0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ năm, 26/05/2022 07:30 (GMT+7)

Quy định chặt hơn để kiểm soát giao dịch nội gián, ‘bơm thổi’ giá cổ phiếu

Tại tọa đàm "Giải pháp phát triển thị trường chứng khoán bền vững", do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 25/5, nhiều chuyên gia cho rằng, để lành mạnh hóa thị trường, cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm soát chặt các thông tin mang tính chất nội gián, làm giá

Kiểm soát chặt chẽ tình trạng "bơm thổi" giá cổ phiếu

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang nỗ lực “trong sạch hóa” và “lành mạnh hóa”, nhiều mặt trái của thị trường đã được các chuyên gia nêu lên, trong đó có bài toán sự bất cân xứng về mặt thông tin.

Phát biểu tại tọa đàm, cà Nguyễn Hoài Thu, thành viên HĐQT, Giám đốc điều hành khối đầu tư chứng khoán đại chúng và trái phiếu, Công ty Quản lý quỹ Vincapital cho biết, một trong những giải pháp giúp lành mạnh hóa thị trường chứng khoán là cần kiểm soát và hạn chế giao dịch nội gián và tình trạng “bơm thổi” giá cổ phiếu do một hay vài nhóm nhà đầu tư nào đó thực hiện.

Quy định chặt hơn để kiểm soát giao dịch nội gián, ‘bơm thổi’ giá cổ phiếu - Ảnh 1
Bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc Điều hành Khối đầu tư chứng khoán đại chúng và trái phiếu, Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

Các thông tin nội bộ thường chia sẻ cho các nhóm đối tượng nhỏ trước khi công bố đại chúng, nên các nhà đầu tư trên thị trường khi biết thì thường đã quá muộn, bà Thu cho hay

Theo bà Thu: “Giao dịch nội gián ở Mỹ có thể bị phạt hình sự, còn ở Việt Nam thì cơ chế chưa chặt chẽ”, bà Thu nhìn nhận. Do đó, thị trường cần thiết có những quy định rõ hơn về thông tin nội gián, có quy chế chia sẻ thông tin sao cho công bằng với tất cả các nhà đầu tư.

Đặc biệt, bà Thu cũng cho rằng nên cấm người nội bộ của công ty bình luận về giá cổ phiếu của doanh nghiệp mà họ đang quản lý, tức không được phép nói cổ phiếu rẻ hay đắt vì điều này mang tính định hướng thị trường. “Điều này hàm ý là họ chia sẻ thông tin trọng yếu trong khi ở nước ngoài không được phép”.

Cùng với đó, đại diện VinaCapital cũng cho rằng cần phải tách bạch hoạt động tư vấn phân tích và tự doanh của các công ty chứng khoán để hai bên không gây ảnh hưởng đến nhau. Tương tự, điều này ở thị trường chứng khoán nước ngoài đã quy định rất rõ trong khi ở Việt Nam thì chưa.

Còn ông Phan Quốc Bửu, Giám đốc phân tích ngành Công ty chứng khoán BSC khu vực phía Nam ở góc độ khác cho biết, hiện nay khối phân tích tiếp cận thông tin từ các công ty có vốn hóa lớn tương đối dễ dàng, tuy nhiên với nhiều doanh nghiệp có quy mô vốn hóa nhỏ và vừa thì khả năng tiếp cận thông tin lại yếu, thậm chí là khó tiếp cận và tìm hiểu về hoạt động doanh nghiệp.

Cùng với đó, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia tài chính cũng cho rằng, vấn đề lớn nhất của việc lành mạnh hóa thị trường nằm ở thông tin, đặc biệt là thông tin mang tính chất nội gián, làm giá, thổi giá,… Tất cả những thông tin đó có điểm mạnh nhưng nếu không kiểm soát được sẽ thành điểm xấu, không chỉ làm thị trường chao đảo mà còn gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Vì vậy cần phải kiểm soát giúp minh bạch hoá thị trường.

Câu chuyện thông tin trên thực tế đã ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến thị trường Việt Nam trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua với nhiều tin đồn đan xen nhau. Ông Lê Quang Minh, Giám đốc phân tích đầu tư, Công ty chứng khoán Mirae Asset, bình luận: “Thị trường sống nhờ niềm tin, nếu không quản lý chặt thì nhà đầu tư sẽ tiếp tục hành xử theo tin đồn”.

Đại biểu lo ngại chứng khoán, trái phiếu, xăng dầu tăng 'nóng'

Theo thông tin cho biết, tại phiên thỏa luận tổ nhằm đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu cho rằng cần tạo điều kiện để thị trường vốn phát triển và kiểm soát giá xăng dầu.

Cụ thể, ở chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 25/5, Quốc hội thảo luận ở tổ nhằm đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Trong số đó, vấn đề chứng khoán, trái phiếu và giá xăng tăng... được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Bắc Ninh) cho biết việc phát triển thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản được đánh giá là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước để hình thành thị trường vốn, trên cơ sở đó có kênh huy động song song với kênh huy động tín dụng của ngân hàng nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hỗ trợ cho việc phát triển của nền kinh tế.

Quy định chặt hơn để kiểm soát giao dịch nội gián, ‘bơm thổi’ giá cổ phiếu - Ảnh 2
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Tuy nhiên, theo ông Bảo, trong thời gian vừa qua, các lĩnh vực này đang rất 'nóng', công tác quản lý cũng như một số việc tham mưu văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nội dung này chưa bảo đảm được điều kiện để cho đối tượng có thể thao túng, bắt tay với một số quan chức thiếu trách nhiệm tạo ra những sai phạm lớn.

Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường mới đây đã đưa tin, tai phiên họp thứ 11 vào sáng ngày 11/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho rằng, thị trường chứng khoán, trái phiếu, doanh nghiệp, bất động sản có nhiều rủi ro. Vì vậy, cần tăng cường quản lý, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.

Đánh giá rủi ro về trái phiếu doanh nghiệp, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhắc tới những rủi ro tiềm ẩn khi thị trưởng chứng khoán, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tăng trưởng nhanh. Thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi. Việc thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa bảo đảm.

Quy định chặt hơn để kiểm soát giao dịch nội gián, ‘bơm thổi’ giá cổ phiếu - Ảnh 3
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. (Ảnh: quochoi.vn)

Báo cáo cho thấy, năm 2021, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt 720.000 tỷ đồng, tăng hơn 52% so với năm 2020. Quý I/2022, tổng giá trị phát hành đạt 56,4 nghìn tỷ đồng, trong đó phát hành riêng lẻ đạt 49,4 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 87,6% tổng giá trị phát hành; phát hành ra công chúng đạt 7 nghìn tỷ đồng chiếm tỷ trọng 12,4%.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, ngành bất động sản và tài chính - ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, lần lượt là 41,6% và 20,4% giá trị phát hành. Cơ quan thẩm tra lưu ý cơ cấu thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn tồn tại sự mất cân đối. Hầu hết các trái phiếu doanh nghiệp, nhất là của ngành bất động sản, phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết, sức khỏe doanh nghiệp còn yếu trong khi nhiều trái phiếu không có tài sản bảo đảm.

Ông Thanh nhấn mạnh: “Đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể những rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian vừa qua, trong đó cần làm rõ rủi ro các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đến hạn và có các giải pháp phù hợp để giải quyết”.

Cũng theo cơ quan thẩm tra, có ý kiến lo ngại việc xử lý các doanh nghiệp lớn vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là tâm lý e ngại đầu tư trên thị trường vốn. Việc này dẫn đến hạn chế huy động vốn cho nền kinh tế trong khi đây là một thị trường quan trọng.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá, có phương án ứng xử, tiếp cận phù hợp, kịp thời sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật nhằm ổn định thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư liên quan thị trường chứng khoán và trái phiếu, nhất là trái phiếu riêng lẻ.

Theo TS Vũ Đình Ánh: “Nhìn chung, phải ngay lập tức nâng cao chất lượng quản lý thị trường chứng khoán, chống hành vi nội gián, thao túng gắn với phát triển công nghệ để thích hợp với quy mô phát triển của thị trường. Đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý, công ty chứng khoán và nhà đầu tư. Nếu xử lý tốt vấn đề này thì thị trường sẽ phát triển tốt, trở thành kênh thu dẫn vốn phù hợp với sự phát triển kinh tế Việt Nam”.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Quy định chặt hơn để kiểm soát giao dịch nội gián, ‘bơm thổi’ giá cổ phiếu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới