0915 15 67 76 [email protected]
Thứ năm, 09/09/2021 07:38 (GMT+7)

Nguy cơ nợ xấu tăng đột biến, ngân hàng xoay sở ra sao để giữ lại lợi nhuận?

Chuyên gia dự báo, trong ngắn hạn, nợ xấu ngành ngân hàng sẽ tăng cao. Gia tăng thu nhập từ các hoạt động phi tín dụng, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thu nhập từ lãi và kỳ vọng nới room tín dụng là “điểm sáng” cho các tổ chức tín dụng lúc này.

Nợ xấu tăng đột biến sẽ ăn mòn lợi nhuận

Trong bối cảnh, cả nền kinh tế chao đảo do sự bùng phát mạnh mẽ của dịch Covid-19, doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực bị tác động trực tiếp, kinh doanh thua lỗ, hàng nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường nhưng ngành ngân hàng vẫn báo lãi lớn trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngành ngân hàng cũng đã “thấm đòn” trước đại dịch, bức tranh lợi nhuận khủng trên thực tế ảm đạm hơn rất nhiều, áp lực đang bủa vây các ngân hàng.

tm-img-alt
Dự báo lợi nhuận của các ngân hàng vẫn sẽ tăng nhưng không đạt mức tăng kỷ lục như nửa đầu năm 2021. 

Theo số liệu quý II/2021 của các ngân hàng, hơn nửa số ngân hàng đều ghi nhận số dư nợ quá hạn tăng cao so với cuối năm 2020, đặc biệt là nợ xấu nhóm 4 và 5 (nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn). Tính đến thời điểm 30/6/2021, một số ngân hàng có quy mô nhỏ có nợ nhóm 4,5 tăng khá cao như: Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) nợ nhóm 5 tăng 29%; Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) nợ nhóm 5 tăng 31%; Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) nợ nhóm 5 tăng 40% hay Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) nợ xấu nhóm 5 cũng tăng tới 100%; Ngân hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex (PGBank) nợ nhóm 4 tăng 100%...

Báo cáo nhóm phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2021 và 2022 phần nào phụ thuộc vào khả năng thu hồi nợ từ những khoản nợ vay tái cơ cấu. Nếu những khoản nợ này trở thành nợ xấu, các ngân hàng – đặc biệt là những ngân hàng có tỷ lệ LLR thấp – sẽ phải tăng thêm dự phòng, từ đó làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng.

Hiện các tỉnh, thành phố đang bị ảnh hưởng dịch Covid-19 chiếm tới khoảng 70%-80% dư nợ của toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam, khiến cho số nợ quá hạn và nợ xấu phát sinh chỉ riêng trong khoảng thời gian từ ngày 18/5/2021 đến thời điểm dự thảo sửa đổi Thông tư 01 có hiệu lực là rất lớn. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định chắc chắn trong tương lai, nợ xấu sẽ tăng rất cao và tổ chức tín dụng ngày càng khó khăn về thanh khoản, để lại hậu quả nặng nề cho cả nền kinh tế và ngành ngân hàng.

Bên cạnh nguy cơ về nợ xấu, việc nhiều ngân hàng thương mại đang thực hiện hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 được giới phân tích cho rằng sẽ tác động đến lợi nhuận thời gian tới của các ngân hàng. Theo đó, 16 ngân hàng thương mại đã cam kết giảm lãi suất cho vay với mức giảm phổ biến từ 0,5%-2%, tổng số tiềm giảm dự kiến lên tới trên 20.000 tỷ đồng. Chủ yếu hỗ trợ những ngành nghề chịu thiệt hại và tác động nặng nề bởi dịch Covid-19.

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phân tích, tổng dư nợ hiện hữu của nền kinh tế vào khoảng 9,6 triệu tỷ đồng. Nếu các ngân hàng tiến hành giảm 1% lãi suất trên tổng dư nợ hiện hữu thì con số lợi nhuận ngân hàng có thể bị ảnh hưởng là khoảng 96.000 tỷ đồng, tương đương với một nửa lợi nhuận của toàn ngành năm ngoái. Ước tính, riêng lợi nhuận ngân hàng trong 6 tháng cuối năm nay có thể giảm hơn 40.000 tỷ đồng.

tm-img-alt
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV. 

Ngoài ra, một vấn đề đáng lưu ý khác là một số ngân hàng có tỷ lệ lãi dự thu/tổng tài sản tương đối cao, điều này có thể khiến lợi nhuận chưa được phản ánh chính xác. Đồng thời làm tăng rủi ro tiềm ẩn nếu các ngân hàng không thu được các khoản lãi dự thu này, điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng buộc sẽ phải ghi giảm doanh thu nếu khoản lãi không thu được xảy ra trong cùng kỳ kế toán, hoặc sẽ phải ghi tăng chi phí nếu nó xảy ra ở một kỳ kế toán khác. Trong mọi trường hợp, lãi dự thu chưa thu được có thể làm giảm lợi nhuận.

Đa dạng hóa nguồn thu nhập, kỳ vọng nới room tín dụng

Kết quả kinh doanh từ các ngân hàng tính đến quý II/2021 cho thấy, các ngân hàng đã chấp nhận kìm hãm đà tăng của tiền gửi khách hàng so với dư nợ cho vay để gia tăng biên lợi nhuận của hoạt động tín dụng.

Bên cạnh việc hy sinh tỷ lệ LDR, các ngân hàng cũng tích cực gia tăng tiền gửi không kỳ hạn (vốn có lãi suất rất thấp) bằng nhiều biện pháp, trong đó đặc biệt quan trọng là thực thi các giải pháp nhằm biến ngân hàng trở thành kênh giao dịch chính của khách hàng. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn càng cao thì chi phí huy động vốn càng thấp.

Đồng thời, tiếp tục tiết giảm, thậm chí mạnh tay cắt giảm chi phí hoạt động cũng có thể là lựa chọn của nhiều ngân hàng nếu như kịch bản lợi nhuận ngày càng diễn biến tiêu cực.

tm-img-alt
Nhiều áp lực đang bủa vây ngành ngân hàng. 

Các điều kiện kinh doanh hiện nay cho thấy ngành ngân hàng tại Việt Nam nên đa dạng hóa nguồn thu nhập (dịch vụ, chứng khoán, ngoại hối, bảo hiểm…) để tránh phụ thuộc quá nhiều vào thu nhập từ lãi. Việc ghi nhận phí trả trước từ các thương vụ bancassurance độc quyền và doanh thu bancassurance kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho thu nhập phí và lợi nhuận của các ngân hàng trong nửa cuối năm 2021. Ngoài ra, làn sóng tái đàm phán của các thương vụ bancassurance độc quyền được kỳ vọng sẽ diễn ra trong giai đoạn 2021-2022.

TS Cấn Văn Lực nhận định, thu nhập từ các hoạt động phi tín dụng (đặc biệt là dịch vụ) sẽ tiếp tục tăng trưởng cao trong năm 2021 nhờ động lực đến từ dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng số và kinh doanh trái phiếu, ngoại tệ… Đặc biệt, thu từ hoa hồng phân phối bảo hiểm kỳ vọng tiếp tục đóng góp lớn vào thu nhập từ dịch vụ, nhất là với những nhà băng có thế mạnh bancassurance.

Nửa đầu năm, theo thống kê của Chứng khoán Maybank Kim Eng, thu nhập từ phí của các ngân hàng đã tăng 60% nhờ vào phí bancassurance, phí thanh toán và phí từ thẻ. Các ngân hàng có sự đóng góp từ bancassurance độc quyền (bao gồm cả phí trả trước và phí hoa hồng) là những ngân hàng có mức tăng trưởng mạnh nhất gồm: Vietcombank, ACB, SHB, LienVietPostBank, MSB…

Trước đó, vào trung tuần tháng 7, sau thời gian chờ đợi, hàng loạt ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức (room) tín dụng để có thêm vốn cho vay cuối năm, mức tăng từ 2 - 6%. Với hạn mức mới, tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống khoảng 11%, cao hơn mức 9% theo hạn mức lần đầu.

Nhiều chuyên gia tài chính ngân hàng kỳ vọng, với định hướng nới lỏng hỗ trợ, Ngân hàng Nhà nước sẽ nới hạn mức tín dụng thêm một lần nữa vào giai đoạn cuối quý III hoặc đầu quý IV năm nay, tạo thêm điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp. Từ đó, doanh thu và lợi nhuận của ngân hàng sẽ được đóng góp đáng kể.  

Bạn đang đọc bài viết Nguy cơ nợ xấu tăng đột biến, ngân hàng xoay sở ra sao để giữ lại lợi nhuận?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Các ngân hàng đặt mục tiêu cao trong năm 2024
Vừa qua, một số ngân hàng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) với nhiều kế hoạch đáng chú ý liên quan đến việc tái cơ cấu, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng vốn điều lệ.
OceanBank sắp về tay MB với giá 0 đồng
Sau gần 2 năm tham gia tái cơ cấu, MB đã hoàn tất thủ tục gửi lên Ngân hàng Nhà nước về việc nhận chuyển giao ngân hàng 0 đồng Oceanbank và đang chờ trình Chính phủ phê duyệt.
Lãi suất ngân hàng Agribank tháng 3/2024
Tháng 3/2024, Ngân hàng Agribank vừa có thông báo mức lãi suất huy động. Theo đó, mức lãi suất huy động cao nhất là 4,9% năm được áp dụng cho khách hàng cá nhân

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023