Ô nhiễm bụi mịn ngày càng nghiêm trọng: Đâu là giải pháp?
Hà Nội và các tỉnh miền Bắc Bắc đang vào mùa ô nhiễm không khí nhất năm, thường diễn ra từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau với nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng đã diễn ra.
Kết quả đo trong tháng 11 và đầu tháng 12/2020 tại các trạm quan trắc không khí tự động liên tục ở một số đô thị miền Bắc, Trung, Nam cho thấy thông số bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ tại Hà Nội và TP.HCM hầu hết đều cao hơn các đô thị khác.
Tại Hà Nội, có 11/41 ngày thông số bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ vượt quá giới hạn. Đánh giá chất lượng không khí theo chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội cho thấy khá nhiều ngày có chất lượng không khí ở mức kém, đặc biệt tập trung nhiều trong khoảng một tuần vừa qua.
Cụ thể, tại các khu vực trong nội thành Hà Nội từ đầu tháng 11 đến nay, giá trị thông số bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ tại nhiều trạm quan trắc không khí tự động trong khu vực nội thành khá cao, tập trung thành những đợt ô nhiễm.
Theo Tổng cục Môi trường, nguyên nhân được lý giải do quy luật diễn biến chất lượng không khí hằng năm, tại khu vực miền Bắc, ô nhiễm không khí tăng cao vào các tháng mùa đông, nhất là vào ban đêm và sáng sớm. Nguyên nhân: Có sự kết hợp của các yếu tố như lặng gió, nghịch nhiệt, đối lưu khí quyển thấp làm cho các chất ô nhiễm không thể phát tán lên cao hoặc đi xa.
Bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội, TP.HCM có xu hướng cao hơn các đô thị khác. (Ảnh minh họa: Internet) |
Ô nhiễm chủ yếu là do bụi mịn PM2.5
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội cũng như ở các tỉnh miền Bắc được cơ quan chức năng xác định chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM2.5 – loại bụi có đường kính động học nhỏ hơn hoặc bằng 2.5 micromet.
Vì kích thước siêu nhỏ, loại bụi này có khả năng lắng đọng, thẩm thấu và đi sâu vào tận các phế nang trong phổi và đi trực tiếp vào máu. Nhiều nghiên cứu cho thấy, bụi PM2.5 tăng nguy cơ mắc hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), viêm phổi, các chứng bệnh hô hấp, tim mạch, tiểu đường và ung thư phổi. Vì lẽ đó, giới chuyên gia gọi PM2.5 là “sát thủ”, là “tử thần” trong không khí, khiến ô nhiễm không khí trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu với khoảng 7 triệu người tử vong sớm mỗi năm, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới.
Các nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa việc tiếp xúc với các hạt mịn và tử vong sớm do bệnh tim và phổi. Bụi mịn cũng được biết là gây ra hoặc làm nặng thêm bệnh mãn tính như hen suyễn, viêm phế quản và các vấn đề hô hấp khác.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cho thấy rằng việc tiếp xúc lâu dài với PM 2.5 có thể dẫn đến sự lắng đọng mảng bám trong động mạch, gây viêm mạch máu và xơ cứng động mạch cuối cùng có thể dẫn đến đau tim và đột quỵ.
Ngoài ra, các nhà khoa học đã chứng minh được mối liên quan giữa bụi mịn và dị tật bẩm sinh ở bà bầu.
Trẻ em, người lớn tuổi và nhóm người có bệnh tim phổi cần có biện pháp phòng ngừa đặc biệt khi chỉ số PM 2.5 xung quanh vượt qua mức không lành mạnh.
Trao đổi với báo Người Lao Động, PGS-TS Trần Hồng Côn, nguyên giảng viên Khoa Hóa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) cho biết, bụi mịn PM2.5 tồn tại nhiều ở môi trường bên ngoài, trong khi đó con người hoạt động ở môi trường bên ngoài khá nhiều. Bụi mịn PM2.5 chủ yếu sinh ra từ khí thải từ phương tiện giao thông, khói nhà máy xí nghiệp, công trình xây dựng, đốt rác, đốt rơm rạ... Trong thành phố, mật độ giao thông cao, nhà cao tầng dày đặc chắn gió nên gây ra hiện tượng như "sương mù" ở Hà Nội.
Kiểm soát nguồn thải chưa được quan tâm đúng mức
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cho rằng các thành phố lớn cần tập trung giải quyết bằng giải pháp tổng thể trên các lĩnh vực giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp và sinh hoạt cộng đồng.
Trước mắt, ông Phạm Ngọc Đăng nhấn mạnh cần xác định rõ các nguồn phát thải, từ đó làm cơ sở cho quy hoạch phát triển và quản lý đô thị, cũng như các giải pháp giảm ô nhiễm. Cần cải tạo hạ tầng giao thông, vệ sinh đường phố sạch sẽ, tân trang không gian vỉa hè, kiểm soát khí thải các phương tiện lưu thông trên đường phố. Bên cạnh đó, phát triển phương tiện công cộng để hạn chế xe cá nhân.
Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nhắc đến giải pháp quan trọng khác là trồng nhiều cây xanh trong đô thị và ông đánh giá thời gian qua, Hà Nội đã trồng thêm được khá nhiều cây xanh, điều này rất có lợi cho môi trường. Các cụm công nghiệp, khu công nghiệp phải có hệ thống xử lý khí thải, khuyến khích dùng công nghệ thân thiện với môi trường, sớm chuyển các nhà máy sản xuất ra khỏi nội đô.
Năm 2019, khi tình trạng ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng xảy ra tại Hà Nội cũng như các tỉnh phía Bắc, Hà Nội đã có chỉ thị về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn.
Các ngày chất lượng không khí ở mức kém trở lên, cần phải áp dụng ngay các biện pháp như tăng cường tần suất sử dụng xe hút bụi, hút rác, xe tưới nước rửa đường, yêu cầu tất cả các xe tải trọng từ 1,5 tấn trở lên chỉ được đi vào thành phố từ vành đai 3 trở vào từ 22h đến 6h sáng hôm sau.
Tuyên truyền, vận động người dân không đốt rác thải tự phát, đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch vụ mùa, không sử dụng bếp than tổ ong, nhiên liệu than cấp thấp. Hạn chế việc đốt hương, vàng mã... Chỉ thị cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tất cả các trường hợp để vật liệu, phế thải xây dựng không đúng quy chuẩn, rơi vãi ra đường gây mất vệ sinh môi trường.
Tuy nhiên, chỉ thị này đang có dấu hiệu đi vào lãng quên. Hà Nội đang trong đợt ô nhiễm rất nặng, nhưng các giải pháp kể trên chưa thấy được nhắc tới đang triển khai ra sao.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, tại Việt Nam, ô nhiễm không khí chưa được quan tâm đúng mức, dù thiệt hại sức khỏe con người và kinh tế là rất lớn. “Vấn đề kiểm soát các nguồn thải chưa được quan tâm đúng mức khiến các giải pháp căn cơ chưa có nhiều chuyển biến thời gian qua”, ông Tùng nói. Ông cho rằng, các giải pháp tình thế hay lâu dài đã được chỉ ra từ lâu, vấn đề nằm ở chỗ cơ quan chức năng sẽ hành động như thế nào.
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường