Nga tuyên bố gom vàng sau khi phương Tây ra hàng loạt đòn trừng phạt
Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) cho biết cơ quan này sẽ mua vàng trở lại trên thị trường vàng trong nước. Động thái này diễn ra trong lúc Nga hứng đòn trừng phạt nặng nề từ phương Tây do cuộc xung đột giữa nước này với Ukraine.
Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) vừa tuyên bố sẽ bắt đầu mua vàng trở lại sau hai năm tạm ngừng hoạt động này.
Hãng tin Bloomberg dẫn một tuyên bố của CBR cho biết, cơ quan sẽ mua vàng trở lại trên thị trường vàng trong nước. Động thái này diễn ra trong lúc Nga hứng đòn trừng phạt nặng nề từ phương Tây do cuộc xung đột với Ukraine.
CBR đã có 6 năm mua ròng vàng liên tiếp, đưa dự trữ vàng quốc gia của Nga tăng gấp đôi và trở thành ngân hàng trung ương mua nhiều vàng nhất trong khoảng thời gian đó. Nhu cầu mua vàng của Nga đã trở thành một trụ cột cho thị trường trong những năm nhu cầu của giới đầu tư vàng toàn cầu trầm lắng.
Tuy nhiên, CBR dừng mua ròng vàng vào tháng 3/2020 khi giá vàng tăng vọt vào thời điểm Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu. Từ đó đến nay, dự trữ vàng của Nga gần như không có thay đổi đáng kể nào.
Thời điểm cuối tháng 1 năm nay, Nga có hơn 2.000 tấn vàng trong dự trữ quốc gia, chiếm hơn 20% tổng dự trữ ngoại hối, trở thành nước có dự trữ vàng lớn thứ 5 trên toàn cầu. Trước đó, Nga đã có nhiều năm gom vàng, góp phần quan trọng vào sự tăng giá trên thị trường vàng thế giới trong suốt một thập kỷ trở lại đây.
Theo chiến lược gia Nicky Shiels thuộc MKS PAMP SA, Nga sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc khai thác vàng để tự đáp ứng nhu cầu tăng dự trữ vàng quốc gia, và việc CBR mua vàng có thể được thị trường xem là một nhân tố thúc đẩy vàng tăng giá. Tuy nhiên, bà Shiels cũng cho rằng mục đích chính của việc CBR gom mua vàng trong nước là nhằm tạo điều kiện cho việc chuyển đổi vàng thành tiền mặt khi cần.
“Về mặt kỹ thuật, việc Nga mua vàng không ảnh hưởng đến nguồn cung vàng trên thị trường toàn cầu. Việc này chẳng qua có ảnh hưởng về mặt tâm lý mà thôi”, bà Shiels nói. Bên cạnh đó, vị chuyên gia này nói các nhà đầu tư cần lưu ý về khả năng Nga bán dự trữ vàng, đặc biệt là trong trường hợp đồng Rúp rớt giá mạnh.
Nga đã có những động thái trên, ngay sau khi phương Tây áp dụng hàng loạt lệnh trừng phạt từ giao dịch ngân hàng đến đóng cửa không phận với máy bay của Nga.
Vào cuối tuần vừa rồi, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh và Canada đã nhất chí chặn một số ngân hàng của Nga khỏi SWIFT. Đây là một phần trong gói trừng phạt bổ sung nhằm mục đích cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, từ đó làm suy yếu nền kinh tế và tài chính của nước Nga.
Trong số các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga trong cuộc khủng hoảng địa chính trị Nga-Ukraine tính đến thời điểm này, đây là đòn khắc nghiệt nhất.
Bên cạnh lệnh trừng phạt đối với giao dịch tiền điện tử ngân hàng, thì vào ngày 27/2, nhiều quốc gia đã đồng loạt tuyên bố đóng cửa không phận với máy bay của Nga cũng nhằm phản ứng với hành động quân sự của Nga tại Ukraine.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ đóng cửa không phận với những máy bay thuộc sở hữu, được đăng ký hoặc thuộc quyền kiểm soát của người Nga, bao gồm cả máy bay tư nhân của giới giàu.
Theo CNBC, các quan chức của Thụy Điển, Đan Mạch, Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Italy, Áo và Iceland đều đã đưa ra các tuyên bố riêng về các biện pháp nhằm cô lập Nga. Chính phủ Anh, Ba Lan, Romania, Phần Lan, Cộng hòa Séc, Bulgaria, Đức, Latvia, Lithuania và Estonia cũng đưa ra các tuyên bố tương tự.
Bộ trưởng Giao thông Canada, Omar Alghabra, hôm qua cũng cho biết nước này đã ngừng cho phép tất cả máy bay của Nga bay vào không phận để phản ứng với cuộc tấn công của Moscow nhằm vào nước láng giềng.
Một loạt động thái trên gây thêm áp lực với Nga trong bối cảnh nhiều quốc gia phương Tây đang cùng nhau áp lệnh trừng phạt trên diện rộng nhằm vào Moscow và giới thượng lưu của nước này. Lệnh cấm trên đồng nghĩa với việc máy bay của Nga không thể bay qua không phận hoặc hạ cánh tại các quốc gia này và phải điều tuyến lại, dẫn tới hành trình bay kéo dài và đắt đỏ hơn.