Quảng Ngãi: Tỏi Lý Sơn chính thức được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý
ừ lâu, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) được mệnh danh là “Vương quốc tỏi”; tỏi là nông sản chủ lực, là nguồn thu nhập chính của hàng nghìn hộ dân trên hòn đảo này.
Tỏi ở Lý Sơn chỉ trồng vào vụ Đông - Xuân với diện tích dao động từ 300 đến 350 ha/năm. Trước kia, người dân vẫn trồng tỏi theo phương thức canh tác truyền thống. Hiện nay, nông dân Lý Sơn còn mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đưa năng suất và sản lượng tăng đáng kể, bình quân hằng năm từ 1.500 đến 2.000 tấn.
Huyện Lý Sơn có khoảng hơn 300 ha diện tích trồng tỏi
Lý Sơn được mệnh danh là vương quốc tỏi, nơi tỏi được canh tác trên đất đỏ bazan và cát trắng của san hô từ dưới lòng biển, tạo nên hình dạng và mùi vị đặc trưng. Được công nhận thương hiệu tập thể và bảo hộ 10 năm qua, song những năm gần đây tỏi Lý Sơn bị làm giả thương hiệu, ảnh hưởng đến uy tín của tỏi Lý Sơn và đời sống nông dân. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến giá trị tỏi Lý Sơn.
Trước tình trạng trên, hai năm trước UBND huyện Lý Sơn đã triển khai đề án Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn, phối hợp với Viện Môi trường - Viện Hàn Lâm khoa học Công nghệ Việt Nam và Công ty Sở hữu trí tuệ Quốc tế T&T Invenmark.
Đầu 2019, các nhà khoa học thuộc Viện Môi trường đã tiến hành khảo sát, lấy các mẫu đất, mẫu nước, mẫu thổ nhưỡng và mẫu tỏi trên toàn bộ huyện đảo, đồng thời khảo sát đánh giá lấy mẫu của một số địa phương đối chứng như Ninh Thuận, Khánh Hòa và Hải Dương để đo đạc, mô tả, so sánh các chỉ tiêu vật lý, cảm quan, hình thái, hoa học. Hồ sơ và đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý sau đó được trình lên Cục Sở hữu trí tuệ.
Theo các chuyên gia về sở hữu trí tuệ, bảo hộ sở hữu trí tuệ bằng Chỉ dẫn địa lý tạo cơ sở vững chắc hơn so với việc bảo hộ thông qua nhãn hiệu hàng hóa. Chỉ dẫn địa lý mang tên của vùng địa danh nổi tiếng và uy tín của sản phẩm đó đạt đến mức đặc thù riêng, có sự gắn kết với vùng địa lý là khu vực xuất xứ của sản phẩm.
Chính thức cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho Tỏi Lý Sơn
Kết quả, sau nhiều năm chờ đợi, tỏi Lý Sơn đã chính thức được xác lập Chỉ dẫn địa lý nên nông dân trên đảo vô cùng phấn khởi. Tỏi Lý Sơn có Chỉ dẫn địa lý thì người dân an tâm lo làm, không lo sợ giá cả bấp bênh như mấy năm trên. Có nhãn mác chỉ dẫn địa lý người dân trồng tỏi nơi đây tin rằng tỏi Lý Sơn sẽ phát triển hơn.
Chính quyền huyện đảo Lý Sơn cũng khuyến khích nông dân tham gia xây dựng phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn. Nhờ đó đến nay, trên địa bàn huyện có hơn 95% diện tích đất sản xuất nông nghiệp áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm đã đem lại sản lượng cao, tiết kiệm công lao động.
Hiện UBND huyện Lý Sơn đã thông qua Quy chế Quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý, thống nhất chọn logo, hệ thống nhận diện thương hiệu tỏi, giao diện chính và sơ đồ website chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn, sổ tay hướng dẫn sử dụng chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn. Dự kiến chỉ dẫn địa lý sẽ được công bố vào đầu tháng 7 tới.
Bên cạnh đó, sau khi được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, huyện Lý Sơn sẽ hoàn thiện các quy chế, Ban kiểm soát Chỉ dẫn địa lý. Việc truy xuất được nguồn gốc tỏi ở vùng được công nhận Chỉ dẫn địa lý sẽ đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch HĐND huyện Lý Sơn nói: Bước tiếp theo là phải xây dựng cái truy xuất nguồn gốc. Trên cơ sở Chỉ dẫn địa lý phải có truy xuất nguồn gốc thì nó sẽ đảm bảo tất cả các nội dung liên quan Chỉ dẫn địa lý, và lúc này sản phẩm tỏi Lý Sơn sẽ có giá trị cao hơn, không chỉ người tiêu dùng trong nước mà còn ở nước ngoài.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm