Nhà máy Ethanol Bình Phước lỗ nghìn tỷ: Lộ loạt sai phạm của PVOIL
Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tập thể có liên quan để xử lý theo quy định.
Không hoạt động cũng mất hơn 1.000 tỷ đồng
Dự án nhà máy ethanol Bình Phước do Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) phối hợp với Tập đoàn ITOCHU (Nhật Bản) đầu tư. Với tổng mức đầu tư 80,6 triệu USD (khoảng 1.500 tỉ đồng), sau điều chỉnh tăng lên 84,5 triệu USD (khoảng 1.600 tỉ đồng).
Để thực hiện dự án, liên doanh PVOIL và ITOCHU đã lập Công ty TNHH nhiên liệu sinh học Phương Đông (Công ty OBF).
PVOil ban đầu nắm 51% vốn điều lệ nhưng trước khi dự án khởi công giảm còn 29%, chuyển nhượng phần vốn còn lại cho Licogi 16. Theo đó, tỷ lệ vốn góp vào Công ty OBF của PVOIL là 29%, ITOCHU là 45% và Licogi 16 là 22%.
Nhà máy ethanol Bình Phước được vận hành chạy thử vào cuối năm 2012, nhưng từ năm 2013 đến nay, nhà máy phải dừng hoạt động vì càng sản xuất càng lỗ khi giá nguyên liệu sắn đầu vào tăng cao, giá thành sản xuất ethanol, nhiên liệu E100 cao gấp đôi giá nhập khẩu trên thị trường.
Nhà máy ethanol Bình Phước
Theo chỉ đạo của Chính phủ, tháng 6/2017 PVOIL đã cố gắng vận hành lại nhà máy nhưng với giá sắn khoảng 6.100 đồng/kg trong khi giá nhiên liệu E100 khoảng 15.000 đồng/lít, Công ty OBF lỗ nặng khi sản xuất ethanol.
Thực tế, giá nhập khẩu nhiên liệu E100 tại TP HCM khoảng 12.800 đồng/lít, giá thành sản xuất nhiên liệu E100 của Nhà máy ethanol Bình Phước khoảng 32.000 đồng/lít. Càng sản xuất càng lỗ nên Công ty OBF buộc phải dừng vận hành nhà máy không thời hạn.
Theo kế hoạch, nhà máy ethanol Bình Phước sẽ trả hết nợ gốc và lãi vay vào năm 2020, sau 9 năm vận hành sản xuất. Nhưng việc dừng hoạt động nhà máy này từ năm 2013 đến nay khiến Công ty OBF thua lỗ nặng.
Tính đến cuối năm 2018, Nhà máy ethanol Bình Phước thua lỗ khoảng 1.280 tỉ đồng. Công ty OBF đã mất toàn bộ vốn chủ sở hữu khoảng 660 tỉ đồng, không có khả năng trả nợ gốc, lãi vay lên đến hơn 1.600 tỉ đồng.
Hé lộ loạt sai phạm của PVOIL
Sau kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị OBF kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân và xử lý theo quy định đối với nhiều tồn tại, sai sót.
Cụ thể, dự án thuộc nhóm A, nhưng chủ đầu tư không gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định thiết kế cơ sở của Bộ Công thương theo quy định; phê duyệt tổng mức đầu tư của dự án khi chưa được thẩm tra, thẩm định; hạng mục cấp nước, cấp điện cho nhà máy đã được một số đơn vị cam kết đầu tư, tuy nhiên chủ đầu tư vẫn đưa chi phí này vào tổng mức đầu tư và ký hợp đồng với đơn vị thực hiện làm tăng chi phí đầu tư của dự án.
Nghiệm thu hoàn thành 100% khối lượng công việc mua sắm của nhà thầu TTCL trong khi thực tế chưa hoàn thành; thanh toán cho nhà thầu TTCL Việt Nam vượt quy định Hợp đồng EPC số tiền gần 123.800 USD; ký chứng chỉ nghiệm thu Hệ thống thiết bị chính (trừ hệ thống xử lý nước thải) trong khi còn nhiều hạng mục còn tồn tại chưa được nhà thầu khắc phục, chưa được chủ đầu tư nghiệm thu.
Đến thời điểm kiểm toán (2019), Liên danh nhà thầu EPC vẫn chưa hoàn thành công trình, bảo lãnh thực hiện hợp đồng của nhà thầu đã hết hạn, nhưng OBF không yêu cầu nhà thầu gia hạn bảo lãnh thực hiện hợp đồng cho phần công việc chưa hoàn thành theo quy định hợp đồng. Ngoài ra, OBF cũng bị yêu cầu xem xét trách nhiệm với một số tồn tại, sai sót khác trong quản lý thực hiện đầu tư.
Một cuộc họp của PVOIL
Đặc biệt, PVOIL bị yêu cầu tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tập thể có liên quan để xử lý theo quy định, gồm: Tổng giám đốc PVOIL tổ chức lập và trình Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) thông qua chủ trương đầu tư không đúng thẩm quyền và không đáp ứng sự cần thiết phải đầu tư dự án.
Hội đồng thành viên PVOIL chấp thuận chủ trương đầu tư vốn nhà nước để thực hiện dự án mà không tổ chức thẩm định, dự án không đáp ứng sự cần thiết phải đầu tư, gây lãng phí nguồn vốn nhà nước đã đầu tư vào dự án.
PVOIL thực hiện thoái vốn tại công ty OBF trước khi lựa chọn nhà thầu EPC không đúng lộ trình tại Đề án thành lập Công ty OBF được PVN chấp thuận năm 2009.
PVOIL thực hiện các thủ tục thoái vốn cho Licogi 16 và chấp thuận chủ trương để ITOCHU thoái vốn cho TTNE còn một số tồn tại, thiếu sót. Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng PVOIL đã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát người đại diện phần vốn tại OBF trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư, để xảy ra nhiều tồn tại, sai sót.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm