Sau đại dịch Covid 19 chỉ còn 20% sàn giao dịch BĐS ‘sống sót’
Năm 2020, dịch Covid-19 diễn ra các sàn giao dịch BĐS gặp khó khăn chồng chất. Theo thống kê, chỉ còn 20% sàn giao dịch BĐS hoạt động, số còn lại đã “đóng cửa”.
Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của ông Hoàng Liên Sơn – Tổng Giám đốc Alpha Real về sự thích ứng của các sàn Bất động sản hậu Covid-19.
"Để nói về sự thích ứng của các Sàn BĐS hậu Covid, trước hết chúng ta cùng điểm lại tình hình BĐS 2019-2019 là năm không hề dễ dàng với tất cả các chủ đầu tư khi mà xảy ra hàng loạt sự kiện gây mất niềm tin cho các nhà đầu tư.
Sau đại dịch Covid 19 chỉ còn 20% sàn giao dịch BĐS ‘sống sót’
Một số chủ đầu tư không thực hiện đúng như những gì đã cam kết, hứa hẹn với khách hàng. Một số thì lừa đảo khách hàng như Alibaba. Tình trạng thu tiền khách hàng xong xây dựng ì ạch, không bàn giao đúng tiến độ cam kết diễn ra ở nhiều dự án. Niềm tin của Nhà đầu tư bị giảm sút nghiêm trọng chưa từng thấy.
Với các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, đầu tư theo đám đông, thiếu nghiên cứu kỹ về dự án, vay tiền để đầu tư vào các chủ đầu tư nhỏ lẻ với năng lực kém về tài chính lẫn phát triển dự án đã thu về quả đắng dẫn đến làn sóng tố cáo các chủ đầu tư diễn ra thường xuyên.
Các Sàn giao dịch BĐS cũng trải qua một năm 2019 đầy sóng gió. Ngoài việc một số sàn bị vướng mắc giải quyết cho các sản phẩm của các chủ đầu tư thiếu uy tín, sự thiếu hụt sản phẩm mới trong năm 2019 do việc rà soát pháp lý dự án trên toàn quốc dẫn đến thiếu hụt nguồn cung bán mới, cộng thêm việc mất niềm tin của nhà đầu tư khiến việc giao dịch trở nên khó khăn hơn.
Doanh số giao dịch bị giảm sút, lợi nhuận đa phần chỉ cầm cự đủ vận hành bộ máy, không có điều kiện mở rộng và phát triển mạng lưới đã dẫn tới nhiều sàn giao dịch BĐS nhỏ lẻ đóng cửa. Đầu năm 2020 dịch Covid diễn ra, khó khăn lại thêm chồng chất do nhà đầu tư không xuống tiền do tâm lý lo sợ, dự trữ tài chính. Một số chủ đầu tư vừa và nhỏ không đủ năng lực chống chọi với covid, cũng không thể tiếp tục các hoạt động xây dựng triển khai dự án bán hàng, không thanh toán chi phí môi giới bán hàng. Các giao dịch thứ cấp đóng băng, lương và chi phí văn phòng vẫn phải trả đều hàng tháng.
Tuy nhiên, đây cũng là dịp để thị trường diễn ra cuộc thanh lọc lớn, sân chơi dành cho các chủ đầu tư có nền tảng vững chắc, các doanh nghiệp phân phối BĐS uy tín, biết cách xoay sở và thích nghi với khó khăn.
Để thích ứng với dịch Covid, nhiều chủ đầu tư và sàn giao dịch đã nghĩ ra cách làm việc và bán hàng mới dựa trên công nghệ 4.0. Với các sàn giao dịch thì tiến hành làm việc online, tư vấn khách online. Hay như một số chủ đầu tư mở thêm kênh bán hàng online song song với hệ thống đại lý bán hàng hiện có.
Còn các sàn giao dịch có các giải pháp như tận dụng tối đa việc sử dụng hình ảnh, clip quay thực tế về dự án để trình chiếu cho khách xem thay vì phải dẫn khách đi ra thực tế dự án. Flycam chưa bao giờ được sử dụng nhiều như lúc này để có những hình ảnh, video cập nhật liên tục và toàn cảnh về các dự án mà họ phân phối. Nhà đầu tư chỉ cần ngồi ở tại nhà cũng có thể thấy được mọi thứ tại dự án như đang diễn ra trước mắt.
Với cách làm này, tiết kiệm chi phí rất nhiều cho việc gặp gỡ, hay ra tận dự án vì thực tế là có nhiều dự án hiện tại khách đầu tư phân bố dọc cả đất nước chứ không chỉ tập trung ở một vị trí địa lý nào. Khách ở Hà Nội hay miền Bắc đều có thể đầu tư BĐS ở TPHCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc hay ngược lại.
Bên cạnh đó, các sàn cũng lựa chọn các dòng sản phẩm bắt kịp xu hướng tiêu dùng và đầu tư của khách hàng ví dụ như đầu tư BĐS kết hợp sinh thái, sức khoẻ, BĐS khu vực ngoại thành, vùng ven trung tâm nơi mật độ dân cư chưa cao, các BĐS có cam kết của các chủ đầu tư uy tín lớn như Vingroup...
Các sàn giao dịch cũng không dàn trải trên quá nhiều dự án mà chuyển lĩnh vực qua các mảng cho thuê, BĐS công nghiệp (nhà xưởng, kho bãi, logistic...). Hiện tại, Covid đã tạm qua đi ở Việt Nam, mọi hoạt động kinh tế cũng đã phát triển bình thường trở lại, các chủ đầu tư cũng đã bung hàng ra để bán mới. Vi vậy, các sàn giao dịch cũng có cơ hội bán hàng cho khách hàng nhưng đa phần khách hàng cũng thận trọng hơn, cân nhắc hơn, nghiên cứu kỹ hơn trước khi quyết định đầu tư vì bài học của năm 2019 vẫn còn đó dẫn đến tình hình giao dịch chưa mấy sôi động.
Các sàn giao dịch ngoài việc đẩy mạnh tuyển dụng, đào tạo nhân viên cũng phải tinh giải tối đa chi phí cố định. Phát triển mạng lưới bán hàng tinh gọn, chuyên nghiệp, theo chiều sâu chứ không phát triển theo chiều rộng, ồ ạt, đại trà như trước kia. Bên cạnh có còn phải nghiên cứu rõ về Chủ đầu tư, sản phẩm bán cho khách hàng, pháp lý dự án để mang đến cho khách hàng của mình những sản phẩm đầu tư an toàn và tiềm năng.
Với các sàn giao dịch khi lựa chọn sản phẩm phân phối, chủ đầu tư uy tín, có năng lực thì vẫn có cửa để phát triển và mang lại doanh thu tốt ngay thời điểm hậu Covid. Thêm vào đó, bên cạnh tìm kiếm khách hàng mới, họ tập trung vào chăm sóc khách hàng cũ, lập bộ phận phân phối lại thứ cấp cho các nhà đầu tư của mình khi có lợi nhuận. Đây là điều cực tốt cho thị trường BĐS khi luôn khuấy động được tính thanh khoản của thị trường, gia tăng được giá trị đầu tư của khách hàng và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới tham gia.
Với các sàn giao dịch BĐS thì họ cũng được lợi khi vừa quản lý tài sản cho khách hàng, lại luôn có nguồn hàng thứ cấp để mua bán lại trong khi số lượng hàng sơ cấp bị thiếu hụt.
Như vậy chúng ta thấy là trong cái khó, ló cái khôn. Giai đoạn khó khăn cũng là thời điểm sống chậm để các sàn giao dịch BĐS cơ cấu lại, tinh giản lại, suy nghĩ ra cách làm hiệu quả, chuyên nghiệp, lựa chọn chủ đầu tư uy tín, sử dụng công nghệ 4.0, chăm sóc khách hàng tốt hơn, tự gây dựng sản phẩm cho riêng mình để phân phối dựa vào chính các sản phẩm đầu tư của khách hàng".
Theo thống kê của Hội môi giới bất động sản Việt Nam, tính đến hết tháng 3 đã có 800 sàn giao dịch bất động sản trên tổng số khoảng 1.000 sàn giao dịch trên cả nước ngừng hoạt động.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm