0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ năm, 21/07/2022 07:40 (GMT+7)

Quỹ bình ổn xăng dầu: Đã đến lúc bỏ, không nên 'chần chờ'

Sau nhiều áp lực từ dư luận, tại Dự thảo tờ trình Luật Giá sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định về lập, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu. Đề xuất này hầu hết nhận được sự đồng tình từ dư luận và giới chuyên gia.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu vốn được xem là một trong những “van điều tiết” giá xăng dầu, nhưng trước tình trạng giá nhiên liệu liên tục tăng cao, quỹ này đã âm cả nghìn tỷ đồng và không có tác dụng nữa. Thế nên, mới đây, tại dự thảo luật Giá sửa đổi, Bộ Tài chính đã đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu và để xăng dầu được điều tiết theo giá thị trường.

Theo Bộ Tài chính, sau khi bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nếu giá xăng dầu tăng quá cao hoặc giảm quá thấp ảnh hưởng đến kinh tế xã hội hoặc trong các trường hợp khẩn cấp, cơ quan chức năng sẽ triển khai bình ổn giá theo các bước: kiểm tra yếu tố hình thành giá; kiểm soát hàng hóa tồn kho; kiểm tra số lượng, khối lượng hàng hóa hiện có để xác định nguyên nhân làm cơ sở cho việc lựa chọn biện pháp bình ổn giá phù hợp, quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp bình ổn giá theo quy định. Tức là, để xăng dầu được điều hành theo nguyên tắc thị trường, cần bỏ hẳn quỹ này. Song song đó, cơ quan chức năng có thể sử dụng các công cụ khác như thuế để ổn định giá xăng dầu nếu cần thiết.

"Dẹp bỏ" để giải phóng nguồn lực cho xã hội

Trước đó, nhiều lần Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để hoạt động theo cơ chế thị trường. Quan trọng là phải bảo đảm tính minh bạch công khai trong điều hành giá, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối… PGS.TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân, nói thẳng: “Mục tiêu của quỹ, như tên của chính nó là “bình ổn”, hay làm giảm sự truyền tải biến động của giá thế giới vào giá trong nước. Các mục tiêu khác, nếu có, chỉ là phụ. Thế nhưng, trong thời gian qua, chênh lệch giữa biến động giá nếu sử dụng quỹ và không sử dụng quỹ với xăng dầu là khá nhỏ. Có nghĩa là chức năng “bình ổn” giá khá mờ nhạt. Càng duy trì, càng âm và phải bù miệt mài khi nền kinh tế cần có tác động lớn để giảm lạm phát bởi giá xăng tăng”.

Quỹ bình ổn xăng dầu: Đã đến lúc bỏ, không nên "chần chờ" - Ảnh 1

Theo số liệu thống kê, giá xăng dầu trên thị trường thế giới đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong kỳ điều chỉnh ngày 21/7 tới đây, giá xăng có thể tiếp tục giảm thêm khoảng 3.000 đồng mỗi lít. Cộng với lần giảm 3.000 đồng vào ngày 11/7, giá xăng dầu sẽ về mức 26.000-27.000 đồng mỗi lít và dự báo tiếp tục ổn định quanh mốc này. Khi giá đầu vào hạ nhiệt, giá cả hàng hóa cũng dự báo sẽ được giảm theo, giữ cho mục tiêu lạm phát 4%/năm hoàn toàn có thể đạt được.

Ngoài ra, trong hơn 2 năm qua, trung bình xăng E5 RON92 nhận được khoảng 781 đồng/lít từ quỹ; xăng RON95 nhận được 106 đồng/lít. Trong khi đó, dầu diesel phải trích nộp khoảng 132 đồng/lít; dầu hỏa phải trích nộp 113 đồng/lít; dầu mazut phải trích nộp khoảng 25 đồng/lít cho quỹ. Điều này có nghĩa là Quỹ bình ổn giá xăng dầu xăng dầu đang tái phân phối, hay “bốc tiền” từ túi người lái xe tải, xe khách, lái máy cày, máy tuốt lúa, tàu thủy... sang túi của người đi bốn chỗ, mui trần, Mercedes, BMW, Lexus…

“Quỹ bình ổn xăng dầu, cũng như ma trận các quỹ khác, nên được dẹp bỏ, để giải phóng nguồn lực cho xã hội”, PGS.TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh.

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Kinh tế và chính sách, bổ sung nếu nhìn vào giai đoạn giá dầu thấp, ít biến động, khoảng cách giữa giá dầu diesel và xăng là đáng kể. Tuy nhiên, vào giai đoạn quỹ bị bóp nghẹt, biến động giá đầu vào liên tục theo hướng tăng cao, thì chênh lệch giữa giá dầu và giá xăng thu hẹp đáng kể. Ông ví von: “Nói nôm na là quỹ này cũng như ruột thừa hay răng khôn ấy. Có thể ban đầu nó có vai trò nhất định, nhưng đến lúc nào nó bị bỏ lại, hay nói đúng hơn là một bộ phận “thừa thãi” trong cơ thể đã phát triển mà nhiều khi để nó tồn tại, lại gây đại họa cho sức khỏe con người. Nên cắt bỏ đi, chần chờ gì nữa”.

TS Nguyễn Quốc Việt phân tích thêm: Có thể lúc đầu quỹ đặt ra là phù hợp trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam chưa hội nhập sâu với thế giới, việc điều tiết hay can thiệp trực tiếp vào thị trường trong đó có thị trường xăng dầu còn có dư địa và có tác động tích cực. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại lại khác nhiều, các cơ chế can thiệp vào sự vận hành bình thường và tự do của bất kỳ một thị trường hàng hóa nào cũng nên cân nhắc sự phù hợp và hiệu quả khi môi trường kinh tế và thể chế đã thay đổi, trong đó có cả những ràng buộc quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Nên sớm thực hiện

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, việc dự thảo Luật Giá đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu cần cân nhắc lợi hại nhưng là việc nên làm sớm. Cụ thể, vị chuyên gia này phân tích theo khía cạnh của cả 3 chủ thể tham gia vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Với chủ thể thứ nhất là doanh nghiệp, việc trích quỹ không mang lại cho họ thêm lợi nhuận, trong khi việc chi quỹ lại gây áp lực, khi thời điểm giá xăng dầu tăng cao và tăng mạnh như thời gian vừa qua, trường hợp quỹ bị âm thì doanh nghiệp phải "gồng mình" chi quỹ, thậm chí là vay ngân hàng bù vào, ảnh hưởng tới nguồn vốn kinh doanh; còn khi giá xăng dầu xuống thấp, doanh nghiệp lại "mang tiếng" với người tiêu dùng vì giá sẽ giảm chậm do phải trích lập quỹ, bù đắp cho phần quỹ âm trước đó.

Với chủ thể thứ 2 là khách hàng, việc trích quỹ là điều không ai mong muốn, vì thực chất, quỹ là “cấu” từ tiền trong túi họ. Khi giá xăng tăng cao, số tiền đã trích được chi ra để trừ vào giá xăng nhằm bình ổn giá. Tuy nhiên, việc trích quỹ và chi quỹ vô hình trung “cào bằng”, vì có những khách hàng là doanh nghiệp lớn, sử dụng nhiều xăng dầu vào thời điểm trích quỹ, nhưng đến thời điểm chi quỹ, thì do tính chất thời vụ, họ lại không sử dụng nhiều nhiên liệu. Như vậy, họ sẽ bị thiệt và cũng chẳng mặn mà, vui vẻ gì khi phải trích quỹ.

Còn với chủ thể điều tiết là Nhà nước, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là một công cụ để kiềm chế giá, kiềm chế lạm phát cả trực tiếp và gián tiếp. Nó sẽ thực sự là một công cụ hiệu quả nếu Quỹ bình ổn giá xăng dầu xăng dầu thể hiện đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ của nó là làm cho giá xăng ổn định quanh một mức trung bình nào đó, không bị tăng quá sốc hoặc không giảm quá mạnh. Nếu làm tốt sẽ không gây ra cú sốc cho nền kinh tế mỗi khi thị trường có biến động lớn, còn về mặt dài hạn, nó không làm giảm chi phí xăng dầu cho người tiêu dùng.

“Với cách điều hành giá 10 ngày như hiện nay, hoặc 15 ngày trước đó, việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu là rất cần thiết, vì nó giúp cho Nhà nước điều tiết giá xăng dầu. Tuy nhiên đến thời điểm này, Bộ Công thương đã đề xuất sẽ thực hiện rút ngắn kỳ điều hành xăng dầu xuống 2-3 ngày, nghĩa là để giá biến động theo thị trường thì việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu là không cần thiết”, ông Long phân tích.

Bộ Công Thương cân nhắc việc bỏ quỹ bình ổn

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương, cho hay: Tính từ đầu năm đến kỳ điều hành ngày 13-6, giá bình quân mặt hàng xăng dầu thế giới đã tăng 41,36%-84,35%. Tuy nhiên, giá xăng dầu trong nước chỉ tăng 24,42%-62,44%. Mức tăng như trên giúp kiềm chế đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng chỉ với 2,25% sau năm tháng đầu năm, trong khi các nước lân cận mức lạm phát cao hơn nhiều.

Việc điều hành giá hiệu quả như vậy là nhờ có sự tham gia quan trọng từ các giải pháp vĩ mô của kinh tế Việt Nam, cũng như có vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

“Về việc sửa Luật Giá, nhiều chuyên gia có ý kiến đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhưng Bộ Công Thương cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu kỹ. Đặc biệt cần tham khảo ý kiến của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đối với việc có nên bỏ quỹ này đi không trong bối cảnh thời gian qua, quỹ đã hỗ trợ hiệu quả cho việc giá xăng dầu không tăng quá sốc và tránh những cộng hưởng từ việc tăng giá” - bà Nga nói.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Quỹ bình ổn xăng dầu: Đã đến lúc bỏ, không nên 'chần chờ'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới