còn phát triển hơn nữa.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm