Nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội năm 2020
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Chương trình số 136/CTr-UBND, triển khai xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội năm 2020.
Theo đó, cùng với các nhiệm vụ trọng tâm, UBND thành phố cũng triển khai các nhiệm vụ cụ thể xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội năm 2020. Trong đó, lĩnh vực xúc tiến đầu tư: Bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố giai đoạn 2016 - 2020; thu hút đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ khu đô thị, nhà ở), hạ tầng thương mại và các dịch vụ đồng bộ, tập trung vào ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường và tiêu hao ít năng lượng.
Sàng lọc những ngành nghề cần chủ động ưu tiên xúc tiến đầu tư nhất và FDI mang lại nhiều giá trị gia tăng nhất trong thời gian tới như: Chế tạo chế biến, dịch vụ, Logistics, nông nghiệp, du lịch, giáo dục, y tế, những ngành then chốt khác như các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp bảo quản chế biến, công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ mới, năng lượng sạch, dịch vụ đạt chuẩn quốc tế…
Nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội năm 2020
Lĩnh vực xúc tiến thương mại, tiếp tục triển khai đi vào chiều sâu Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để tạo điều kiện cho hàng Việt Nam phát triển rộng khắp, đứng vững tại thị trường trong nước; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại có tính liên kết vùng, kết nối cung - cầu; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến kết nối các sản phẩm nông, lâm, thủy sản theo mô hình chuỗi; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản; tập trung khuyến khích, kêu gọi các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm nông sản an toàn.
Tăng cường và đổi mới công tác thông tin thị trường, định kỳ nghiên cứu, đánh giá thị trường, trong đó đưa ra những thông tin, dự báo và đánh giá về tinh hình cung cầu, giá cả, thị trường của một số sản phẩm xuất khẩu chính để doanh nghiệp có thông tin định hướng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đối với hoạt động xúc tiến xuất khẩu, triển khai hoạt động xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tiến trình hội nhập và các FTA; nghiên cứu tư vấn cho các doanh nghiệp trong nước vượt qua các rào cản ở các nước nhập khẩu; chú trọng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại có quy mô lớn, mang tính định hướng, dẫn dắt thị trường; tăng cường hoạt động xúc tiến hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp cận, chuyển giao công nghệ tiên tiến; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế tại Việt Nam…
Lĩnh vực xúc tiến du lịch: Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch Hà Nội trên mạng internet, các mạng truyền hình nổi tiếng của nước ngoài, ứng dụng trên điện thoại thông minh, mạng xã hội; từng bước xây dựng hệ thống ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước về du lịch; triển khai hệ thống du lịch thông minh. Xây dựng và thực hiện tốt chương trình marketing, tổ chức xúc tiến sản phẩm và điểm đến du lịch, xem đây là kênh giới thiệu sản phẩm du lịch đến với du khách; theo đó, đẩy mạnh triển khai bộ nhận diện thương hiệu điểm đến du lịch Hà Nội, phát huy thế mạnh thương hiệu du lịch Thủ đô Hà Nội - điểm đến du lịch nổi bật của Việt Nam và khu vực.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến tại các thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam, du lịch Hà Nội và các hội chợ du lịch lớn trên thế giới: Nhật Bản, Khu vực châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á; mở rộng các phương thức tiếp thị mới để thu hút khách du lịch đi theo dạng kinh doanh và du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo và triển lãm)…
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm