Nhiều quốc gia đứng trước nguy cơ GDP 'tụt dốc' do biến đổi khí hậu
Tổ chức phi chính phủ Christian Aid cảnh báo biến đổi khí hậu có thể dẫn đến sự “sụp đổ kinh tế” đối với nhiều nước, 65 quốc gia sẽ ghi nhận GDP giảm trung bình 20% vào năm 2050 và giảm 64% vào năm 2100 nếu mức tăng nhiệt của Trái Đất lên tới 29 độ C.
Ngày 8/11, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra ở Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh), tổ chức phi chính phủ Christian Aid (Anh) đã công bố báo cáo nghiên cứu về biến đổi khí hậu tác động lên nền kinh tế.
Theo báo cáo, 65 quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới sẽ ghi nhận mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm trung bình 20% vào năm 2050 và giảm 64% vào năm 2100 nếu mức tăng nhiệt của Trái Đất lên tới 2,9 độ C.
Tuy nhiên, nếu như giữ được nhiệt độ của Trái đất chỉ tăng 1,5°C như mục tiêu tham vọng nhất đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, thì tăng trưởng GDP của các nước này sẽ giảm 12% vào năm 2050 và giảm 33% vào cuối thế kỷ XXI.
Đến nay, nhiệt độ bề mặt của Trái Đất đã tăng 1,1 độ C so với mức vào cuối thế kỷ XIX.
Báo cáo của Christian Aid cũng cho thấy hơn 1/3 các nước trên thế giới cần được gấp rút hỗ trợ xây dựng năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu nếu nền kinh tế các nước này phải đương đầu với các đợt nắng nóng, hạn hán, bão lũ vốn ngày càng trở nên khốc liệt hơn và gây chết nhiều người hơn do sự ấm lên của Trái Đất.
Trong số 10 quốc gia bị ảnh hưởng nhất có 8 quốc gia ở châu Phi và 2 nước ở Nam Mỹ. Toàn bộ 10 nước này có nguy cơ GDP giảm hơn 70% vào năm 2100 và giảm 40% ngay cả khi nhiệt độ toàn cầu được kiềm chế ở mức nhiệt 1,5 độ C.
Đặc biệt, đáng lo ngại hơn cả, là nền kinh tế của 6 trong số 10 quốc gia bị tác động nhiều nhất có nguy cơ sụp đổ. Biến đổi khí hậu có thể cướp đi 80% thu nhập bình quân đầu người từ nay cho đến cuối thế kỷ XXI tại các nước này.
Sudan là quốc gia có nguy cơ giảm GDP nhiều nhất với dự báo đến năm 2050, sẽ giảm đi từ 22 - 34 % so với hiện tại và 51 - 84% vào năm 2100 tùy theo yếu tố thời tiết.
Bên cạnh đó, các đảo quốc nhỏ sẽ đặc biệt dễ bị tổn thương trong bối cảnh số cơn bão gia tăng do mực nước biển dâng.
Trưởng nhóm nghiên cứu, bà Marina Andrijevic của Đại học Humboldt ở Berlin (Đức) nói: "Khả năng phát triển bền vững của các nước thuộc khu vực phía Nam bán cầu bị tổn hại nghiêm trọng. Những lựa chọn chính sách mà chúng ta đưa ra hiện đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn gây thiệt hại hơn nữa.".
Báo cáo trên không đề cập tới các biện pháp ứng phó, có thể giảm bớt những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Hiện nay, các nước giàu vẫn cam kết hỗ trợ tài chính ở mức khiêm tốn nhất nhằm giúp các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu.