0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ ba, 24/05/2022 16:31 (GMT+7)

Chứng khoán Việt sở hữu tiềm năng tăng trưởng vững vàng, bao giờ thanh khoản quay lại?

Việt Nam sở hữu đồng tiền mạnh với dự trữ ngoại hối ổn định, một nền kinh tế có vị thế vững vàng trong chuỗi giá trị toàn cầu và nhiều doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi nhờ tăng đầu tư hạ tầng và tiêu dùng nội địa đang lên.

Ghi nhận tốc độ tăng trưởng vượt trội

Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vừa có báo cáo đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam, đánh giá câu chuyện xuất khẩu của Việt Nam đã thúc đẩy tăng trưởng cho thị trường chứng khoán trong nước, thay đổi diện mạo chỉ số trong nước và tạo điều kiện cho tăng trưởng lợi nhuận từ cổ phiếu rất vững vàng.

Mặt khác, Việt Nam cũng có động lực kinh tế nội tại, tạo nên sự dịch chuyển của thị trường chứng khoán từ Tiêu dùng thiết yếu sang Tài chính và Bất động sản, kích thích người dân trong nước tham gia đầu tư, kết quả là phần lớn giao dịch trên thị trường hiện nay là của nhóm nhà đầu tư trong nước.

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Theo HSBC, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng vượt trội so với tất cả các thị trường chứng khoán lớn trong khu vực trong vòng một thập kỷ qua, quy mô thị trường đã tăng gần gấp bốn lần so với lúc khởi điểm năm 2012. Theo đó, giá trị giao dịch đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD/ngày, gấp 10 lần mức cách đây hai năm, khiến Việt Nam trở thành thị trường có thanh khoản cao thứ hai trong khối ASEAN, vượt qua cả Singapore và Indonesia và chỉ sau Thái Lan.

Một trong những nguyên nhân đến từ sự nỗ lực tạo ra tăng trưởng lợi nhuận từ cổ phiếu trong giai đoạn đại dịch toàn cầu năm 2020 trong khi các thị trường khác phải đối mặt với tình trạng giảm lợi nhuận. Cụ thể, lợi nhuận từ cổ phiếu luôn vững vàng trong vài năm gần đây, thậm chí còn tăng trong năm 2020 đúng thời điểm COVID-19 xuất hiện. EPS tăng trưởng 35% trong năm 2021.

Tính đến năm nay, mặc dù đã giảm 10%, Việt Nam vẫn nhỉnh hơn một chút so với các thị trường khác. Tuy nhiên, theo HSBC, xét theo tiềm năng về tăng trưởng và lợi nhuận thì chứng khoán Việt Nam đã và đang trên đà thắng lợi.

Các động lực tăng trưởng cho thị trường

Theo phân tích của HSBC, câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam có nhiều điểm hấp dẫn thú vị.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài đã và đang là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam: 3/4 giá trị xuất khẩu đến từ lĩnh vực có nguồn đầu tư mạnh mẽ từ nước ngoài. Trong mấy năm gần đây, Việt Nam đã tạo điều kiện giúp thủ tục thành lập doanh nghiệp dễ dàng hơn cũng như đơn giản hóa thủ tục đăng ký đất đai và quy trình cho vay

Nhờ vậy, Việt Nam dần ghi nhận hoạt động xuất khẩu sôi động và hưởng lợi từ đó. Vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã gia tăng những năm qua và sẵn sàng để tiếp tục mở rộng thêm trong tương lai. Trong những năm gần đây, đã có một làn sóng chuyển dịch cơ sở sản xuất sang Việt Nam để tiếp cận với nguồn đất đai và nhân công giá rẻ hơn và vì thế Việt Nam trở thành ứng viên nổi bật trong cuộc đua giành thị phần xuất khẩu toàn cầu.

Ngoài ra, Việt Nam đang làm rất tốt trong mảng giáo dục, dẫn đến một lực lượng lao động có trình độ và tay nghề. Nhờ vậy, Việt Nam giành thêm thị phần trong các thị trường xuất khẩu khác.

Không chỉ xuất khẩu, đầu tư cho cơ sở hạ tầng và logistics cũng hỗ trợ nhiều cho một loạt hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và bất động sản nhà ở.

Trong khi đó, câu chuyện tiêu dùng của Việt Nam lại chưa được đánh giá đúng mức. Tỷ lệ dân số được xếp vào tầng lớp trung lưu cao dự kiến sẽ tăng gấp bốn lần, lên 20% vào năm 2030 (theo Brookings Institute). Con số này đã tăng lên nhanh chóng sau khi thu nhập bình quân trên đầu người tăng 10% từ năm 2005. HSBC nhấn mạnh, "quả thực, Việt Nam hội đủ điều kiện để trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ mười trên thế giới vào năm 2030".

Từ đó, thêm một luận điểm được đặt ra là bởi nhóm người tiêu dùng này muốn mua sắm trên mạng, điều này cũng đồng nghĩa Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn nhất trong khu vực trong lĩnh vực tài chính toàn diện và công nghệ tài chính (fintech).

Song song với đó, tiềm năng được thăng hạng lên thị trường mới nổi cũng thu hút sự quan tâm trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực hết sức để cải tổ thị trường chứng khoán và tiệm cận hơn với những tiêu chuẩn quốc tế. Nếu tỷ trọng của Việt Nam trong rổ của thị trường mới nổi khu vực châu Á là 2%, các dòng vốn đổ về sẽ đạt 8-9 tỷ USD. Con số này tương đương 1,4 lần giá trị phân bổ của các quỹ đầu tư nước ngoài và gần bằng tám ngày giao dịch. Song, HBSC cũng đánh giá hiện các quỹ đầu tư nước ngoài cũng đã tiếp cận khá nhiều cổ phiếu của Việt.

Tổng kết, Việt Nam sở hữu đồng tiền mạnh với dự trữ ngoại hối ổn định, một nền kinh tế có vị thế vững vàng trong chuỗi giá trị toàn cầu và nhiều doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi nhờ tăng đầu tư hạ tầng và tiêu dùng nội địa đang lên. Tất cả điều này sẽ là động lực tăng trưởng bền vững cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Rất khó để quay trở lại thanh khoản 1 tỷ USD/phiên giao dịch

Nói về thanh khoản lao dốc mạnh những ngày qua, ông Viecente Nguyen - CIO AFC Vietnam Fund cho rằng việc thanh khoản quay lại mốc trên dưới 1 tỷ USD/ngày là gần như không thể trong thời gian ngắn hoặc nếu có cũng chỉ là đột biến 1 vài phiên chứ không thể là xu hướng.

Ông lý giải, vào thời điểm thanh khoản bùng nổ trên dưới 1 tỷ USD/ngày thì việc đóng góp của dòng tiền đầu cơ là rất đáng kể. Đó là chưa tính đến việc giá trị danh mục gia tăng cũng làm cho giá trị thanh khoản phi mã. Nhưng khi dòng tiền đầu cơ bị siết dẫn tới việc bán tháo trên thị trường chứng khoán để hoàn trả các khoản trái phiếu thì một lượng lớn dòng tiền đã bị rút ra khỏi thị trường chứng khoán. Điều đó làm cho thanh khoản giảm sút một cách đáng kể. Hơn nữa, sau hàng loạt các vụ bắt bớ liên quan đến thao túng thị trường chứng khoán thì các đội lái hầu như không còn dám manh động như trước. Các giao dịch qua lại, tay trái tay phải cũng giảm đi rõ rệt để trả lại bản chất của giao dịch.

"Thanh khoản hiện tại có vẻ mang tính bản chất hơn nhiều sau khi loại trừ đi hai yếu tố là dòng tiền đầu cơ và giao dịch qua lại lẫn nhau. Do đó, để thấy được một phiên thanh khoản tỷ USD thì chúng ta cần phải có thời gian và những yếu tố nội tại tăng trưởng như số lượng nhà đầu tư tiếp tục tăng lên và lợi nhuận doanh nghiệp tăng cao giúp giá trị danh mục cải thiện từ đó gia tăng giá trị thanh khoản" - Ông Vicente Nguyen nói.

Ông Vicente Nguyen cũng lưu ý, đi đôi với thanh khoản giảm này đó chính là chỉ số VN-Index đi ngang. Khi đó dòng tiền từ những cổ phiếu đầu cơ sẽ rơi vào trạng thái chán nản và từ bỏ thay vào đó là sự dịch chuyển dòng vốn từ đầu cơ sang đầu tư giá trị, chấp nhận nắm giữ dài hạn và tăng trưởng bền vững. Khi đạt trạng thái cân bằng, các cổ phiếu giá trị sẽ bay cao mạnh mẽ. Chính vì vậy hãy bắt đầu quan tâm đến những công ty phát triển bền vững, tăng trưởng mạnh mẽ và được định giá thấp. Đó sẽ là những động lực chính giúp danh mục của bạn tăng trưởng trong dài hạn.

Bạn đang đọc bài viết Chứng khoán Việt sở hữu tiềm năng tăng trưởng vững vàng, bao giờ thanh khoản quay lại?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới