Phát triển điện gió ngoài khơi, tận dụng nguồn năng lượng bền vững
Sau Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu toàn cầu (COP26), năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng gió nói riêng được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhất nhằm giảm những ảnh hưởng tiêu cực do hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo Bộ Công Thương, năng lượng gió ngoài khơi là một nguồn năng lượng tái tạo có triển vọng phát triển lớn, có thể lắp đặt các trang trại gió ngoài khơi trên vùng biển rộng lớn.
Ưu điểm chính của năng lượng gió ngoài khơi là khả năng tạo ra điện cao hơn vì tốc độ gió trên đại dương thường ổn định hơn và mạnh hơn so với trên đất liền. Ngoài ra, một điểm cộng khác là thực tế không giới hạn các địa điểm ngoài khơi để triển khai trang trại điện gió mà ít hoặc không ảnh hưởng đến xung đột dân cư. Hơn nữa, những tiến bộ gần đây trong công nghệ gió ngoài khơi giúp giảm chi phí vốn, lắp đặt và vận hành.
Theo kết quả khảo sát của chương trình đánh giá về năng lượng cho Châu Á của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á với tổng tiềm năng điện gió ước đạt 513.360 MW, lớn gấp 200 lần công suất của nhà máy thuỷ điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện Việt Nam năm 2020.
Theo số liệu thống kê, hiện nay đã có 130 nước trên thế giới phát triển điện gió. Tổng công suất điện gió của thế giới tăng nhanh trong khoảng 1 thập kỷ gần đây, đến năm 2020 với tổng công suất lên tới 733GW cao gần gấp hai lần so với năm năm 2011. Kể từ năm 2010, hơn một nửa tổng lượng điện gió mới đã được bổ sung bên ngoài các thị trường truyền thống là Châu Âu và Bắc Mỹ, chủ yếu là do sự bùng nổ liên tục ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo Báo cáo về tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam của Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), các vùng biển có khả năng khai thác tiềm năng năng lượng gió tốt nhất là Bình Định đến Ninh Thuận, Bình Thuận đến Cà Mau và một phần vùng biển trung tâm vịnh Bắc Bộ.
Đặc biệt, tiềm năng gió đạt ở mức tốt đến rất tốt ở khu vực biển Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu với tốc độ gió trung bình năm từ 8m - 10m/s, mật độ năng lượng trung bình năm phổ biến từ 600W đến trên 700 W/m2.
Tiềm năng năng lượng sóng vùng ven biển Việt Nam thông qua số liệu trích xuất tại 20 điểm ven bờ và các trạm hải văn cũng cho thấy vùng có năng lượng sóng lớn nhất tập trung ở khu vực Trung Bộ (từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận) và thấp hơn dải ven biển Bắc Bộ và Nam Bộ. Hai khu vực ven bờ vịnh Bắc Bộ và vịnh Thái Lan có tiềm năng năng lượng sóng thấp nhất.
Trong thời gian tới, để phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi, theo Tổng cục Khí tượng thủy văn, sẽ cần triển khai những nhiệm vụ bao gồm: Tổ chức điều tra, khảo sát, quan trắc bổ sung điều kiện tự nhiên các vùng biển; Ứng dụng công nghệ mô hình số trị trong việc tái mô phỏng và đánh giá tiềm năng năng lượng gió chi tiết theo không gian; Giám sát, dự báo năng lượng gió, sóng thời gian thực, cảnh báo thiên tai, dự báo tác động để phục vụ công tác sản xuất năng lượng tái tạo; Nghiên cứu, đánh giá, dự báo các tác động của các công trình điện gió, sóng ngoài khơi đến môi trường và các hoạt động kinh tế - xã hội.
Việt Nam nhận định phát triển điện gió ngoài khơi có ý nghĩa lớn vì có thể kết hợp các mục tiêu tăng trưởng kinh tế xã hội, an ninh năng lượng, công nghiệp hóa với phát thải carbon thấp hướng đến mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý ngành năng lượng phụ trách xây dựng kế hoạch giảm phát thải trong ngành năng lượng, đặc biệt là lĩnh vực điện lực sẽ triển khai lập kế hoạch cụ thể trong việc thực hiện Quy hoạch điện VIII và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Bên cạnh đó, Bộ cũng khuyến khích phát triển các dự án điện gió ngoài khơi phục vụ phụ tải tại chỗ, phát triển điện khí LNG, sản xuất các dạng năng lượng mới như hydro xanh, amoniac...
Mai Anh