Nga dọa cắt khí đốt tới châu Âu, Mỹ tìm kiếm phương án thay thế nguồn dầu mỏ nhập khẩu
Ông Novak cảnh báo rằng việc châu Âu ngừng nhập khẩu dầu mỏ Nga sẽ dẫn đến hậu quả thảm khốc đối với thị trường toàn cầu. Mới đây, phái đoàn Mỹ đã làm việc với phía Venezuela về các vấn đề liên quan tới an ninh năng lượng.
Nga sẵn sàng cắt nguồn khí đốt tới châu Âu, giá dầu sẽ tăng lên 300 USD/thùng
Đề cập đến dự án Nord Stream 2 dẫn khí đốt từ Nga tới Đức đã bị giới chức Berlin đình chỉ phê duyệt hồi tháng trước, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hôm 7/3 tuyên bố: "Chúng tôi hoàn toàn có quyền đưa ra biện pháp tương xứng và cắt nguồn khí đốt qua hệ thống đường ống Nord Stream 1".
Sau khi dự án Nord Stream 2 bị Đức đóng băng, Nord Stream 1 trở thành một trong những nguồn cung cấp khí đốt chủ yếu của Nga tới châu Âu.
"Chúng tôi tới nay chưa đưa ra quyết định đó", ông Novak nói thêm. "Nhưng các chính trị gia châu Âu bằng những tuyên bố và cáo buộc chống lại Nga đang đẩy chúng tôi tới tình thế như vậy".
Tuyên bố được Phó Thủ tướng Nga đưa ra trong bối cảnh các lãnh đạo châu Âu sẽ họp tại Versailles, Pháp vào ngày 10/3 để thảo luận về các biện pháp giảm phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ và khí đốt Nga.
Ông Novak cảnh báo rằng việc châu Âu ngừng nhập khẩu dầu mỏ Nga sẽ dẫn đến hậu quả thảm khốc đối với thị trường toàn cầu. "Không thể đoán được giá dầu sẽ tăng đến đâu, sẽ là 300 USD/thùng, thậm chí hơn", ông nói, thêm rằng châu Âu sẽ mất hơn một năm để thay thế nguồn dầu nhập từ Nga với mức giá cao hơn đáng kể.
"Các chính trị gia châu Âu cần phải trung thực cảnh báo công dân và người tiêu dùng của họ những gì sẽ xảy ra. Nếu các ngài muốn từ chối nguồn cung cấp năng lượng từ Nga, cứ tiếp tục làm thế đi. Chúng tôi đã sẵn sàng cho việc đó, chúng tôi biết nơi có thể chuyển hướng xuất khẩu", Phó Thủ tướng Nga nói.
Mỹ thừa nhận khó có thể cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt từ Nga
Ngày 7/3, Nhà Trắng thông báo ở giai đoạn hiện nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden chưa đưa ra quyết định về lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt từ Nga như một biện pháp gia tăng trừng phạt sau khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Phát biểu với phóng viên, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết vấn đề này đã được đề cập trong cuộc thảo luận trực tuyến ngày 7/3 giữa ông Biden và các nhà lãnh đạo của Đức, Pháp và Anh. Tuy nhiên, mỗi nước có năng lực cũng như trữ lượng khác nhau và Washington chưa đưa ra quyết định vào thời điểm này.
Bà Psaki cũng cho biết Washington nhận thấy cần phải xem xét lệnh cấm này từ góc độ riêng của từng nước thay vì áp dụng đồng bộ cùng các đồng minh, nhấn mạnh tình hình ở Liên minh châu Âu (EU) khác với Mỹ trong vấn đề năng lượng.
Trong khi các nước châu Âu còn phụ thuộc lớn vào nguồn cung từ Nga thì Mỹ có những nguồn tự cung đáng kể. Quốc hội Mỹ hiện đang thảo luận về dự luật nhằm cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga.
Tuy nhiên, Tổng thống Biden được cho là không muốn gây rạn nứt với các đồng minh châu Âu khi đơn phương đưa ra lệnh cấm.
Cũng trong ngày 7/3, nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết một phái đoàn cấp cao của Chính phủ Mỹ đã có chuyến công du tới Venezuela để thảo luận với quan chức chính phủ Venezuela về quan hệ song phương, trong đó có các vấn đề liên quan tới cung cấp năng lượng trong bối cảnh Mỹ đang tìm cách giảm phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu từ Nga.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết phái đoàn Mỹ đã làm việc với phía Venezuela về các vấn đề liên quan tới an ninh năng lượng.
Đây là lần đầu tiên Mỹ và Venezuela tổ chức một cuộc gặp cấp cao công khai kể từ đầu năm 2019.
Theo tờ New York Times, chuyến thăm của phái đoàn cấp cao Mỹ tới Venezuela là nhằm tìm kiếm phương án thay thế nguồn dầu mỏ nhập khẩu từ Nga.