PV GAS nỗ lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng để từ năm 2022 nhập khẩu LNG
Nhanh chóng nhập khẩu LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) và đưa LNG trở thành giải pháp quan trọng trong Chiến lược năng lượng quốc gia là mục tiêu mà Chính phủ và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giao cho Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS).
Để đảm bảo nguồn nhập khẩu, trữ và phân phối an toàn, hiệu quả loại hình kinh doanh khí LNG, PV GAS nỗ lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng để từ năm 2022 nhập khẩu LNG bù đắp cho nguồn khí trong nước đang suy giảm; chủ động nguồn cung, thúc đẩy phát triển thị trường khí tại Việt Nam.
Tại Nghị quyết 55-NQ/TW được Bộ Chính trị phê duyệt ngày 11/02/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ LNG; phát triển nhiệt điện khí theo hướng ưu tiên sử dụng nguồn khí trong nước; chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG.
Cùng đó, Quyết định 2233/QĐ-TTg ngày 28/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt tại Đề án Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh; trong đó xác định rõ, thị trường khí năm 2021 đến 2025 cần được xây dựng và phát triển trên nguyên tắc phát huy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp Nhà nước chuyên ngành (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Khí Việt Nam).
PV GAS nhận xét, Nghị quyết 55-NQ/TW, Quyết định 2233/QĐ-TTg, Quyết định 60/QĐ-TTg đều đã xác định rất rõ nhập khẩu và phát triển LNG là một trong những giải pháp phát triển năng lượng bền vững của quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn mới cùng với xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.
Bởi vậy, khi thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, với vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp khí Việt Nam, PV GAS chú trọng hoàn thiện hệ thống hạ tầng LNG và các khâu liên quan để nhập khẩu từ năm 2022 với mục tiêu phân phối an toàn, hiệu quả toàn bộ nguồn khí, LNG trong nước và nhập khẩu.
Hoàn thiện hệ thống hạ tầng để nhập khẩu LNG
PV GAS đã tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng LNG nhập khẩu nhằm bổ sung nguồn cung cấp khí cho thị trường tiêu thụ; trong đó, PV GAS và PVN đang tập trung nguồn lực thực hiện đầu tư xây dựng Dự án Kho chứa LNG 1 triệu tấn/năm tại Thị Vải.
Tính đến nay, tiến độ dự án Kho LNG Thị Vải hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động trong quý III/2022. Các dự án đồng hành như trạm xuất LNG bằng xe bồn tại Thị Vải, đường ống LNG Thị Vải – Phú Mỹ… cũng đang triển khai tích cực, đảm bảo hoàn thành đồng bộ.
PV GAS sẽ tập trung nguồn lực phát triển đầu tư phát triển hạ tầng nhập khẩu, tàng trữ, phân phối LNG trên toàn quốc. Theo tính toán, mỗi khu vực sẽ được cung cấp từ 3 trung tâm đầu mối LNG cả nước gồm: khu vực miền Nam với dự án Kho chứa LNG 1 triệu tấn/năm Thị Vải, tiến tới nâng công suất lên 3 triệu tấn/năm; khu vực miền Trung là Kho chứa LNG Sơn Mỹ và khu vực miền Bắc tập trung tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa.
Hiện PV GAS tiếp tục phát triển đường ống vận chuyển LNG sau khi tái hóa khí đến các hộ tiêu thụ trên cơ sở tận dụng tối ưu hệ thống cơ sở hạ tầng hiện hữu. Trong số đó, tại khu vực Đông Nam bộ, PV GAS xây dựng hệ thống đường ống LNG đấu nối từ đầu ra Kho chứa LNG Thị Vải vào các hệ thống đường ống hiện hữu; nghiên cứu xây dựng dự án đường ống kết nối Đông - Tây để nâng công suất vận chuyển và mở rộng hạ tầng phân phối khí LNG đến các hộ tiêu thụ khí LNG cho cả khu vực này.
Đối với Kho chứa LNG Sơn Mỹ, PV GAS dự kiến xây dựng hệ thống đường ống và hệ thống phân phối tại miền Trung; đầu tư đường ống kết nối để vận chuyển LNG từ Sơn Mỹ, Ninh Thuận về Bà Rịa – Vũng Tàu, kết nối vào hạ tầng hiện hữu tại khu vực Đông Nam bộ.
Tại khu vực phía Bắc, PV GAS dự kiến xây dựng hệ thống đường ống và hệ thống phân phối khí từ đầu ra kho LNG tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa và có tính đến việc kết nối, tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có của hệ thống khí Hàm Rồng – Thái Bình để vận chuyển, cung cấp khí cho khách hàng.
LNG là khí thiên nhiên được hóa lỏng. Do chỉ chiếm 1/600 thể tích so với khí thiên nhiên ở điều kiện tiêu chuẩn, LNG là sản phẩm khí thuận tiện cho việc tồn chứa, vận chuyển từ nơi sản xuất đến các thị trường tiêu thụ trên thế giới. Phương tiện vận chuyển chủ yếu hiện nay là các tàu LNG với tải trọng từ 170.000 m3 đến 260.000 m3; trong đó tải trọng phổ biến nhất là từ 155.000 m3 đến 170.000 m3.