0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ tư, 25/05/2022 11:00 (GMT+7)

Phát triển thị trường trái phiếu xanh toàn cầu – Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam

Trái phiếu Xanh cung cấp cho nền kinh tế một công cụ tài chính hữu hiệu để thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn diện sang tài chính bền vững và đáp ứng mục tiêu quốc gia cho phát triển bền vững.

Nhiều giải nhằm hỗ trợ phát triển pháp phát hành trái phiếu xanh

Ở cấp độ quốc tế, nguyên tắc Trái phiếu Xanh (GBP)1 đã trở thành tham chiếu chính để phát hành Trái phiếu Xanh. GBP được ban hành vào năm 2014 thiết lập các quy trình quản lý hiệu quả việc sử dụng số tiền thu được để tài trợ hoặc tái cấp vốn cho các dự án xanh, đánh giá và lựa chọn dự án xanh, báo cáo và công bố thông tin đầy đủ, minh bạch về việc sử dụng số tiền thu được. Cùng với các thông lệ quốc tế, các nhà quản lý trên toàn thế giới đã bắt đầu xây dựng các hướng dẫn và quy định của quốc gia và khu vực về Trái phiếu Xanh để phát triển và tăng trưởng thị trường trong nước.

Cụ thể, ở một số quốc gia cũng đã ban hành các quy định và hướng dẫn về Trái phiếu Xanh. Đơn cử như: Cơ quan Thị trường Vốn Ma-rốc ban hành Hướng dẫn Trái phiếu Xanh vào năm 2016 đặt ra các yêu cầu đối với tổ chức phát hành và nâng cao nhận thức giữa các nhà đầu tư và công chúng về Trái phiếu Xanh.

Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch của Nigeria (SEC) cũng đang phát triển quy định về Trái phiếu Xanh nhằm cung cấp hướng dẫn cho thị trường trong nước sau đợt phát hành Trái phiếu Xanh của Chính phủ Nigeria vào tháng 12/2017 - Trái phiếu Xanh đầu tiên của châu Phi. SGDCK Johannesburg (JSE) tại Nam Phi cũng đã niêm yết Trái phiếu Xanh đầu tiên do Chính quyền thành phố Johannesburg phát hành nhằm tối đa hóa các nguồn lực và giảm thiểu mức độ phát thải carbon của Thành phố.

Phát triển thị trường trái phiếu xanh toàn cầu – Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam - Ảnh 1
Nhiều giải nhằm hỗ trợ phát triển pháp phát hành trái phiếu xanh. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Tất cả các dự án được tài trợ bằng nguồn tiền Trái phiếu Xanh đều là các dự án Xanh, ví dụ như Dự án chuyển đổi khí biogas thành năng lượng (Biogas to Energy Project), hay sáng kiến Bình nước nóng năng lượng mặt trời (Solar Geyser Initiative), hay các dự án khác hướng đến giảm phát thải khí nhà kính, góp phần xây dựng thành phố bền vững. Gần đây nhất, ngày 22/2/2018, Chính phủ Indonesia đã phát hành trái phiếu Sukuk “xanh” kỳ hạn 5 năm, trở thành quốc gia châu Á đầu tiên phát hành ra quốc tế.

Báo cáo của Tổ chức Climate Bonds Initiative (CBI) cho biết, lượng Trái phiếu Xanh phát hành trên toàn cầu trong năm 2017 tăng 78% so với năm 2016, đạt 155,5 tỷ USD. CBI dự đoán con số này có thể lên tới 250 - 300 tỷ USD trong năm 2018. Các quốc gia có giá trị phát hành Trái phiếu Xanh cao là Mỹ, Trung Quốc và Pháp, chiếm 56% tổng giá trị phát hành. Những nước mới tham gia vào thị trường Trái phiếu Xanh gồm: Argentina, Chile, Fiji, Lithuania, Malaysia, Nigeria, Singapore, Slovenia, Thụy Sỹ và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Số tiền huy động từ việc phát hành Trái phiếu Xanh trong năm 2017 chủ yếu được sử dụng vào việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là cho đầu tư xây dựng các tòa nhà phát thải carbon thấp và có hiệu năng cao.

Các dự án năng lượng tái tạo ở châu Á nếu như 5 năm trước đây phát triển bùng nổ, thì hiện nay các khoản đầu tư cho năng lượng tái tạo ngày càng giảm. Do vậy, chi phí tài chính là một thách thức lớn gây trở ngại cho sự phát triển của ngành này tại châu Á.

Để đạt được các mục tiêu năng lượng tái tạo như kỳ vọng, châu Á cần cắt giảm các chi phí tài chính thông qua các quyết sách của Chính phủ và giảm chi phí nợ (lãi suất vay). Giải pháp có thể được thực hiện ngay ở thời điểm hiện tại là phát hành Trái phiếu Xanh. Từ góc độ chi phí, việc phát hành Trái phiếu Xanh rất hợp lý.

Ví dụ, trên phương diện chi phí, phát hành trên 100 triệu USD là đủ lớn, đồng thời cũng đủ để thu hút sự quan tâm của các công ty bảo hiểm và đầu tư. Nếu một dự án có khoản nợ 150 triệu USD trên tổng vốn khoảng 300 triệu USD bao gồm cả vốn cổ phần, thì với chi phí hiện tại, con số này tương đương với khoảng 250 MW của các dự án năng lượng tái tạo - một con số đáng kể.

Việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu sẽ đòi hỏi các giải pháp tài chính sáng tạo và có ảnh hưởng rộng. Trong bối cảnh ngân sách của các quốc gia phải chịu nhiều sức ép với các mục tiêu ngân sách ngắn hạn khác, thì “chìa khóa” cho vấn đề này là cần có sự phối hợp, điều phối giữa chính sách và các nguồn lực tài chính khác nhau, đặc biệt là sự tham gia của các ngân hàng phát triển, các định chế tài chính quốc tế trong các thỏa thuận song phương, đa phương, hay khu vực.

Các tổ chức tài chính (TCTC) đóng một vai trò quan trọng trong trung gian dòng vốn, đưa vào các sản phẩm cho vay, bảo lãnh và đầu tư ảnh hưởng lớn đến cách thức phân bổ nguồn vốn tài chính cho các hoạt động kinh tế có lợi ích cho môi trường. Chính vì vậy, cần khuyến khích hoạt động phát hành Trái phiếu Xanh của các TCTC trong khu vực châu Á thông qua việc tăng cường nhận thức của các TCTC về hoạt động phát hành Trái phiếu Xanh, đồng thời hỗ trợ xây dựng năng lực cho các nhà hoạch định và các ngân hàng bằng cách nâng cao nhận thức và kiến thức của các chuyên gia tài chính về những vấn đề tài chính xanh.

Tại khu vực các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ước tính sẽ cần đến 200 tỷ USD đầu tư xanh hàng năm trong giai đoạn 2016-2030. Nhu cầu vốn rất lớn này là để đầu tư chủ yếu vào các cơ sở hạ tầng sạch, thông minh, hiện đại vì đây là những yếu tố quan trọng cho tăng trưởng bền vững trong những thập kỷ tới. Do đó, các dự án liên quan đến giảm khí thải, thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ được ưu tiên.

Tuy nhiên, tăng trưởng về Trái phiếu Xanh ở khu vực ASEAN được đánh giá là chậm hơn. Do vậy, tại Diễn đàn thị trường vốn của ASEAN đã cùng nhau hợp tác để thúc đẩy thị trường này. Các nhà quản lý trong khu vực đã công nhận tầm quan trọng của tài chính xanh nhằm hỗ trợ tăng trưởng bền vững ở khu vực ASEAN và lượng vốn đầu tư toàn cầu vào lĩnh vực này ngày càng tăng. Điều này giúp tăng cường thu hút đầu tư vào ASEAN trong đó có đầu tư vào Trái phiếu Xanh, đáp ứng mục tiêu kép của việc thúc đẩy tăng trưởng xanh và làm cho thị trường ASEAN trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.

Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều bởi thiên tai và biến đổi khí hậu, và xác định tăng trưởng xanh là một chiến lược quan trọng nhằm hướng đến phát triển bền vững (PTBV). Do vậy, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt và các nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh.

Được biết, ngày 12/4/2012, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 432/QĐ-TTg “phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020”. Trong văn bản này đã đề cập đến cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực tài chính để thực hiện PTBV.

Ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050”. Trong đó, xác định tăng trưởng xanh là cách thức phát triển phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế trong giai đoạn sắp tới của Việt Nam.

Ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020”; trong đó, quy định về nguồn vốn tài trợ cho các hoạt động tăng trưởng xanh bao gồm:

Từ vốn ngân sách nhà nước (NSNN) trong Chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu; Từ nguồn lực của các doanh nghiệp; Từ cộng đồng và từ nguồn viện trợ của quốc tế. Đồng thời, Nhà nước sẽ ưu tiên và dành kinh phí thỏa đáng từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương để thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, đặc biệt cho nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo. Nhà nước cũng sẽ tạo cơ sở pháp lý khuyến khích các TCTC, các doanh nghiệp đầu tư nguồn lực để thực hiện các hoạt động của Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh…

Triển khai thực hiện Quyết định số 403/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 20/10/2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 2183/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch hành động ngành Tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. Cụ thể, sẽ xây dựng tổng thể định hướng phát triển ngành Tài chính xanh, trong đó xác định định hướng điều chỉnh chung, phương thức tổ chức thực hiện, cách thức phân bổ, sử dụng các nguồn lực tài chính nhằm hướng tới thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung một số chính sách thuế, phí bảo vệ môi trường; quy chế mua sắm công xanh; ưu tiên bố trí kinh phí cho các hoạt động có liên quan đến bảo vệ môi trường, thúc đẩy tăng trưởng xanh; rà soát các chính sách xã hội liên quan đến việc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh; rà soát các cam kết hội nhập quốc tế và nghiên cứu xu hướng hợp tác quốc tế về tài chính xanh...

Cùng với đó, vào tháng 11/2017, Diễn đàn Thị trường Vốn ASEAN đã đưa ra các Tiêu chuẩn về Trái phiếu Xanh của ASEAN (AGBS). AGBS được phát triển dựa trên các nguyên tắc về Trái phiếu Xanh của Hiệp hội Thị trường Vốn Toàn cầu (ICMA), bao gồm các tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu và cam kết cụ thể của khu vực trong việc thúc đẩy hội nhập, tính toàn vẹn và kết nối các thị trường vốn khu vực và tài chính bền vững trong khu vực. AGBS đưa ra các tiêu chuẩn thống nhất và các yêu cầu về việc áp dụng các nguyên tắc Trái phiếu Xanhh toàn cầu của ICMA đối với các trái phiếu xanh được gọi là “Trái phiếu Xanh ASEAN”.

Các tổ chức phát hành muốn phát hành và dán nhãn các Trái phiếu Xanh là “Trái phiếu Xanh ASEAN” phải chứng minh sự tuân thủ đối với AGBS. Các thành viên dự kiến sẽ thực thi AGBS về việc phát hành Trái phiếu Xanh ASEAN, tích cực tham gia và tăng cường nhận thức về AGBS trong các nước thành viên ASEAN.

Việt Nam là một thành viên của ASEAN, dự kiến sẽ xây dựng Hướng dẫn (hoặc bản mô tả) để triển khai AGBS ở Việt Nam, phù hợp với khung pháp lý và chính sách của Việt Nam và các điều kiện thị trường. Hướng dẫn này nhằm tạo sự hiểu biết và nhận thức thống nhất về AGBS cho các đơn vị hoạt động có liên quan và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện và phát hành để đáp ứng các yêu cầu của AGBS.

Việc phát triển Trái phiếu Xanh có lợi không chỉ cho các tổ chức phát hành trái phiếu, mà cho cả các nhà đầu tư và xã hội. Đối với chủ thể phát hành, việc phát hành trái phiếu xanh trên thị trường chứng khoán sẽ giúp đa dạng hóa nhà đầu tư, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư quan tâm đến các yếu tố môi trường, xã hội, quản trị trong việc phân tích đầu tư của họ.

Riêng đối với nhà đầu tư, Trái phiếu Xanh sẽ là một tài sản tài chính tốt để đầu tư, giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư, phân tán rủi ro và tìm kiếm nguồn lợi phù hợp. Trong xu hướng các quốc gia đang tập trung PTBV, thực hiện xanh hóa nền kinh tế trong thời gian tới, thị trường Trái phiếu Xanh sẽ không ngừng tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Do đó, đây sẽ là loại tài sản được đánh giá cao, ổn định và có tính thanh khoản tốt với thời gian đáo hạn dài.

Với động lực thúc đẩy thị trường Trái phiếu Xanhh phát triển nhanh chóng xuất phát từ chính nhu cầu về nguồn vốn của các nhà phát hành và các cam kết của nhà đầu tư về tài trợ cho chống biến đổi khí hậu, cũng như những lợi ích kép mà nó mang lại cho cả nhà đầu tư và nhà phát hành. Hậu quả của biến đổi khí hậu đã không chỉ làm gia tăng áp lực cho các chính phủ mà còn tăng chi phí sản xuất của khu vực tư nhân. Trong khi đó, nguồn lực của các chính phủ không bao giờ đáp ứng đủ cho việc phục hồi môi trường và đối phó với các nguy cơ về năng lượng, khan hiếm nguồn nước và lương thực thực phẩm.

Chính vì thế, sự đồng hành của khu vực tư nhân cùng với chính phủ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là vô cùng quan trọng. Trái phiếu Xanh vừa đem đến nguồn tài chính cho các quốc gia triển khai các dự án năng lượng sạch, giảm tác động và thích nghi với biến đổi khí hậu, trong khi mang lại cho các nhà đầu tư nguồn tín dụng chất lượng cao, lợi tức từ các khoản đầu tư, cùng với những lợi ích tích cực về mặt môi trường.

Tại Việt Nam, nhu cầu vốn cho phát triển các dự án xanh, đặc biệt là dự án năng lượng tái tạo rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu này, việc đẩy mạnh các sản phẩm tài chính xanh, trong đó có Trái phiếu Xanh là tất yếu. Ngày 12/4/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có hướng dẫn phát hành loại trái phiếu này.

Những điều kiện cần để phát triển Trái phiếu Xanh

Kinh nghiệm từ các quốc gia đã phát hành Trái phiếu Xanh cho thấy, muốn Trái phiếu Xanh phát triển mạnh mẽ, cần phải đảm bảo được các nội dung sau:

Tích cực nâng cao nhận thức của toàn dân về môi trường:

Chuẩn bị bước đầu tiên cho việc phát triển nền kinh tế xanh nói chung, và phát triển trái phiếu xanh nói riêng là cần có những biện pháp tích cực để nâng cao nhận thức của toàn dân về môi trường, ban hành các quy định về môi trường, có những chế tài đối với các công ty vi phạm về môi trường… Điều này tạo động lực giúp các chủ thể của nền kinh tế quan tâm hơn đến yếu tố “xanh” trong việc lựa chọn các dự án đầu tư. Tổ chức phát hành cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc thu hút nhà đầu tư quan tâm đến Trái phiếu Xanh. Các nhà đầu tư sau khi nhận thức được tầm quan trọng của yếu tố môi trường trong dự án cũng sẽ xem xét Trái phiếu Xanh như là một sự lựa chọn phù hợp để đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình.

Xây dựng cơ sở hành lang pháp lý:

Đối với các hoạt động trên thị trường vốn, cần thiết lập một khuôn khổ cho phát triển tài chính xanh như: Ban hành các quy định, điều kiện khi niêm yết cổ phiếu (niêm yết xanh), báo cáo và giám sát theo các tiêu chí tài chính xanh; Xây dựng đề án phát triển các sản phẩm của thị trường vốn xanh, trong đó có bộ chỉ số xanh (chỉ số bền vững, chỉ số carbon…) để theo dõi, đánh giá và giao dịch trên thị trường vốn; các chứng chỉ đầu tư xanh do các quỹ đầu tư phát hành cho các dự án, lĩnh vực xanh…

Đối với các tổ chức thị trường, các thành viên thị trường là các định chế tài chính và doanh nghiệp niêm yết, cần xây dựng và ban hành quy chế hoặc hướng dẫn về quản trị rủi ro môi trường xã hội nhằm nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với đầu tư vào các dự án bảo vệ môi trường.

Phát hành Trái phiếu Xanh là việc nên được thử nghiệm với trái phiếu chính quyền địa phương cho các dự án, chương trình xanh thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương. Điều này vừa tạo được sự minh bạch hơn so với trái phiếu thông thường, vừa giúp liên kết các chính quyền địa phương với thị trường trong việc giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, đồng thời chủ động hơn trong việc huy động vốn cho các chương trình, dự án xanh.

Với cơ quan chức năng cần sớm ban hành bộ nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm (yêu cầu các công ty niêm yết cung cấp các báo cáo tổng hợp về hoạt động và rủi ro xã hội, môi trường của công ty; làm cơ sở cho nhà đầu tư xác định những ngành chính đáp ứng tiêu chuẩn được tài trợ và đầu tư từ Trái phiếu Xanh) nhằm khuyến khích các hoạt động đầu tư có trách nhiệm đối với xã hội - môi trường.

Ban hành những chính sách ưu đãi:

Cần tăng cường triển khai các chính sách nhằm phát triển thị trường tài chính xanh, đặc biệt là chính sách thuế, phí để khuyến khích doanh nghiệp huy động vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh thông qua phát hành, niêm yết trái phiếu, cổ phiếu xanh, xem xét có chính sách ưu đãi về thuế đối với việc phát hành và đầu tư Trái phiếu Xanh; để thúc đẩy thanh khoản cho Trái phiếu Xanh, cần có cơ chế chấp nhận sử dụng Trái phiếu Xanh trong hoạt động thị trường mở với tỷ lệ chiết khấu cao hơn các trái phiếu cùng loại; cho phép các tổ chức tín dụng sử dụng Trái phiếu Xanh (Trái phiếu chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh...) làm dự trữ bắt buộc…

Ngoài ra, cần có cơ chế khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp, quỹ đầu tư trong thủ tục, cơ chế đầu tư thuận lợi khi phát hành trái phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư cho các dự án, chương trình và lĩnh vực xanh.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Phát triển thị trường trái phiếu xanh toàn cầu – Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới