Quảng Ninh: Đền Xã Tắc được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định về việc xếp hạng Di tích Quốc gia đối với Di tích lịch sử đền Xã Tắc.
Đền Xã Tắc, Quảng Ninh là 1 trong 17 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đợt này |
Trước đó, Đền Xã Tắc (phường Ka Long, TP Móng Cái) được UBND tỉnh Quảng Ninh xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2005.
Đến năm 2009, UBND tỉnh phê duyệt dự án xây dựng trùng tu, tôn tạo đền Xã Tắc; bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hoá, tạo cảnh quan khu vực, hình thành điểm du lịch gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, huy động nguồn lực xã hội hoá xây dựng lại ngôi đền khang trang. Công trình mới được xây dựng rộng hơn 2 ha, bao gồm chính điện xây dựng trên nền cũ, cổng nghi môn, nhà tả vu, hữu vu, lầu chuông, lầu trống, bình phong bằng đá, miếu thờ thần linh và một số công trình khác. Xã Tắc Đại vương (thần chủ đền), Cao Sơn Đại vương và Hưng Nhượng Đại vương Trần Quốc Tảng là 3 vị thần được thờ tại đền hiện nay.
Theo sử sách chép lại, Đền Xã Tắc được xây dựng từ khoảng cuối thế kỉ XIII, đầu thế kỉ XIV để thờ thần thành hoàng châu Móng Cái xưa là Xã Tắc đại vương. Trước kia, ngôi đền ở sát mép sông Thác Mang, trong một lần bão lớn vào khoảng đầu thế kỉ 20, ngôi đền cũ bị sạt lở, người dân trong vùng đã chuyển ngôi đền vào khu Soáy Nguồn như ngày nay.
Trải qua nhiều lần trùng tu, ngôi đền Xã Tắc bề thế bây giờ được xây dựng trên nền đền cũ bằng sự phát tâm công đức của đông đảo nhân dân, tăng ni, phật tử trên khắp mọi miền đất nước. Ba pho tượng thánh được thờ tại đền gồm: Thần chủ Xã Tắc đại vương, Cao Sơn đại vương và Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng.
Cùng đợt này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng ban hành các quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia đối với 16 di tích trên địa bàn các tỉnh: Bắc Ninh, Bình Phước, Cần Thơ, Đồng Tháp, Gia Lai, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh, Tuyên Quang, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Hải Phòng.
Theo các Quyết định, UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm