0915 15 67 76 [email protected]
Chủ nhật, 13/12/2020 16:40 (GMT+7)

Ngành dệt may đặt mục tiêu đến năm 2025 xuất khẩu đạt 55 tỷ USD

Thông tin trên được Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đưa ra tại Đại hội nhiệm kỳ VI (2020 - 2025) - tổng kết năm 2020 tổ chức ngày 12/12 tại Hà Nội.

Phát biểu tại Đại hội Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhiệm kỳ VI (2020-2025) và tổng kết năm 2020 diễn ra ngày 12/12 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch VITAS Trương Văn Cẩm thông tin, xuất khẩu năm 2019 đạt 38,9 tỷ USD, ước năm 2020 sẽ đạt hơn 35,2 tỷ USD.

Mục tiêu đến năm 2025 xuất khẩu ngành sẽ đạt 55 tỷ USD. Trong đó, các sản phẩm chính bao gồm: xơ, sợi các loại đạt 4.000 tấn, vải đạt 3.500 triệu m2, sản phẩm may hơn 8.500 sản phẩm.

Giá trị thặng dư thương mại đến năm 2025 sẽ phấn đấu đạt 33 tỷ USD, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 11,6%.

Ngành dệt may đặt mục tiêu đến năm 2025 xuất khẩu đạt 55 tỷ USD
Quang cảnh Đại hội

Để đạt được kết quả trên, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS nhấn mạnh: “Năm 2020, Vitas đã thực hiện tốt vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, hình thành chuỗi cung ứng; tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… để mở rộng thị trường xuất khẩu”.

Đặc biệt, Vitas đã làm tốt vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp dệt may với Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước để phản ánh những vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, thuế, hải quan, lao động tiền lương…

Phát huy kết quả đạt được, Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang cho biết, nhiệm kỳ tới 2020 - 2025, hiệp hội sẽ tiếp tục tăng cường tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách còn bất cập với nhà nước; đặc biệt các vấn đề về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, cải cách thủ tục hành chính về thuế, hải quan, kiểm tra chuyên ngành…

Ngoài ra, Hiệp hội sẽ tập trung làm tốt vai trò cầu nỗi giữa các doanh nghiệp hội viên nhằm hình thành chuỗi cung ứng dệt may đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do; kết nối các trường, viện trong nước với doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng.

Ông Vũ Đức Giang cũng kiến nghị, Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Trong đó, Nhà nước quy hoạch và xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp dệt may lớn, có xử lý nước thải tập trung để thu hút các dự án dệt nhuộm; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến.

Đồng thời, Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, tháo gỡ khó khăn, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và giảm chi phí cho doanh nghiệp; Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội bỏ thuế VAT cho các doanh nghiệp sử dụng vải trong nước để may xuất khẩu (giống như vải nhập khẩu để gia công xuất khẩu) để tạo điều kiện hình thành chuỗi liên kết…

Ngành dệt may đặt mục tiêu đến năm 2025 xuất khẩu đạt 55 tỷ USD
Ngành dệt may đặt mục tiêu đến năm 2025 xuất khẩu đạt 55 tỷ USD

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc chia sẻ, ngành dệt may đã rất thành công trong giai đoạn 2016 - 2020, đặc biệt trong việc phòng chống dịch bệnh và duy trì sản xuất năm 2020. Sự thành công này có dấu ấn của Hiệp hội VITAS, khi có nhiều kiến nghị gửi đến quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành báo cáo tác động của dịch bệnh và chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc về xuất khẩu thời trang, liên kết các doanh nghiệp…

Trong giai đoạn vừa qua, ngành dệt may Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do đã ký kết như FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - EAEU, CPTPP, EVFTA, RCEP…

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 28,1 tỷ USD, nhưng đến năm 2019 đã đạt 38,9 tỷ USD, tăng trưởng bình quân đạt 9,55%. Đặc biệt, giá trị xuất siêu có sự tăng trưởng: năm 2016 đạt 11,1 tỷ USD, năm 2019 đạt 16,9 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam từ chõ năm 2016 đứng thứ 4 thế giới, sau Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, thì đến năm 2019 đã vượt lên trên Ấn Độ, đứng thứ 3 thế giới.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Bộ Công Thương hiện đang tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách cho doanh nghiệp; trong đó có doanh nghiệp dệt may; xây dựng và sớm hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định trong năm 2021 tới.

Để ngành dệt may Việt Nam đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 55 tỷ USD, đảm bảo việc làm cho 3 triệu lao động vào năm 2025, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, VITAS và ngành dệt may cần tận dụng tốt cơ hội từ các FTA, có giải pháp ứng phó kịp thời với các tác động của các xung đột thương mại đang diễn ra, đặc biệt là xung đột thương mại Trung -Mỹ.

Ngoài ra, VITAS cần làm tốt hơn nữa vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp với nhau để hình thành chuỗi cung ứng; kết nối doanh nghiệp với các tổ chức quốc tế, các khách hàng để nâng cao vị trí dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu; giữa các doanh nghiệp với Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước để kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất, tháo gỡ những rào cản cho doanh nghiệp.

“Ngành dệt may cần tập trung giải quyết những khâu còn yếu như thiết kế và phát triển thương hiệu; từng bước tiến tới xuất khẩu sản phẩm bằng thương hiệu của chính mình; chuyển mạnh từ gia công sang các hình thức có giá trị gia tăng và hàm lượng chất xám cao hơn” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

Tại Đại hội nhiệm kỳ VI (2020-2025), Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã thông qua tuyên bố và nghị quyết của Đại hội, đồng thời thực hiện bầu ban chấp hành nhiệm kỳ mới. Theo đó, ông Vũ Đức Giang tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam. Đại hội cũng đã bầu ra 16 Phó chủ tịch.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Ngành dệt may đặt mục tiêu đến năm 2025 xuất khẩu đạt 55 tỷ USD. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

HoSE lên tiếng sau sự cố nghẽn lệnh
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết, hiện đang phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận hành hệ thống để kiểm tra, xác định nguyên nhân.

Tin mới