Các ngân hàng chủ nợ của FLC lên tiếng sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt
Đại diện một số ngân hàng có quan hệ tín dụng với FLC cho biết các khoản vay đều có tài sản đảm bảo, tuân thủ nguyên tắc, bản thân doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường.
Liên quan đến sự việc Chủ tịch HĐQT FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi "thao túng thị trường chứng khoán", đại diện Sacombank mới đây khẳng định các khoản vay của FLC đảm bảo tuân thủ pháp luật và an toàn. Sacombank là một trong những nhà băng cấp tín dụng nhiều nhất cho FLC và các doanh nghiệp liên quan tính đến hiện tại.
Đại diện Sacombank thông tin đã tham gia tài trợ vốn cho Tập đoàn FLC, bao gồm hãng hàng không Bamboo Airways để đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này từ năm 2021 và hoạt động cấp tín dụng của Sacombank cho nhóm khách hàng FLC được thực hiện đúng quy định pháp luật và quy định nội bộ của ngân hàng. Các khoản vay đều có đầy đủ tài sản đảm bảo.
Đại diện ngân hàng cho biết đến hiện nay, FLC vẫn đang hoạt động bình thường, thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩ vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký với Sacombank. "Và như nguyên tắc thông thường trong hoạt động cấp tín dụng đối với các khoản vay có tài sản đảm bảo, trường hợp có phát sinh rủi ro, Sacombank sẽ chủ động áp dụng các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật để thu hồi nợ, đảm bảo an toàn cho hoạt động của ngân hàng", đại diện nhà băng này thông tin.
Cùng ngày, Tổng Giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết với các khoản vay của FLC tại ngân hàng này, tài sản đảm bảo đều là bất động sản, có cổ phiếu nhưng chỉ chiếm phần nhỏ bổ sung nên "không có gì phải băn khoăn". Ông Tùng cũng nói thêm FLC hiện vẫn là một doanh nghiệp hoạt động bình thường còn sự việc của ông Trịnh Văn Quyết mang tính cá nhân.
Đại diện OCB cũng cho biết riêng giá trị tài sản đảm bảo bất động sản của FLC đã là hơn 2.000 tỷ đồng, lớn hơn cả dư nợ tín dụng của doanh nghiệp tại ngân hàng. Do đó, hiện tại, ngân hàng đánh giá chưa có vấn đề gì với khoản vay của doanh nghiệp. Trong quan hệ tín dụng với ngân hàng đến hiện tại, FLC luôn trả nợ đúng hạn, chưa bao giờ phát sinh nợ xấu.
Về phía ngân hàng, việc lãnh đạo doanh nghiệp khách hàng bị bắt là thông tin xấu nên ngân hàng sẽ theo dõi chặt chẽ để đảm bảo an toàn vốn.
Đại diện NCB cũng khẳng định rằng, việc ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam không ảnh hưởng tới ngân hàng. Những khoản vay của FLC tại NCB đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật và của ngân hàng, đồng thời có đủ tài sản đảm bảo. Nếu có rủi ro phát sinh liên quan tới FLC thì ngân hàng này sẽ chủ động áp dụng những biện pháp xử lý tài sản đảm bảo theo quy định pháp luật để thu hồi nợ, bảo đảm an toàn cho hoạt động ngân hàng.
Đến cuối năm 2021, dư nợ của FLC tổng cộng là khoảng 6.200 tỷ đồng. Trong đó, hơn 2.000 tỷ đồng là dư nợ ngắn hạn. Còn các khoản tín dụng dài hạn gần 4.200 tỷ đồng.
Quan hệ tín dụng của FLC chủ yếu tập trung tại các ngân hàng Sacombank, BIDV, OCB, NCB. Trong đó, Sacombank đang cho FLC vay hơn 1.800 tỷ đồng, BIDV cho vay hơn 1.600 tỷ đồng, OCB cho vay gần 1.400 tỷ đồng, NCB cho vay hơn 600 tỷ đồng.
Phần lớn hợp đồng vay vốn của FLC được ký kết trong hai năm 2020 - 2021, giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát khiến hoạt động kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch, hàng không của tập đoàn này bị ảnh hưởng. Các khoản vay của FLC có lãi suất thả nổi, theo từng khế ước nhận nợ, hoặc trong khoảng 7,5-10,5%/năm.
Các ngân hàng có mối quan hệ tín dụng với FLC cũng đồng thời cho các doanh nghiệp liên quan tập đoàn này như FLCHomes, FLC Faros vay hàng trăm tỷ đồng.
Các khoản nợ trên được FLC thế chấp chủ yếu bằng bất động sản, các dự án hình thành trong tương lai và một phần cổ phiếu BAV của Bamboo Airways. Tuy nhiên, cổ phiếu BAV hiện chưa được giao dịch tập trung trên sàn chứng khoán.