Ngành dệt may lập đỉnh mới
Tính đến hết tháng 7, trị giá xuất khẩu hàng dệt may đạt hơn 22,2 tỷ USD, tăng 20,4%, tương ứng tăng 3,76 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.
Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho biết xuất khẩu dệt may trong tháng 7 lập đỉnh và là tháng thứ 5 liên tiếp có trị giá đạt trên 3 tỷ USD.
Cụ thể trị giá xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 7 đạt 3,7 tỷ USD, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng gần 2% so với tháng 12/2021.
Tính đến hết tháng 7, trị giá xuất khẩu hàng dệt may đạt hơn 22,2 tỷ USD, tăng 20,4%, tương ứng tăng 3,76 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, trị giá xuất khẩu nhóm hàng dệt may sang thị trường Mỹ đạt hơn 11 tỷ USD, tăng 21,3%; sang EU đạt 2,6 tỷ USD, tăng 36,2%; Nhật Bản đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 12%; Hàn Quốc đạt 1,7 tỷ USD, tăng 13%... so với cùng kỳ năm 2021.
Những số liệu khả quan trong tháng 7 đã tiếp tục kéo dài sự hồi phục của ngành dệt may năm nay. Kết quả này có được là do doanh nghiệp đã chủ động thích ứng, điều chỉnh phù hợp kế hoạch sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả.
Cùng với đó, ngày càng tận dụng tốt các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và các Hiệp định thương mại tự do FTA, trong đó, một số hiệp định có ràng buộc về quy tắc xuất xứ đã thúc đẩy ngành công nghiệp dệt sợi trong nước phát triển.
Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da, giày trong tháng 7 đạt 2,24 tỷ USD, giảm 6,8% so với tháng trước.
Tuy nhiên, tính chung trong 7 tháng đầu năm nay, trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này gần 17 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 7 tháng qua, Trung Quốc là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may da giày cho Việt Nam, chiếm tỷ trọng tới 52%, với 8,8 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.
Minh Anh