Indonesia áp thuế nhập khẩu đối với gạch men ốp lát Việt Nam
Bộ Tài chính Indonesia cho biết, quy định mới đã loại bỏ Việt Nam và Ấn Độ ra khỏi danh sách được miễn trừ thuế với sản phẩm gạch men ốp lát.
Bộ Tài chính Indonesia vừa ra Quy định số 111/PMK.010/2020 về việc sửa đổi quy định liên quan đến áp thuế nhập khẩu theo Biện pháp tự vệ (BMTP) đối với sản phẩm gạch men. Cụ thể trong cuộc họp báo ngày 28/8, ông Febrio Kacaribu, người đứng đầu Cơ quan Chính sách Tài khóa, Bộ Tài chính Indonesia cho biết, quy định mới đã loại bỏ Việt Nam và Ấn Độ ra khỏi danh sách được miễn trừ thuế với sản phẩm gạch men ốp lát.
Theo đó, Indonesia chính thức áp thuế nhập khẩu đối với sản phẩm gạch men ốp lát của Việt Nam và Ấn Độ kể từ ngày 1/9/2020. Việc áp đặt Biện pháp tự vệ đối với gạch men ốp lát của hai quốc gia này dựa trên sự gia tăng nhập khẩu.
Indonesia áp thuế nhập khẩu đối với gạch men ốp lát Việt Nam
Trước đó, năm 2018, Indonesia đã loại Trung Quốc khỏi danh sách miễn thuế nhập khẩu gạch men. Điều này kéo theo sự gia tăng nhập khẩu các sản phẩm tương tự từ Ấn Độ và Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Tài chính Indonesia, giai đoạn 2018-2019, nhập khẩu gạch men từ Việt Nam và Ấn Độ vào Indonesia tăng lần lượt là 6,58% và 22,72%. Tham chiếu điều 9.1 của Biện pháp tự vệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tỷ trọng nhập khẩu từ các nước này đã vượt quá 3% nên không được áp dụng chính sách miễn thuế. Theo đó, thuế nhập khẩu sẽ được áp dụng là 23% trong năm đầu tiên. Trong năm thứ hai và thứ ba lần lượt là 21% và 19% cho đến tháng 10 năm 2021.
Người đứng đầu Cơ quan Chính sách Tài khóa, Bộ Tài chính Indonesia cho biết: Với việc thay đổi quy định này, chính phủ Indonesia muốn các ngành công nghiệp trong nước đáp ứng nhu cầu sản phẩm gốm sứ nội địa nhiều hơn để phát triển ngành công nghiệp quốc gia và đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế đất nước. Đồng thời chính phủ Indonesia cam kết sẽ hỗ trợ ngành công nghiệp trong nước, đặc biệt là ngành gốm sứ, gạch men có thể cạnh tranh trở lại với các sản phẩm nhập khẩu đang tràn ngập thị trường nội địa.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm