0915 15 67 76 [email protected]
Thứ tư, 02/11/2022 09:45 (GMT+7)

Sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc làm gì để không lo bị lật kèo

Việc ký kết thỏa thuận xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc đã tạo thuận lợi cho loại trái cây này.

Vốn là loại cây chủ lực của nhiều địa phương nhưng để vững vàng trên thị trường xuất khẩu đòi hỏi những cách làm bài bản, căn cơ. Nếu chạy theo số lượng nhất thời rất dễ đi vào vết xe đổ như nhiều loại trái cây khác.

Nhân viên của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu kiểm tra sầu riêng tại vườn.
Nhân viên của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu kiểm tra sầu riêng tại vườn.

Kiểm soát chặt chẽ từ vườn

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), đến nay, sau khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa hai nước được ký kết, cùng với danh sách 51 mã vùng trồng và 25 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phê duyệt (trong đó tỉnh Đắk Lắk có 23 mã vùng trồng và 4 cơ sở đóng gói), thì trái sầu riêng Việt Nam đã “danh chính ngôn thuận” đi vào thị trường Trung Quốc. Tổng diện tích vùng trồng sầu riêng đã được cấp mã số gần 3.000 ha, với sản lượng ước tính đạt trên 68.000 tấn/năm được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.

Để chuẩn bị cho những lô hàng sầu riêng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch, hiện các doanh nghiệp và nhà vườn ở Đắk Lắk đang khẩn trương cắt trái. Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông (huyện Krông Búk) cho biết, đơn vị có 49,5 ha được cấp mã vùng trồng (4 mã số), sản lượng dự kiến 750 – 850 tấn.

"Khi được cấp mã vùng trồng thì chúng tôi đã liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu để tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Điều này giúp đầu ra ổn định, nâng giá trị của trái sầu riêng lên cao hơn. Tuy nhiên, nhiệm vụ khó khăn và lớn nhất của chúng tôi là duy trì được được mã vùng đã cấp và phải sản xuất đúng theo quy trình kỹ thuật của bên nước nhập khẩu quy định", ông Chiến nói.

Để chuẩn bị cho những lô hàng sầu riêng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch, hiện các doanh nghiệp và nhà vườn ở Đắk Lắk đang khẩn trương cắt trái.
Để chuẩn bị cho những lô hàng sầu riêng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch, hiện các doanh nghiệp và nhà vườn ở Đắk Lắk đang khẩn trương cắt trái.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, công ty đã liên kết với HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông để thu mua sầu riêng xuất khẩu. Trước khi chuẩn bị thu mua cho lô hàng xuất khẩu, những vùng trồng thuộc quản lý của công ty sẽ được giám sát trước đó 1 - 2 tuần. Việc này nhằm xác định, phân loại được chất lượng vườn và test dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

“Đây là năm đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch nên người dân chưa quen việc thu hoạch theo đúng quy trình kỹ thuật. Vì vậy mà suốt 10 ngày nay, tôi cùng nhân viên của công ty đã trực tiếp có mặt tại các vườn trồng để ổn định tư tưởng, đưa ra những quy tắc, hướng dẫn cách làm để cùng người dân khắc phục khó khăn, lúng túng trong việc chọn lựa những quả đạt tiêu chuẩn. Sau khi thu mua, công ty còn tiến hành phân loại tiếp để có những lô hàng thật chất lượng khi đưa đi xuất khẩu”, bà Thu cho hay.

Chi cục Bảo vệ thực vật và Trồng trọt cho biết, đơn vị đang phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật nỗ lực hoàn thiện các hướng dẫn để lô sầu riêng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đúng tiến độ đề ra. Đặc biệt là tăng cường kiểm soát chặt chẽ các vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng đã được cấp mã số nhằm tránh tình trạng gian lận, không bảo đảm chất lượng hàng hóa, vi phạm quy định nhập khẩu của Trung Quốc, dẫn đến làm mất uy tín trái sầu riêng Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung trên thị trường Trung Quốc, thậm chí là mất thị trường xuất khẩu chính ngạch.

Chuẩn hóa để vượt cửa ải khắt khe

Dù được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc nhưng để hiện diện lâu dài, bền vững, sầu riêng Đắk Lắk nói riêng, Việt Nam nói chung phải ngày càng chuẩn hóa để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường này.

Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cả nước có gần 85.000 ha sầu riêng, sản lượng khoảng 700.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tiền Giang, Long An, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Phước, Lâm Đồng… Trong đó Đắk Lắk có 15.100 ha (chiếm 17,6% diện tích của cả nước và là tỉnh có diện tích lớn thứ hai sau Tiền Giang), ước sản lượng thu hoạch năm 2022 là 150.000 tấn.

Điểm mạnh trong sản xuất sầu riêng của Đắk Lắk là thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cho loại cây này phát triển tốt, có vùng nguyên liệu rộng, chất lượng đồng đều. Tuy nhiên, việc xuất khẩu chính ngạch trái sầu riêng ra các thị trường lớn, như: Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nhật, Mỹ… gặp rất nhiều khó khăn do quá trình sản xuất của người nông dân phần lớn chưa đáp ứng được yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông (huyện Krông Búk) thu hoạch sầu riêng.
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông (huyện Krông Búk) thu hoạch sầu riêng.

Phát biểu tại Hội nghị Triển khai xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc được tổ chức ngày 12/9, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trăn trở: Để ký kết được Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, Việt Nam phải mất 4 năm vất vả và thậm chí còn có những đánh đổi nhất định trong thương mại song phương. Do đó, đã là một sự đánh đổi thì chúng ta phải đánh đổi như thế nào để mang lại lợi nhuận tốt nhất cho trái sầu riêng Việt Nam.

Chúng ta đang trong tâm thế cùng nhau đi xa, chúng ta đang làm một việc lớn hơn để các thị trường thế giới nhìn vào, quan sát cách chúng ta làm. Chính vì vậy, các doanh nghiệp phải cùng làm một việc rất lớn, cùng xây dựng một hệ sinh thái cho ngành hàng sầu riêng chứ không phải tranh đua nhau, chen chúc nhau.

Việt Nam không chỉ bán trái sầu riêng mà còn phải xây dựng hình ảnh sầu riêng Việt Nam, chuỗi giá trị sầu riêng Việt Nam đến thị trường đông dân và không còn dễ tính. Bộ trưởng cũng yêu cầu tỉnh Đắk Lắk là địa phương đầu tiên phải thành lập được hiệp hội ngành hàng sầu riêng để tiến tới xây dựng chiến lược xuất khẩu có tầm nhìn dài hạn không chỉ cho thị trường Trung Quốc mà còn cho nhiều thị trường khác nhau.

Theo Sở NN-PTNT, ngành đang chỉ đạo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo, tập huấn, kiểm tra, giám sát để nâng cao năng lực, nhận thức của người dân trong việc tuân thủ, chuẩn hóa vùng trồng, cơ sở đóng gói. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu phối hợp với các cơ sở đóng gói, các vùng trồng đã được cấp mã số phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của Trung Quốc, không chỉ khi được kiểm tra mà phải luôn duy trì việc đáp ứng về giám sát dư lượng, kiểm soát sinh vật gây hại trong suốt quá trình sản xuất.

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, hiện nay xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc là sự mong đợi của bà con, doanh nghiệp, chính quyền địa phương. Về lâu dài, địa phương sẽ đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng sầu riêng cũng như phát triển thương hiệu “Sầu riêng Krông Pắc” để tạo nên “sức sống” lâu dài của sầu riêng ở thị trường hơn tỷ dân này.

Bình Nguyên 

Bạn đang đọc bài viết Sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc làm gì để không lo bị lật kèo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá xăng dầu quay đầu giảm 320 đồng/lít
Theo quyết định của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15h ngày 25/4, giá xăng E5 giảm 310 đồng/lít, giá bán là 23.910 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm 320 đồng/lít, giá bán là 24.910 đồng/lít.
HoSE lên tiếng sau sự cố nghẽn lệnh
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết, hiện đang phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận hành hệ thống để kiểm tra, xác định nguyên nhân.

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023