Nghị định mới 'chặn đứng' việc cá nhân lợi dụng từ thiện để vụ lợi?
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Những điểm mới đáng chú ý
Trong đó, ngoài các tổ chức được kêu gọi, vận động từ thiện như hiện nay thì Nghị định mới bổ sung thêm đối tượng là cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Ngoài ra, Nghị định mới cũng quy định, các cá nhân vận động có trách nhiệm thống nhất với tổ chức, cá nhân đóng góp để có phương án phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện còn dư hoặc chuyển cho Ủy ban MTTQ các cấp để thực hiện các chính sách an sinh xã hội nhằm đảm bảo phù hợp với mục tiêu cam kết với các tổ chức, cá nhân đóng góp. Các cá nhân công khai kết quả tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện trên phương tiện truyền thông. Chi phí cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện do các cá nhân đứng ra vận động tự chi trả. Các cá nhân có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ, gồm nhiều khoản tiếp nhận có điều kiện và địa chỉ cụ thể.
“Chính phủ ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP thay thế Nghị định năm 2008 quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, là vô cũng cần thiết và giải quyết được nhu cầu cấp thiết hiện nay”, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Trưởng Phòng tranh tụng, Công ty Luật TNHH TGS (thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) nhận định.
Theo Luật sư Hùng, các điểm mới trong Nghị định 93/2021/NĐ-CP không chỉ khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, nhanh chóng hỗ trợ nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất, sinh hoạt của người dân, mà còn tạo môi trường từ thiện minh bạch, rõ ràng, tránh các hiện tượng cá nhân lợi dụng từ thiện để vụ lợi.
“Có thể thấy, việc ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP sẽ góp phần đảm bảo việc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện được hiệu quả và kịp thời hơn”, Luật sư Hùng nói.
Trách nhiệm xử lý vi phạm vẫn chưa được cụ thể
Nghị định 93/2021/NĐ-CP ra đời rất kịp thời trong bối cảnh nhiều người nổi tiếng, nghệ sĩ bị “gọi tên” phải sao kê, công khai số tiền mà nhà hảo tâm quyên góp. Hiện nay, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an đang thụ lý, kiểm tra, xác minh tố giác tội phạm và đơn tố cáo liên quan đến một số cá nhân trong hoạt động gây quỹ, quyên góp từ thiện, tài trợ trong đợt bão lũ ở miền Trung năm 2020.
Thực tế cho thấy, cũng bởi chưa có khung pháp luật rõ ràng và phù hợp, nhiều cá nhân tham gia hoạt động này mới rơi vào tình cảnh trớ trêu, vướng vào các vụ “lùm xùm” liên quan đến công khai, minh bạch trong hoạt động từ thiện hoặc các hành vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân khi kêu gọi từ thiện.
Theo Luật sư Hùng, dù Nghị định mới cũng đã có đề cập đến trách nhiệm lưu trữ thông tin và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm nhưng chưa được cụ thể. Các quy định này càng rõ ràng, cụ thể thì sẽ càng dễ thực hiện, bảo đảm sự thống nhất ứng xử cho tất cả các bên tham gia, bao gồm cả phía cơ quan chức năng và chính quyền.
“Vì vậy, nếu các vướng mắc này không được giải quyết sớm thì đối tượng chịu thiệt thòi nhất chính là những người dân gánh chịu thiên tai, thảm hoạ”, Luật sư Hùng chia sẻ.
Cá nhân được tham gia vận động các nguồn đóng góp tự nguyện, kèm theo quy định cụ thể như sau:
- Các cá nhân khi vận động, tiếp nhận phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai dịch bệnh, sự cố cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động và tài khoản tiếp nhận, địa điểm tiếp nhận cũng như thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú theo mẫu.
- UBND cấp xã có trách nhiệm lưu giữ và theo dõi cung cấp các thông tin khi có yêu cầu của tổ chức đóng góp hoặc nhận hỗ trợ, cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.
- Các cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ số tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu.
- Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thức thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.
- Cá nhân cũng căn cứ vào nguồn đóng góp tự nguyện, tiếp nhận mà có trách nhiệm thông báo với UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian và hỗ trợ và thực hiện phân phối sử dụng đúng cam kết... Chậm nhất sau 3 ngày làm việc sau khi nhận được thông báo, UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ chủ trì, phối hợp với Ban Vận động cùng cấp nếu có hướng dẫn cá nhân về phạm vi, đối tượng, mức hỗ trợ... khi cần thiết hoặc theo đề nghị của cá nhân.