0915 15 67 76 [email protected]
Thứ tư, 25/08/2021 07:47 (GMT+7)

Thách thức trong phát triển công trình hiệu quả năng lượng tại Việt Nam 2021

Việt Nam không nằm ngoài xu hướng xây dựng bền vững, đặc biệt là xây dựng công trình hiệu quả năng lượng. Nhưng cần phải cởi bỏ những nút thắt nào để đưa lĩnh vực công trình hiệu quả năng lượng tại Việt Nam “cất cánh” trong thời gian tới?

Chi phí đầu tư công trình hiệu quả năng lượng

tm-img-alt

Quan niệm phổ thông hiện nay ở Việt Nam cho rằng để thực hiện công trình hiệu quả năng lượng, chủ đầu tư thường phải chi trả mức phí đầu tư thiết kế và xây dựng cao hơn. Điều này nên được coi là một trong những thách thức lớn nhất cần vượt qua!

Cần phải hiểu rằng, công trình hiệu quả năng lượng là một tài sản đầu tư có giá trị dài hạn và đem lại lợi ích kinh tế to lớn cho các chủ đầu tư trong suốt vòng đời hoạt động hàng vài chục năm! Tính hiệu quả kinh tế của các công trình hiệu quả năng lượng không chỉ ở việc giảm chi phí tiêu thụ điện trong vận hành, mà nó còn thể hiện ở việc tối ưu chi phí đầu tư các thành phần về nhiệt và năng lượng công trình như hệ thống HVAC, vỏ bao che công trình,...

Yếu tố quan trọng nhất giúp tối ưu chi phí đầu tư chính là nhờ áp dụng đúng các kỹ thuật thiết kế tiết kiệm năng lượng công trình đã được thế giới công nhận. Đây là điều mà phần lớn đội ngũ thiết kế tại Việt Nam còn chưa nắm rõ để áp dụng trong các sản phẩm thiết kế của mình.

Lỗ hổng nghiêm trọng về kiến ​​thức

tm-img-alt

Sự phát triển của việc thiết kế công trình hiệu quả năng lượng phụ thuộc rất lớn vào mức độ nhận thức về tầm quan trọng của vấn đề này trong ngành xây dựng, khả năng đưa ra thành hành động và khả năng cho phép áp dụng, thực hiện rộng rãi.

Một nghiên cứu về Công trình hiệu quả năng lượng đã giúp xác định những lỗ hổng nghiêm trọng về kiến ​​thức kỹ thuật chuyên sâu trong các đội ngũ thiết kế, xây dựng, cũng như thiếu sự chỉ đạo nhất quán, rõ ràng ở công tác lãnh đạo là 1 trong những thách thức lớn để phát triển lĩnh vực này.

Thị trường bất động sản ở Việt Nam phát triển nóng hàng đầu khu vực. Số lượng công trình tăng lên nhanh chóng nhưng nguồn lực chất xám cùng năng lực thực hiện kỹ thuật thiết kế chuyên sâu lại không tăng ở mức tương xứng. Phương pháp thiết kế vẫn không thay đổi sau rất nhiều năm, dần trở nên tụt hậu, đặc biệt là trong các vấn đề liên quan tới phát triển bền vững, sử dụng năng lượng hiệu quả.

tm-img-alt

Hiện nay, quy trình thiết kế phổ thông tại Việt Nam thường tính toán một cách khá đơn giản các vấn đề về năng lượng, tiện nghi công trình, tiện nghi về nhiệt và tối ưu chi phí cho công trình. Vẫn tồn tại việc tính tay, sử dụng phần mềm tính toán hệ cũ hoặc bằng cảm tính để đưa ra một hệ số chưa đủ căn cứ về kỹ thuật và khoa học, nhất là khi liên quan tới năng lượng và tiện nghi công trình.

Trong khi đó, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã công nhận và áp dụng những kỹ thuật ưu việt trong thiết kế công trình hiệu quả năng lượng như công nghệ Mô phỏng năng lượng công trình. Đây là công việc số hóa toàn bộ hoạt động vận hành thực tế của công trình để thực hiện tối ưu hóa năng lượng tiêu thụ và các loại chi phí của công trình.

tm-img-alt
Áp dụng mô phỏng năng lượng cho tòa văn phòng cao cấpConinco Towertại Hà Nội giúp giảm 32% năng lượng tiêu thụ và giảm 2,4 tỷ đồng chi phí vận hành mỗi năm hoạt động (Hình ảnh EDEEC cung cấp)

Khó khăn của Chủ đầu tư và BQLDA

Các chủ đầu tư và BQL dự án tại Việt Nam đang gặp khó khăn khi đưa đề bài thiết kế công trình liên quan tới yêu cầu hiệu quả năng lượng - một yếu tố quan trọng quyết định hiệu năng công trình. Khi ra đề bài thiết kế, Chủ đầu tư và BQL dự án cần đặt ra mục tiêu cho việc thiết kế hiệu quả năng lượng.

Ví dụ, Chủ đầu tư và Ban quản lý dự án đặt mục tiêu tiết kiệm năng lượng 30% so với QC 09 (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả), hoặc 20% so với tiêu chuẩn ASHRAE-90.1 2010 (Tiêu chuẩn Mỹ yêu cầu phải áp dụng mô phỏng trong các giai đoạn thiết kế để xác định rõ hiệu quả bằng số liệu, chi phí).

Trên nghĩa vụ Nhà nước, các công trình nên được so sánh với khoảng 3 đến 4 tiêu chuẩn so sánh (Ví dụ: Trường hợp cơ sở, QC 09, ASHRAE, …) để phục vụ báo cáo thành tích với Quốc tế.

Ngoài những lý do trên, thì cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe do Covid 19 gây ra cũng có tác động đáng kể tới việc sử dụng năng lượng hiệu quả trong các công trình. Khi nhiều người trở lại làm việc sau giãn cách xã hội, nhu cầu về tỷ lệ thông gió cao hơn trong các công trình thương mại vì lý do sức khỏe, điều này dẫn đến tăng đột biến cường độ năng lượng.

tm-img-alt

Nếu suy thoái kinh tế trở nên nghiêm trọng hơn, các hộ gia đình và doanh nghiệp có thể giảm chi tiêu cho việc nâng cấp các tòa nhà, làm chậm việc cải thiện hiệu quả kỹ thuật. Các dự báo hiện tại cũng cho thấy đại dịch làm giảm kỳ vọng tăng trưởng đối với các công trình và lĩnh vực xây dựng nói chung, cũng như việc thiết kế và xây dựng công trình hiệu quả năng lượng nói riêng. 

Có thể thấy, các công trình hiệu quả năng lượng tại Việt Nam hiện mới đang ở giai đoạn phát triển đầu tiên, không ít thách thức đặt ra nhưng cũng sẽ có rất nhiều cơ hội có thể tận dụng.

Vì vậy, muốn xoay trục ngành bất động sản nước ta theo hướng bền vững hơn, nên đề cao đào tạo những Chuyên gia thiết kế tiết kiệm năng lượng công trình có chuyên môn cao, tận dụng và kế thừa những kỹ thuật tiên tiến cũng như kiến thức về hiệu quả năng lượng đã được đúc kết trong hàng chục năm qua. Đây là yếu tố cốt lõi để Việt Nam sớm bắt kịp với thế giới, chứng minh được năng lực và trách nhiệm của mình để tạo ra sự đóng góp quan trọng với sự phát triển chung của toàn cầu!

Bạn đang đọc bài viết Thách thức trong phát triển công trình hiệu quả năng lượng tại Việt Nam 2021. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023