0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ ba, 15/08/2023 15:09 (GMT+7)

NHNN yêu cầu các TCTD giảm thêm lãi vay để hỗ trợ doanh nghiệp "vượt khó"

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản số 6385/NHNN-CSTT gửi các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất.

Đề xuất giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN yêu cầu các TCTD giảm lãi suất cho vay đối với đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

NHNN cũng yêu cầu các TCTD báo cáo cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới trước ngày 25/8.

Đồng thời, các TCTD phải báo cáo kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới gửi NHNN trước ngày 8/1/2024.

NHNN yêu cầu các TCTD giảm thêm lãi vay để hỗ trợ doanh nghiệp "vượt khó" - Ảnh 1
NHNN yêu cầu các TCTD giảm thêm lãi vay để hỗ trợ doanh nghiệp "vượt khó". (Ảnh minh họa)

NHNN cố gắng đồng hành cùng doanh nghiệp

Báo cáo tại Hội nghị "Giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế", Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: Chưa bao giờ NHNN điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh "rất đặc biệt" như thời gian giữa năm 2022 đến nay, nhất là những tháng đầu năm. Chịu tác động rất nhiều từ tình hình nội tại cũng như bối cảnh kinh tế thế giới.

Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ, NHNN "quần quật" điều hành trong những tháng vừa qua, "lăn lộn", đồng hành cùng doanh nghiệp, kết hợp hài hòa cả lý luận và thực tiễn để điều hành kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách tiền tệ. Kết quả nổi bật là giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát,…

Ông Tú diễn giải "mộc mạc", vẫn cơ chế điều hành tiền tệ như thời gian qua, vẫn con người, bộ máy làm tín dụng như thế, việc huy động vốn vẫn đặt ra thường xuyên,… các điều kiện về phía chủ quan ngành ngân hàng cơ bản không có thay đổi gây khó khăn cho việc tiếp cận tín dụng. Do đó cần phải nhìn nhận rất rõ các yếu tố chủ quan cả về phía ngân hàng, doanh nghiệp để có giải pháp khắc phục.

Nhiều ngân hàng cũng đã công bố giảm lãi suất cho vay

Ngày 15/8, Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) cho biết vừa triển khai gói vay ưu đãi giảm lãi suất đến 2 điểm % với quy mô 1.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ. Với mức lãi suất chỉ từ 8,5%/năm, ngân hàng kỳ vọng là tín hiệu tích cực để doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn bổ sung cho hoạt động sản xuất kinh doanh, chuẩn bị bước vào mùa cao điểm những tháng cuối năm.

Theo đó, từ nay đến 31-12, khách hàng doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ vay ngắn hạn, trung và dài hạn tại BVBank sẽ được áp dụng mức lãi suất từ 8,5%/năm, trong đó có chính sách ưu đãi lãi suất cho vay với các dự án sản xuất - kinh doanh thân thiện với môi trường.

Mới đây, một gói vay 7.000 tỷ kích cầu tiêu dùng với lãi suất ưu đãi từ 8,8%/năm, giảm đến 2 điểm % cho khách hàng cá nhân cũng được BVBank tung ra. Ngân hàng cho biết thủ tục vay linh hoạt, thời gian duyệt hồ sơ nhanh chóng để khách hàng bổ sung vốn đầu tư trang thiết bị, đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, mua nhà đất - sửa chữa nhà, hoặc kích cầu tiêu dùng cá nhân những tháng cuối năm. Chương trình áp dụng đối với các khoản vay từ 6 tháng trở lên, số tiền vay lên đến 5 tỉ đồng và có tài sản thế chấp là bất động sản.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng triển khai gói tín dụng 30.000 tỉ đồng cho khách hàng cá nhân, nhằm tiếp sức, kích thích hoạt động sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng phục vụ đời sống từ nay đến cuối năm 2023.

Theo đó, Sacombank dành 20.000 tỉ đồng cho khách hàng vay vốn mục đích phục vụ sản xuất kinh doanh ngắn hạn (bao gồm sản xuất nông nghiệp) với mức lãi suất thấp từ 7,5%/năm.

Đối với nhu cầu vay phục vụ đời sống, Sacombank dành 10.000 tỉ đồng cho khách hàng vay vốn mua, xây, sửa bất động sản và nhiều mục đích tiêu dùng khác nhau với mức lãi suất từ 9%/năm.

Đặc biệt, đối với khách hàng lần đầu tiên mua nhà để ở thỏa điều kiện, mức lãi suất từ 8%/năm. Ưu điểm của gói tín dụng này là đáp ứng được 100% nhu cầu vốn của khách hàng, thời gian vay linh hoạt, có thể kéo dài tối đa lên đến 30 năm.

Không chỉ giảm lãi suất gói tín dụng mới, một số ngân hàng cũng tiếp tục giảm lãi suất đối với các khoản vay hiện hữu. Như Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) thông báo giảm thêm 2 điểm % lãi suất vay thế chấp dành cho khách hàng cá nhân. Đây là lần điều chỉnh giảm lãi suất thứ 4 của MSB kể từ đầu năm 2023.

Chương trình được MSB áp dụng đến hết 31-12 đối với khách hàng cá nhân có nhu cầu vay thế chấp mục đích mua nhà, xây sửa nhà, tiêu dùng mua sắm trang thiết bị gia đình, du học, chi trả học phí… Khách hàng sẽ được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ 8,99%/ năm, thời gian vay lên tới 35 năm và ân hạn gốc lên tới 24 tháng.

Trước đó, MSB cũng triển khai hai chính sách giảm lãi suất cho vay với khách hàng hiện hữu, tổng mức lãi suất được giảm theo 2 chương trình là 1,5 điểm % so với lãi suất hiện hành. Trong tháng 7 vừa qua, MSB đã giảm lãi suất cơ sở cho vay đến 1% với khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo các ngân hàng, việc điều chỉnh giảm lãi suất nhằm hưởng ứng chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, với mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế và doanh nghiệp.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết NHNN yêu cầu các TCTD giảm thêm lãi vay để hỗ trợ doanh nghiệp "vượt khó". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Các ngân hàng đặt mục tiêu cao trong năm 2024
Vừa qua, một số ngân hàng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) với nhiều kế hoạch đáng chú ý liên quan đến việc tái cơ cấu, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng vốn điều lệ.

Tin mới