Quy hoạch điện VIII: Cơ chế mới thúc đẩy đột phá năng lượng Việt Nam
Thời gian qua, nhiều chính sách ưu đãi cho việc phát triển năng lượng tái tạo đã tạo nên một làn sóng đầu tư và phát triển năng lượng ở Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á về năng lượng sạch.
Phát triển năng lượng sạch theo xu hướng thế giới
Trong bối cảnh địa chính trị và địa kinh tế trên thế giới có nhiều biến động, xu thế chuyển dịch sang nguồn năng lượng xanh, sạch diễn ra mạnh mẽ sau COP26 và thực tiễn phát triển rất nhanh của khoa học công nghệ, Bộ Công Thương cần bám sát tinh thần chỉ đạo tất cả vì mục tiêu chung, phát triển bền vững đất nước, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết để tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch điện VIII.
Theo đó, Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia đặc biệt quan trọng, có độ phức tạp cao và được nhiều cơ quan, đơn vị, chuyên gia, nhà khoa học cũng như các địa phương trong cả nước đặc biệt quan tâm.
Đây là quy hoạch ngành quốc gia được triển khai đầu tiên theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, theo Nhiệm vụ lập Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1264/QĐ-TTg ngày 1/10/2019.
Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Môi trường, TS Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE), nguyên Chủ nhiệm khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, hiện nay, việc chuyển hướng từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo là một xu thế tất yếu trên thế giới và Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ. Việc chuyển đổi năng lượng này sẽ làm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và bảo vệ môi trường, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào các loại nhiên liệu hóa thạch.
Điểm nhấn trong Dự thảo Quy hoạch Điện VIII là giảm điện than; phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Trong đó, điện gió ngoài khơi đóng vai trò quan trọng, sẽ được tập trung ưu tiên trong giai đoạn tới.
Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi cho việc phát triển điện năng lượng tái tạo. Cụ thể là các Quyết định 11&13 đối với điện mặt trời và Quyết định 37-39 đối với điện gió. Chính sách khuyến khích mua điện giá FIT như vậy đã tạo nên một làn sóng đầu tư và phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á về năng lượng tái tạo. Các nhà đầu tư kể cả trong nước và nước ngoài đều rất hăng hái tham gia vào quá trình này. Các nhà máy đưa vào vận hành đã hoạt động rất tốt và cung cấp sản lượng đáng kể cho hệ thống điện Quốc gia.
Khó khăn cho nhà đầu tư điện gió
Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, đến cuối năm 2021, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo, chủ yếu là điện gió, điện mặt trời là 20.670MW, tăng 3.420MW so với năm 2020, chiếm tỷ trọng 27% trong hệ thống điện.
Sản lượng điện huy động từ điện gió, điện mặt trời năm 2021 đã đạt 29,904 tỷ kWh (gió 3.448 tỷ kWh, mặt trời 26.122 tỷ kWh). Điều này đã góp phần quan trọng cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia trong bối cảnh nhiều nguồn điện lớn trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh chậm tiến độ.
Theo nhiều chuyên gia, mặc dù có bước tiến đáng kể nhưng việc phát triển nóng 2 nguồn điện này cũng đã phát sinh nhiều tồn tại như hệ thống lưới điện truyền tải không theo kịp; tính thời điểm và sự phụ thuộc thời tiết gây khó khăn cho công quán vận hành lưới điện; nhiều nhà đầu tư năng lực hạn chế dẫn đến phải chuyển nhượng, thay đổi; các quy chuẩn kỹ thuật chưa kịp hoàn thiện; chưa có hệ thống lưu trữ điện….Đối với điện mặt trời mái nhà, còn có tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi…
Bên cạnh những vấn đề chung, đối với điện gió ông Hoàng Giang cho biết, định hướng về phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam đã khá rõ ràng, tuy nhiên cũng còn một số khó khăn cho nhà đầu tư.
Cụ thể, thứ nhất, do cơ chế giá FIT khuyến khích nên nó chỉ có thời hạn nên nhiều doanh nghiệp đã không kịp triển khai, đặc biệt với các dự án điện gió do bị vướng thời gian dịch Covid-19 rất dài, rất nhiều địa phương bị phong tỏa nên không thể làm gì cả. Thứ hai, thời gian vừa qua Bộ Công Thương cũng đã có những định hướng đề xuất Chính phủ và Chính phủ đã cho những nhà đầu tư vì do dịch Covid-19 bị chậm tiến độ sẽ được xem xét thương lượng, đàm phán về mức giá điện, bảo đảm cho nhà đầu tư có đủ lợi nhuận để trả ngân hàng.
Cũng theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), các tổ chức tín dụng gặp rất nhiều khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo vì phải tính đến yếu tố hiệu quả của dự án thông qua các vấn đề: giá điện, thời gian thu hồi vốn, yếu tố thời tiết, khả năng của hệ thống truyền tải, năng lực quản lý của chủ đầu tư… Để cải thiện được các vướng mắc trên, Việt Nam cần có chính sách đột phá như hình thành Quỹ năng lượng tái tạo tại Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho các chủ đầu tư thực hiện các hình thức ủy thác, bảo lãnh, vay vốn, phát hành trái phiếu xanh… để đảm bảo thu hút nguồn lực tài chính cho lĩnh vực này.
Quy hoạch điện VIII cần tính đến bài toán kinh tế trên phạm vi cả nước
Sau khi có cơ chế khuyến khích phát triển điện gió và điện mặt trời của Thủ tướng Chính phủ, chỉ trong vòng 4 năm, hai loại nguồn điện này đã có bước phát triển vượt bậc. Song đến nay địa phương, doanh nghiệp vẫn đang chờ cơ chế mới thay cho các cơ chế đã hết thời hạn từ quý IV năm 2021.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định "đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết" là quan điểm xuyên suốt trong chỉ đạo hoàn thiện Quy hoạch điện VIII của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương triển khai rà soát quy hoạch một cách toàn diện, công tâm, khoa học, khách quan.
Bàn về các giải pháp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre, cho biết cần có quy định phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định, cấp phép để phù hợp với quy mô công suất được phân bổ tương ứng với một khu vực nhất định, tránh tình trạng "da beo" trong phát triển, dành không gian để phát triển các lĩnh vực khác như khu lấn biển, công nghiệp, du lịch...
“Nếu được giao chủ động quyết định các dự án nguồn điện, trong đó có điện gió, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển hạ tầng lưới điện ở khu vực đó thành một hệ thống truyền tải chung, các nhà đầu tư sẽ cùng đóng góp để xây dựng, điều này vừa giúp tiết kiệm quỹ đất và kinh phí xây dựng của các chủ đầu tư, vừa ít ảnh hưởng đến các hoạt động khác” – ông Niệm đề xuất.
Đối với quy hoạch năng lượng chung, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần tính đến bài toán kinh tế trên phạm vi cả nước chứ không chỉ vùng, địa phương. Khi đề xuất quy hoạch, các địa phương chủ yếu căn cứ vào điều kiện tự nhiên, thuận lợi của địa phương mình mà chưa tính toán được các ràng buộc tổng thể về liên kết vùng, hiệu quả kinh tế tổng thể quốc gia. Trong khi đó, cách tiếp cận của Bộ Công Thương theo phương pháp tổng thể, vừa từ dưới lên - nghĩa là quan tâm tới đề xuất của địa phương để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương và vừa từ trên xuống - nghĩa là cân đối để tối thiểu hóa chi phí toàn hệ thống, cân đối vùng miền, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân, nhà đầu tư.
Theo các chuyên gia cho rằng, việc hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2045 (Quy hoạch điện VIII) là rất cần thiết nhằm bảo đảm hiệu quả, an ninh năng lượng. Trong thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương đang tập trung hoàn thiện Quy hoạch điện VIII theo hướng bền vững, dành nhiều không gian cho phát triển các nguồn năng lượng xanh, sạch và thân thiện với môi trường với chi phí sản xuất điện hợp lý. Đây là điều chúng tôi đánh giá cao.
Nhưng để quy hoạch có hiệu quả hơn nữa thì cần tính toán đưa vào phân bố theo từng vùng, từng khu vực phù hợp với nhu cầu của các địa phương sao cho hài hoà với mục tiêu cao nhất là đảm bảo đủ điện cho nhu cầu sử dụng.
Lan Anh