0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Chủ nhật, 29/08/2021 10:00 (GMT+7)

Phân phối mì Hảo Hảo đến gần 50 quốc gia, Acecook Việt Nam kiếm bội tiền ra sao?

Các sản phẩm như mì Hảo Hảo, Lẩu Thái, Đệ Nhất, Số Đỏ,v.v...đã mang lại doanh thu khủng cho Acecook mỗi năm. Bên cạnh đó, còn giúp cho công ty này dễ dàng soán ngôi

Công ty Cổ phần (CTCP) Acecook Việt Nam thành lập từ ngày 15/12/1993 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 1995 với 100% vốn Nhật Bản. Tính đến năm 2020, Acecook Việt Nam có vốn điều lệ 298 tỷ đồng, trong đó cổ đông Nhật Bản là Acecook Co., LTD nắm giữ 16,9 triệu cổ phần, giá trị 169 tỷ đồng, tương đương 56,64%. Cơ cấu sở hữu của doanh nghiệp này chỉ có một cổ đông Việt Nam là ông Hoàng Cao Trí, với 25,064% cổ phần.

Bước ngoặt đưa Acecook Việt Nam lên vị thế dẫn đầu là khi công ty này cho ra mắt thương hiệu mì Hảo Hảo vào năm 2000. Bằng việc duy trì mức giá bình dân trong suốt nhiều năm (hiện khoảng 3.500 đồng/gói), các gói mì mang thương hiệu Hảo Hảo trở thành món ăn "ruột" của nhiều tầng lớp, từ người lao động đến sinh viên, dân văn phòng,…

Đáng chú ý, Acecook cũng thành công trong việc đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế. Sau gần 30 năm hình thành và phát triển, Acecook phân phối mì Hảo Hảo đến hơn 47 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thời gian gần đây, Acecook Việt Nam đã mở rộng danh mục sản phẩm của mình ngoài Hảo Hảo, có thể kể đến như mì Lẩu Thái, Đệ Nhất, Số Đỏ, Mikochi hay miến Phú Hương... phủ sóng các phân khúc từ mì gói, phở, hủ tiếu, bún tới miến, muối chấm, snack,…

Những danh mục sản phẩm này đã mang về nguồn lợi nhuận khổng lồ cho doanh nghiệp hàng năm khi Acecook dự kiến kế hoạch tăng doanh số bán mì ly tại Việt Nam lên 350 triệu vào năm 2022, gấp đôi so với 2017.

Phân phối mì Hảo Hảo đến gần 50 quốc gia, Acecook Việt Nam kiếm bội tiền ra sao?

Chỉ 3.500 đồng/gói mì Hảo Hảo nhưng sản phẩm bình dân này đã đem lại lợi nhuận nghìn tỷ cho Acecook. Ảnh minh hoạ.

Theo số liệu thống kê của Acecook, tính đến cuối năm 2019, doanh thu Acecook Việt Nam đạt 10.648 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 1.660 tỷ đồng. Xét về cả doanh thu và lợi nhuận, Acecook đang đứng thứ hai thị trường, chỉ sau một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nội địa và tăng đều qua các năm.

Tuy nhiên, đang trên đà phát triển, mới đây, Acecook đã vướng phải sự cố ảnh hưởng tới thương hiệu khi trang chủ Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) đưa ra thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền do có chứa chất Ethylene Oxide, một chất có trong thành phần thuốc trừ sâu. Trong số những dòng sản phẩm bị FSAI thu hồi, có hai sản phẩm do Acecook Việt Nam sản xuất, gồm mì Hảo Hảo vị tôm chua cay (loại 77g – hạn sử dụng tới ngày 24/9/2022) và miến Good hương vị sườn heo (loại 56g – hạn sử dụng tới ngày 10/11/2022).

Thông báo chính thức của FSAI nêu rõ, một số lô sản phẩm mì ăn liền đang bị thu hồi do có chứa chất Ethylene Oxide, một chất có trong thành phần thuốc trừ sâu, không được phép sử dụng trong thực phẩm bán ở EU. Mặc dù việc tiêu thụ sản phẩm có chứa các chất gây ô nhiễm không gây nguy hiểm cấp tính đến sức khỏe, nhưng có thể ảnh hưởng nếu sử dụng trong thời gian dài. Do đó, cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với chất này. Thông báo thu hồi sẽ được hiển thị trong các cửa hàng cung cấp sản phẩm liên quan.

Trước sự việc này, đại diện Acecook đã có phản hồi với báo chí khẳng định số sản phẩm bị thu hồi là sản phẩm xuất khẩu, không cùng lô hàng sản xuất với sản phẩm nội địa tại Việt Nam. Công ty Acecook Việt Nam không sử dụng công nghệ Ethylene Oxide ở bất kỳ công đoạn sản xuất nào.

Công ty đang tiến hành phân tích, kiểm tra và điều tra trên diện rộng ở các nguyên liệu, thiết bị, quy trình liên quan để nhận định nguyên nhân và biện pháp xử lý kịp thời, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Đồng thời, công ty cũng làm việc với các nhà cung cấp nguyên liệu và họ khẳng định không sử dụng Ethylene Oxide trong quy trình sản xuất.

Các chuyên gia về an toàn vệ sinh thực phẩm Châu Âu nhận định, Ethylene Oxide được xếp nhóm sản phẩm thuốc trừ sâu, bị cấm dùng trong thực phẩm bán ra do có thể ảnh hưởng tới sức khỏe nếu sử dụng trong thời gian dài.

Thực tế cho thấy, đây không phải lần đầu tiên sản phẩm của Acecook bị thu hồi tại thị trường quốc tế. Thời điểm cuối năm 2020, tờ Yonhap News của Hàn Quốc đã đăng tải thông tin cho hay một lô phở bò Peacock của Acecook Việt Nam đã bị thu hồi tại chuỗi siêu thị địa phương Emart.

Sản phẩm phở bò Peacock được Cục An toàn thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (KFDA) xác định có chất Benzo(a)pyrene nguy cơ gây ung thư và cho phép cơ quan có thẩm quyền thu hồi sản phẩm này.

Tại thời điểm đó, đại diện Acecook cho biết, việc một số sản phẩm công ty bị thu hồi đến từ sự chủ động của chuỗi siêu thị Emart, khi doanh nghiệp chưa nhận được thông báo chính thức từ KFDA.

Acecook Việt Nam đã hoàn tất việc điều tra nguyên nhân. Chất Benzo(a)pyrene không được phát hiện trong mọi công đoạn sản xuất sản phẩm tại Acecook Việt Nam. Thay vào đó, Benzo(a)pyrene được tìm thấy ở một loại nguyên liệu gia vị thô, được sử dụng trong gói dầu của sản phẩm phở Peacock.

Acecook Việt Nam sau đó cũng kiểm tra các sản phẩm đang lưu hành tại nội địa thông qua công ty giám định độc lập quốc tế - SGS Việt Nam.

Trong một diễn biến liên quan đến sản phẩm mì Hảo Hảo, Bộ Công Thương đã vào cuộc, yêu cầu các đơn vị chức năng phối hợp rà soát toàn bộ danh mục sản phẩm do CTCP Acecook Việt Nam hiện đang phân phối trong nước.

Luật an toàn thực phẩm Việt Nam quy định, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

Theo Hiệp hội mì ăn liền thế giới (WINA), giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam đang xếp thứ ba thế giới về mức độ tiêu thụ mì gói. Hơn 7 tỷ gói mì ăn liền đã được người Việt tiêu thụ trong năm 2020, con số này tăng đáng kể so với 5,4 tỷ gói mì năm 2019. Hiện nay, có 50 công ty sản xuất mì ăn liền trong nước, trong đó bao gồm cả các thương hiệu ngoại, nhóm 4 doanh nghiệp đứng đầu thị trường có tên Acecook Việt Nam. Nhóm "big 4" này chiếm gần 88% về sản lượng và 84% doanh thu thị trường mì ăn liền trong 9 tháng đầu năm 2020.

Trong một diễn biến khác, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) đề nghị xác minh, làm rõ việc mì tôm Hảo Hảo và miến Good chứa chất cấm. Theo Cục này, quy định tại Khoản 2 Điều 64 Luật an toàn thực phẩm, sản phẩm nêu trên thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương. Do đó, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn số 1639/ATTP-NĐTT ngày 27/8/2021 đề nghị Vụ Khoa học và Công nghệ xác minh, làm rõ thông tin phản ánh của báo và kịp thời thông tin tới người tiêu dùng.

Diệu Hương (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Phân phối mì Hảo Hảo đến gần 50 quốc gia, Acecook Việt Nam kiếm bội tiền ra sao?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Hơn 100 doanh nghiệp tham gia triển lãm Thang máy Quốc tế 2024
Triển lãm Thang máy Quốc tế Việt Nam 2024 diễn ra từ ngày 14-16/11 với nhiều hoạt động hoạt động như: Lễ khai mạc; phiên bình chọn sản phẩm xuất sắc; thảo luận mở trong “Hội nghị kết nối sản phẩm và công nghệ thang máy”…
Doanh nghiệp rất khó để tiếp cận các nguồn vốn xanh
Đại biểu Quốc hội cho biết, thực tiễn thì còn rất nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực cần chuyển từ nâu sang xanh trong bối cảnh chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai và biến đổi khí hậu thì lại có rất ít thông tin và rất khó để tiếp cận các nguồn vốn xanh.

Tin mới