Vốn hóa cán mốc tỷ đô, Genco 3 quyết làm dự án trung tâm điện lực LNG Long Sơn
Tổng công ty Phát điện 3 -CTCP quyết tâm được đầu tư dự án trung tâm điện lực LNG Long Sơn tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Mới đây, Genco 3 lọt vào nhóm các tổ chức niêm yết có vốn hoá tỷ đô trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Muốn đầu tư dự án LNG 3,7 tỷ đô
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết hiện có các nhà đầu tư gồm Tập đoàn Mitsubishi Corporation, Tập đoàn Marubeni, Tập đoàn General Electric International, Tổng công ty Phát điện 3 (Genco 3) quyết tâm được đầu tư dự án trung tâm điện lực LNG Long Sơn.
Dự án có công suất 3.600MW-4.500MW, diện tích khoảng 200ha và tổng vốn đầu tư khoảng 3,7 tỷ USD.
Trong báo cáo gửi Bộ Công Thương mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay sau hơn 2 năm xem xét, thẩm định với nhiều cuộc họp từ trung ương đến địa phương, dự án trung tâm điện lực LNG Long Sơn giai đoạn 1 (công suất 1.200-1.500MW, tiến độ vận hành năm 2025-2026) đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện VII tại công văn ngày 23/4/2020.
Các giai đoạn tiếp theo của dự án sẽ được xem xét cụ thể trong quy hoạch điện VIII, trong đó có giao cho UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, hiện nay, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chỉ đạo xây dựng hoàn thành hồ sơ tiêu chí đánh giá, quy trình thủ tục lựa chọn nhà đầu tư. Dự kiến, tỉnh sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư vào tháng 11/2021 và sẽ triển khai thực hiện đầu tư hoàn thành dự án vào năm 2025 theo tiến độ đã dược Thủ tướng phê duyệt.
Trước đó, tỉnh này đã có công văn báo cáo, kiến nghị Thủ tướng xem xét cho chủ trương về phương án lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm phù hợp để thực hiện dự án trung tâm điện lực LNG Long Sơn giai đoạn 1.
Dự án trung tâm điện lực LNG Long Sơn có vị trí đầu tư gần trung tâm phụ tải là TP. HCM, các khu công nghiệp, gần cảng nước sâu và luồng vận tải thủy, vị trí tốt cho tồn trữ, mua bán, cung cấp LNG, gần đường dây và trạm truyền tải có sẵn.
Đây cũng là dự án trọng điểm của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cung ứng điện năng cho TP. HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (khoảng 21 tỷ kWH/năm)
Tại nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đưa dự án trung tâm điện lực Long Sơn là 1 trong 5 dự án trọng điểm mà Đảng, chính quyền của tỉnh phải tập trung nỗ lực để hoàn thành trong nhiệm kỳ và đã được báo cáo Bộ Chính trị trong Nghị quyết đại hội tỉnh Đảng bộ.
Lợi nhuận tăng nhờ chênh lệch tỷ giá và lãi vay, Genco 3 cán mốc vốn hoá tỷ đô
Cổ phiếu PGV của Genco 3 liên tục tăng giá thời gian vừa qua. Chỉ trong vòng tháng 8, cổ phiếu này đã tăng 37%, giúp Genco 3 gia nhập nhóm doanh nghiệp niêm yết có vốn hoá tỷ đô trên sàn chứng khoán Việt Nam với mức vốn hoá tại ngày 30/8 xấp xỉ 24.716 tỷ đồng, mức giá 24.100 đồng/cổ phiếu
Trong tháng 9, cổ phiếu PGV tiếp tục tăng giá. Chốt phiên giao dịch ngày 27/9, PGV tạm dừng giao dịch ở mức 27.000 đồng/cp, mức vốn hóa trên 30.000 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm sau soát xét của Genco 3 tăng thêm hơn 100 tỷ đồng so với báo cáo tự lập do bổ sung phần lãi từ công ty liên kết. Với gần 1.646 tỷ đồng lãi ròng, Genco 3 đã vượt 25,5% so với kế hoạch đề ra và đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 134%.
Theo báo cáo của công ty, doanh thu nửa đầu năm của Genco 3 đạt 19.635 tỷ đồng, giảm 8,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp đã được cải thiện đáng kể chủ yếu nhờ giảm các khoản chi phí sửa chữa lớn từ mức 903 tỷ đồng nửa đầu năm 2020 xuống còn 387 tỷ đồng kỳ này. Điều này đã bù lại đáng kể phần chi phí nhân viên và chi phí mua ngoài tăng lên. Lợi nhuận gộp của Genco 3 vì vậy không thay đổi nhiều so với cùng kỳ.
Nguyên nhân chủ yếu kéo lợi nhuận tăng đến từ chênh lệch tỷ giá và lãi vay. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Tổng giám đốc công ty cho biết Genco 3 đã giảm 670 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá so với cùng kỳ (nửa đầu năm 2021 lãi chênh lệch tỷ giá là 498 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2020 lỗ chênh lệch tỷ giá là 172 tỷ đồng). Cùng đó, chi phí lãi vay giảm 434 tỷ đồng.
Genco 3 là doanh nghiệp điện lớn, đóng góp tới gần 13,6% tổng sản lượng điện quốc gia năm 2020. Quy mô tài sản của công ty đạt 71.608 tỷ đồng, tương đương xấp xỉ 3,13 tỷ USD. Tuy vậy, nguồn vốn tài trợ phần lớn vẫn đến từ nguồn đi vay (55.174 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ xấp xỉ 77%. Con số trên đã giảm đáng kể so với cuối năm 2020 nhờ Genco 3 thanh toán nợ vay dài hạn EVN và đánh giá lại gốc ngoại tệ giúp giảm tổng cộng gần 2.300 tỷ đồng.
Các khoản vay lại từ EVN đều có gốc ngoại tệ, phần lớn là USD. Đồng nội tệ lên giá đã giúp tỷ giá USD/VND giảm và là điểm tích cực đối với một doanh nghiệp có hơn 40.190 tỷ đồng vay bằng đồng đôla như Genco 3. Giảm gánh nặng tài chính cũng là nguyên nhân cho cú bật lợi nhuận của ông lớn ngành điện này. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu đạt 1.460 đồng sau 6 tháng.
Các khoản phải thu tăng khá trong nửa đầu năm và tiếp tục là nguyên nhân chính khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Genco 3 âm 837 tỷ đồng. Cùng với việc tăng chi trả nợ gốc vay và mua sắm tài sản cố định, tiền và tương đương tiền của công ty giảm hơn 1.500 tỷ đồng, xuống còn 1.085 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2021.