0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ năm, 20/04/2023 10:46 (GMT+7)

Quốc hội sẽ giám sát quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội trong năm 2024

Một trong 4 chuyên đề giám sát năm 2024 được Quốc hội lựa chọn là việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở.

Tại Phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, dự kiến Chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới ban hành, căn cứ kết quả tổng hợp Phiếu xin ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất lựa chọn 4 chuyên đề giám sát trong năm 2024.

Trong đó, việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội sẽ là một trong 4 chuyên đề được lựa chọn giám sát trong năm 2024.

Quốc hội sẽ giám sát quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội trong năm 2024 - Ảnh 1
Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội sẽ là một trong 4 chuyên đề được lựa chọn giám sát trong năm 2024.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lựa chọn giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia.

Cụ thể, Dự án Sân bay Long Thành; Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 - 2025; Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 TP.HCM; Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1).

Trước đó, tại phiên họp chuyên đề pháp luật cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh hai vế của vấn đề là vừa phát triển, vừa phải quản lý chặt chẽ, quản lý chặt chẽ cũng là để phát triển bền vững. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đặt ra câu hỏi: Giải quyết hai yếu tố này trong khi dự án Luật này như thế nào, chỗ nào là kiến tạo để phát triển thị trường, chỗ nào phải quản lý chặt chẽ?.

“Lĩnh vực này rủi ro rất lớn, vốn đầu tư lớn, giá trị cao, nhạy cảm. “Câu chuyện "bong bóng bất động sản” vừa có yếu tố kinh tế thực, nhưng yếu tố đầu cơ, đầu tư cũng rất lớn, hơn nữa còn liên quan đến thị trường vốn, thị trường tiền tệ, tín dụng cho nên phải lưu ý cả hai yếu tố là phát triển nhanh và quản lý chặt chẽ”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cho biết liên quan lớn nhất đến thị trường bất động sản là vấn đề quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, vấn đề phát triển các dự án, cơ cấu các loại thị trường này. Hiện nay, chúng ta quy hoạch theo lãnh thổ, vùng làm nhà ở, đô thị…nhưng thiếu đi trục quy hoạch theo thời gian. Nếu trong cùng một thời gian mà tung ra quá nhiều dự án chắc chắn cung sẽ vượt cầu. Cung vượt cầu thì chắc chắn sẽ có nhiều bất động sản không bán được. Ngược lại, nếu khan hiếm cung thì giá sẽ tăng lên.

Theo nhiều chuyên gia, các quy định hiện hành còn thiếu hoặc lỏng lẻo dẫn tới thị trường bất động sản phát triển thiếu kiểm soát, không có quy hoạch, kế hoạch, chạy theo lợi nhuận, phong trào.

Giá bất động sản, nhất là tại đô thị, cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân, tốc độ phát triển kinh tế. Thị trường dư thừa phân khúc cao cấp, trong khi thiếu sản phẩm trung bình và thấp. Tình trạng đầu cơ bất động sản còn diễn ra khá phổ biến ở các địa phương. Hiện chưa có cơ chế, quy định về trách nhiệm, thẩm quyền kiểm soát, điều tiết thị trường bất động sản của cơ quan nhà nước.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các đánh giá về hoạt động giám sát thời gian qua cần có tính khái quát sâu sắc hơn, trong đó nhấn mạnh việc bám sát các chỉ đạo, đề án ngay từ đầu khoá về tăng cường giám sát, coi đổi mới giám sát là khâu trọng tâm.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị thẳng thắn chỉ rõ những mặt chưa được. Như có lúc có nơi thực hiện giám sát còn hạn chế, tính phản biện chưa cao. “Giám sát không có tính phản biện thì làm làm gì. Phản biện trên tinh thần xây dựng, động cơ trong sáng thì càng tạo điều kiện phát triển lâu dài”.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Quốc hội sẽ giám sát quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội trong năm 2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới