0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ ba, 30/11/2021 10:56 (GMT+7)

Sau Xekaman 1 – Pleiku 2, Việt Nam tiếp tục nhập khẩu điện từ Lào với dự án 220kV Nậm Mô

Mới đây, tại xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Ban Quản lý dự án điện 1 tổ chức triển khai thi công dự án đường dây 220kV Nậm Mô (Lào) – Tương Dương (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam).

tm-img-alt
Lễ triển khai thi công xây dựng công trình đường dây 220kV Nậm Mô (Lào).

Trên cơ sở thỏa thuận mua bán điện được kí kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào, ngày 5/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 1490/TTg-CN chấp thuận về chủ trương nhập khẩu điện và phương án đấu nối cụm Nhà máy Thủy điện Nậm Mô (Lào) qua dự án đường dây 220kV Nậm Mô (Lào) , nhằm truyền tải công suất các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Nậm Mô thuộc lãnh thổ Lào về Việt Nam (bao gồm 16 nhà máy thủy điện với tổng công suất 850MW).

Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương nhập khẩu điện và phương án đấu nối cụm Nhà máy thủy điện Nậm Mô, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giao Ban Quản lý dự án điện 1 khẩn trương tổ chức triển khai dự án.

Vào ngày 28/11/2021 tại xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Ban Quản lý dự án Điện 1 đã tổ chức lễ triển khai thi công xây dựng công trình đường dây 220kV Nậm Mô (Lào) – Tương Dương (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam).

Dự án công trình đường dây 220 kV Nậm Mô – Tương Dương là đường dây mạch kép từ biên giới Việt Nam – Lào đến trạm biến áp 220 kV Tương Dương. Đường dây có chiều dài 74,4 km với tổng mức đầu tư 588 tỷ đồng do EVN là chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án Điện 1 là đơn vị được EVN giao Quản lý dự án và Tư vấn giám sát.

Đường dây có vai trò truyền tải điện năng nhập khẩu từ cụm Nhà máy thủy điện Nậm Mô (Lào) về Việt Nam nhằm thực hiện cam kết song phương về quan hệ hợp tác giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và CHDCND Lào trong lĩnh vực phát triển năng lượng.

Theo thỏa thuận đã được ký kết giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào, đến năm 2025 Việt Nam sẽ nhập khẩu nguồn điện từ Lào khoảng 3.000 MW và đến năm 2030 lên tới 5.000 MW. Đây là công trình truyền tải điện thứ 2 phục vụ nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam (sau đường dây 220kV Xekaman 1 – Pleiku 2). Công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần đảm bảo cung cấp điện cho miền Bắc trong những năm tới.

Tuyến đường dây ở phía Việt Nam đi qua địa bàn các huyện Tương Dương và Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Công trình dự kiến sẽ được triển khai thi công trong 9 tháng và hoàn thành đưa vào vận hành trong tháng 8/2022, đồng bộ với cụm dự án Nhà máy thủy điện Nậm Mô (Lào).

Tại lễ triển khai thi công, Tổng Giám đốc EVN yêu cầu các đơn vị thi công trên công trường cần đảm bảo tuân thủ chặt chẽ chỉ dẫn kỹ thuật, quy trình quy phạm và thực hiện theo chỉ dẫn của đơn vị Tư vấn giám sát và Chủ đầu tư trong quá trình thực hiện đảm bảo chất lượng thi công xây dựng, phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Phongsubthavy (Lào), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia trong công tác thi công, đấu nối đồng bộ cả tuyến đường dây đảm bảo vận hành an toàn, thông suốt.

Đồng thời, EVN cũng yêu cầu các đơn vị trên công trương phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và các xã trong phạm vi thi công đảm bảo tuân thủ đúng quy định của chính quyền địa phương cũng như các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Bạn đang đọc bài viết Sau Xekaman 1 – Pleiku 2, Việt Nam tiếp tục nhập khẩu điện từ Lào với dự án 220kV Nậm Mô. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Chính phủ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tin mới