PV Gas đặt mục tiêu nhập khẩu LNG từ 2022 để bù đắp nguồn khí trong nước suy giảm
PV Gas đã ký 6 hợp đồng khung mua bán LNG theo chuyến với các nhà cung cấp LNG. 70% nguồn khí LNG sẽ dùng cho các nhà máy điện khí và 30% còn lại cho khách hàng hóa dầu, hộ công nghiệp, giao thông vận tải, đô thị.
Hiện thực hóa Chiến lược năng lượng quốc gia về LNG
Vừa qua, Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (Mã: GAS) cho biết đang tập trung nguồn lực thực hiện đầu tư xây dựng dự án Kho chứa LNG 1 triệu tấn/năm tại Thị Vải. Tính đến hiện tại, tiến độ dự án Kho LNG Thị Vải hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động vào quý III/2022.
Cụ thể, từ năm 2022 sẽ bắt đầu nhập khẩu LNG để bù đắp cho nguồn khí trong nước đang suy giảm, chủ động nguồn cung, thúc đẩy phát triển thị trường khí/LNG tại Việt Nam, Tổng công ty cho biết PV Gas
LNG được sử dụng tương tự như khí khô phục vụ cho nhu cầu khí của các nhà máy điện, hộ công nghiệp, khu đô thị. Ngoài ra, LNG còn được sử dụng làm nhiên liệu cho các phương tiện giao thông vận tải (tàu biển, tàu hỏa và xe vận tải nặng).
Các chuyên gia phân tích đánh giá dự án LNG Thị Vải sẽ là động lực tăng trưởng chính của PV GAS giai đoạn tới.
Chứng khoán VNDirect nhận định dự án này sẽ đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh của công ty từ năm 2023 trở đi với công suất 1 triệu tấn/năm cung cấp cho 2 nhà máy nhiệt điện khí mới tại Nhơn Trạch và các khách hàng công nghiệp khác trong khu vực Đông Nam Bộ.
Với tư cách là nhà phân phối LNG, PV GAS sẽ kiếm được lợi nhuận từ chi phí tái hóa khí và chi phí vận chuyển, đóng góp khoảng 18% lợi nhuận gộp mảng khí khô trong năm 2023.
Tiến độ các hạng mục ra sao?
Về nguồn nhập khẩu LNG, PV GAS cho biết đang tập trung công tác chuẩn bị nguồn nhập khẩu ngắn và trung hạn, hiện đã ký 6 hợp đồng khung mua bán LNG theo chuyến (MSPA) với các nhà cung cấp LNG.
Các dự án đồng hành như trạm xuất LNG bằng xe bồn tại Thị Vải, đường ống LNG Thị Vải – Phú Mỹ… cũng đang được triển khai, sẽ hoàn thành đồng bộ.
PV GAS thông tin sẽ tập trung nguồn lực phát triển đầu tư phát triển hạ tầng nhập khẩu, tàng trữ, phân phối LNG trên toàn quốc, trong đó mỗi khu vực sẽ được cung cấp từ 3 trung tâm đầu mối LNG cả nước gồm: Khu vực miền Nam (Dự án Kho chứa LNG 1 triệu tấn/năm Thị Vải, tiến tới nâng công suất lên 3 triệu tấn/năm); khu vực miền Trung (Kho chứa LNG Sơn Mỹ); khu vực miền Bắc (Quảng Ninh/Hải Phòng/Thanh Hóa).
Về hệ thống đường ống phân phối, PV GAS phát triển các đường ống vận chuyển LNG sau khi tái hóa khí đến các hộ tiêu thụ trên cơ sở tận dụng tối ưu hệ thống cơ sở hạ tầng hiện hữu.
Trong đó, tại khu vực Đông Nam bộ: Xây dựng hệ thống đường ống LNG đấu nối từ đầu ra Kho chứa LNG Thị Vải vào các hệ thống đường ống hiện hữu của PV GAS; nghiên cứu xây dựng dự án đường ống kết nối Đông - Tây để nâng công suất vận chuyển và mở rộng hạ tầng phân phối khí LNG đến các hộ tiêu thụ khí LNG cho cả khu vực Đông và Tây Nam bộ.
Đối với Kho chứa LNG Sơn Mỹ, PV GAS dự kiến xây dựng hệ thống đường ống và hệ thống phân phối tại miền Trung; đầu tư đường ống kết nối để vận chuyển LNG từ Sơn Mỹ/Ninh Thuận về Bà Rịa – Vũng Tàu, kết nối vào hạ tầng hiện hữu tại khu vực Đông Nam Bộ.
PV GAS dự kiến ở khu vực phía Bắc sẽ xây dựng hệ thống đường ống và hệ thống phân phối khí từ đầu ra kho LNG tại khu vực Quảng Ninh/Hải Phòng/Thanh Hóa có tính đến việc kết nối và tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có của hệ thống khí Hàm Rồng – Thái Bình để vận chuyển và cung cấp khí cho người tiêu dùng.