0915 15 67 76 [email protected]
Thứ sáu, 21/01/2022 15:17 (GMT+7)

Những phong tục không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền của người Việt

Tết Nguyên đán là dịp mọi người trở về quê sum họp, hỏi thăm nhau sau một năm dài xa nhà. Trong ngày Tết cổ truyền này có những phong tục tập quán đã được lưu truyền từ xa xưa cho đến tận bây giờ và dần trở thành nét đẹp trong văn hóa ngày Tết.

Tết Nguyên Đán là ngày lễ quan trọng đối với mỗi người dân Việt Nam, trong dịp này có rất nhiều phong tục truyền thống có ý nghĩa sâu sắc của người Việt diễn ra nhằm cầu mong một năm mới an lành, may mắn, an khang, thịnh vượng.

Dọn nhà

Vào những ngày giáp Tết người Việt Nam thường có thói quen dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, vứt bỏ những thứ đồ cũ không dùng đến trong năm cũ, sắm sửa những cái mới với ý nghĩa mong một năm mới tất cả những điều không tốt của năm cũ đều được xóa bỏ, đón chào những cái mới, cái may mắn trong một năm sắp đến.

tm-img-alt

Cúng ông Công, ông Táo, tỏ lòng hiếu kính với tổ tiên

Theo truyền thống, ngày 23 tháng Chạp âm lịch là ngày ông Công, ông Táo lên thiên đình để báo cáo mọi việc trong nhà của gia chủ với Ngọc Hoàng.

Chính vì vậy, tới ngày này các gia đình Việt Nam sẽ dọn dẹp nhà bếp sạch sẽ, mua cá vàng về cúng để tiễn ông Công, ông Táo về trời.

Cũng trong những ngày cận Tết, người người nhà nhà đều chăm chút, sắp dọn bàn thờ là cách để con cháu bày tỏ lòng hiếu kính với tổ tiên, ông bà. Mỗi gia đình tuy có một cách bài trí và sắp đặt bàn thờ khác nhau nhưng tựu chung đều là nơi tưởng nhớ đến những người đã khuất.

Lễ vật dâng cúng ngày Tết thường là cặp bánh chưng xanh, mâm ngũ quả, lọ hoa tươi, hộp bánh, chai rượu… Ngoài ra còn có hai cây mía đặt ở hai bên bàn thờ, với ý nghĩa để các cụ chống gậy về với con cháu, dẫn linh hồn tổ tiên từ trên trời về hạ giới…

tm-img-alt

Đây chính là nét văn hóa truyền thống góp phần bảo tồn di sản tinh thần và đạo đức trong đời sống con người lưu truyền từ ngàn xưa.

Gói bánh chưng, bánh tét

Bánh chưng, bánh tét là một phần không thể thiếu trong nét đẹp văn hóa của người Việt, hàng năm cứ vào ngày Tết khoảng từ ngày 27, 28, 29 Tết mọi gia đình lại ngồi quây quần bên nhau gói những chiếc bánh chưng bánh tét.

tm-img-alt

Ở miền Nam thì có bánh tét, bánh có hình trụ, miền Bắc thì có bánh chưng hình vuông, tuy hình dáng có khác nhau nhưng nguyên liệu thì hoàn toàn giống nhau, lúa gạo là nguyên liệu chính của bánh, bánh tượng trưng cho nền văn hóa lúa nước lâu đời của người Việt.

Truyền thống này có từ thời vua Hùng và cho đến nay là điều không thể thay đổi được trong nét đẹp văn hóa những ngày Tết, gia đình nào cũng phải gói cho mình vài chục chiếc bánh để thờ cúng tổ tiên, tặng bạn bè, người thân hay ăn vào dịp Tết. Lúc gói bánh chưng chính là lúc nhớ về nguồn cội của mình, mọi người có thêm thời gian quây quần bên nhau, kể chuyện về một năm cũ đã qua và hy vọng về một năm mới vuông vức tràn đầy, những chiếc bánh bánh tét càng tròn, bánh chưng càng vuông thì năm mới càng đầy đủ, sung túc, thành công.

Xuất hành và hái lộc

Dân gian xưa cho rằng, trong đêm giao thừa hay ngày đầu tiên của năm mới, người chủ gia đình cần “xuất hành”, tức là đi ra khỏi nhà, để đi tìm may mắn cho mình và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải xem ngày, giờ và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần, hỉ thần…

Không những vậy, nếu xuất hành ra chùa hay đền, sau khi lễ bái, người Việt còn có tục bẻ lấy một “cành lộc” để mang về nhà lấy may, lấy phước, gọi là tục “hái lộc”. Cành lộc này có thể là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành si… là những loại cây quanh năm tươi tốt và nẩy lộc.

tm-img-alt

Tục hái lộc ở các nơi đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới. Cành lộc thường đem về cắm ở bàn thờ. Khác với miền Bắc, miền Trung không có tục hái lộc đầu năm.

Xông đất đầu năm

Xông đất hay còn gọi là đạp đất, xông nhà là phong tục truyền thống của người Việt Nam trong dịp Tết Nguyên Đán cổ truyền để cầu mong những điều may mắn, mọi điều thuận lợi cho các thành viên trong gia đình.

Theo quan niệm truyền thống, người nào bước vào nhà gia chủ đầu tiên sau thời điểm giao thừa với lời chúc mừng năm mới thì đó là người xông đất. Gia chủ thường chọn người xông đất là nam giới, hợp tuổi, thành đạt, gia đình hạnh phúc, tốt tính… với quan niệm rằng trong ngày mùng 1 Tết nếu được người có vận khí tốt đến xông nhà thì cả năm mọi việc sẽ may mắn, suôn sẻ.

Khai bút và xin chữ đầu xuân

Từ lâu, khai bút đầu xuân đã được duy trì như một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Trước đây thường chỉ có những ông đồ, thầy đồ, học sĩ… mới thực hiện nghi thức khai bút. Sau lễ cúng giao thừa, họ sẽ đốt lư trầm bên bàn viết và cầm cây bút thảo những câu đối hay, những chữ có ý nghĩa lên giấy đỏ hoặc giấy hoa tiên.

tm-img-alt

Khai bút đầu xuân có thể là dòng chữ ghi họ tên, tuổi, quê quán của người cầm bút hoặc một vài câu thơ được sáng tác ngẫu hứng...

Ngày nay, tuy không còn phổ biến như xưa nhưng nhiều gia đình, nhất là các học sinh, giới văn sĩ, thi sĩ, người làm nghề viết lách… phong tục này vẫn rất được coi trọng. Bởi nó không chỉ tượng trưng cho sự khởi đầu một sự nghiệp, sự học mà còn gửi gắm rất nhiều tâm tư, nguyện vọng về một năm mới suôn sẻ, hạnh phúc và thành công.

Ngoài phong tục khai bút đầu năm, người Việt còn có một phong tục khác cũng đề cao tinh thần quý chữ. Đó là phong tục Xin chữ đầu năm.

Tục xin chữ đầu năm đã trở thành phong tục và nét văn hóa mỗi độ xuân về. Đầu năm thường gắn với việc cầu xin những điềm lành, việc lành trong ao ước của con người qua những cuộc hành hương về nơi linh thiêng nhất.

Ngày xưa là xin chữ Nho, ngày nay vẫn là chữ Nho, lại có thêm cả chữ Quốc ngữ, với lợi thế thông dụng, dễ đọc, dễ hiểu. Các thầy đồ Hán học và Quốc ngữ học tha hồ thả hồn theo nét bút mà tặng lại cho người xin cái tâm, cái tài của mình được gửi qua nét chữ và nội dung của chữ theo ước nguyện của người xin.

Việc xin chữ đầu năm ngày một thịnh hành, nó đang trở thành phong tục đẹp của người Việt Nam mỗi độ xuân về Tết đến, từ Nam chí Bắc.

Lì xì mừng tuổi

Ngày Tết, người lớn thường tặng trẻ em một khoản tiền nho nhỏ, bỏ trong một bao giấy đỏ, gọi là “lì xì” với những lời chúc mừng ăn no, chóng lớn hay tượng trưng cho may mắn và tài lộc.

tm-img-alt

Theo tích cổ Trung Quốc thì trong “hồng bao” có 8 đồng tiền (là Bát Tiên hoá thân) được đặt dưới gối đứa trẻ để xua đuổi quỷ đến quấy nhiễu.
Theo tục lệ ở một số địa phương thì người nhỏ tuổi không mừng tuổi người lớn hơn, vì vừa không đúng ý nghĩa, vừa bị cho là "hỗn".

Tuy nhiên, ngày nay, tục mừng tuổi đã cởi mở hơn, đặc biệt những người nhỏ tuổi nhưng đã lập gia đình, đã có thu nhập thì có thể mừng tuổi cho những bậc cao niên như cha mẹ, ông bà, để chúc tụng may mắn, sức khỏe, bình an.
Sáng sớm mồng một Tết hay ngày "Chính đán", mọi sinh hoạt ngừng lại, các con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ tổ tiên chúc Tết ông bà, cô chú bác... và mừng tuổi lẫn nhau.

Bạn đang đọc bài viết Những phong tục không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền của người Việt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023
GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.