Sau thời gian rớt giá, Thanh Long Tiền Giang dần “ấm” trở lại
Sau thời gian giảm mạnh vì Trung Quốc ngừng nhập khẩu thanh long Việt Nam, hiện nay thanh long ở Tiền Giang đã dần tăng giá trở lại. Giá bán 16.000/kg loại 1 - tăng gần gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2021.
Tại huyện Chợ Gạo, vùng chuyên canh thanh long lớn nhất của tỉnh Tiền Giang, thương lái đang thu mua thanh long ruột đỏ tại vườn loại 1 với giá 16.000 đồng/kg, loại 2 với giá 11.000 đồng/kg và loại 3 có giá 6.000 đồng/kg.
Với giá mua tăng gần gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2021 như trên, nhà vườn trồng thanh long phấn khởi, yên tâm tiếp tục đầu tư vào cây thanh long sau thời gian giảm giá mạnh.
Là vùng chuyên canh thanh long lớn nhất của tỉnh Tiền Giang, huyện Chợ Gạo có 7.419 ha diện tích cây thanh long; trong đó diện tích thanh long đang cho trái là 5.775 ha.
Hiện nay, nông dân huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã và đang tích cực chăm sóc, xông đèn chuẩn bị cho đợt xử lý thanh long ra hoa trái vụ trong năm.
Huyện đã xây dựng được vùng chuyên canh thanh long xuất khẩu lớn nhất tỉnh Tiền Giang và thanh long Chợ Gạo đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ nhãn hiệu tập thể.
Tại vùng chuyên canh, địa phương hình thành các hợp tác xã và tổ hợp tác quy tụ nông dân, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác theo hướng GAP cho ra sản phẩm an toàn và truy xuất nguồn gốc, tăng cường quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại cho nông sản hàng hóa...
Ông Cao Tấn Hưởng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết, năm 2022, để phát huy hiệu quả vùng chuyên canh, huyện tiếp tục triển khai Đề án phát triển cây thanh long đến năm 2025 cũng như định hướng nông dân sản xuất và chứng nhận VietGAP, GlobalGAP cho cây thanh long Chợ Gạo trong nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh của cây trồng đặc sản trên thị trường trong và ngoài nước.
Để làm được điều đó, huyện Chợ Gạo tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Thứ nhất, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền kể cả người sản xuất, doanh nghiệp và hợp tác xã trong việc áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP trong sản xuất trái thanh long.
Thứ hai là tạo điều kiện để các hợp tác xã phát triển mạnh để làm đầu mối trong liên két sản xuất chuỗi, thứ ba là đầu tư cơ sở hạ tầng, rà soát điều chỉnh vùng chuyên canh cây thanh long để làm thế nào ứng dụng công nghệ tiên tiến vào khâu sản xuất.
Bên cạnh đó, về một giải pháp lâu dài và bền vững cho sự phát triển của cây thanh long trong tương lai, Ủy ban nhân dân huyện Chợ Gạo định hướng và tạo điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã, các doanh nghiệp phối hợp với nhà vườn trồng thanh long tạo được sản phẩm có giá trị để tăng kim ngạch xuất khẩu cũng như vượt qua những rào cản kỹ thuật của các hiệp định thương mại nhằm hướng đến những thị trường tiêu thụ lớn hơn thông qua con đường xuất khẩu chính ngạch.
Ngoài ra, địa phương cũng kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp chế biến đầu tư xây dựng những nhà máy sản xuất các sản phẩm chế biến đa dạng từ trái thanh long để góp phần giải quyết phần nào sản lượng trái thanh long khi vào mùa thu hoạch rộ.