Nắm quy tắc xuất xứ hàng hóa để tận dụng ưu đãi thuế quan từ CPTPP
Để có thể được tận hưởng các ưu đãi thuế quan trong CPTPP, các doanh nghiệp Việt phải đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ.
Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia. Đối với Việt Nam, hiệp định có hiệu lực từ ngày 14/1/2019.
CPTPP cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực khoảng 78 - 95% số dòng thuế; xóa bỏ hoàn toàn 97 - 100% dòng thuế vào cuối lộ trình. Các mặt hàng còn lại lộ trình xóa bỏ thuế trong 5 - 10 năm, một số mặt hàng nhạy cảm lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng TRQ.
Nắm quy tắc xuất xứ hàng hóa để tận dụng ưu đãi thuế quan từ CPTPP. Ảnh minh họa |
Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường CPTPP được hưởng thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 - 5 năm.
Đơn cử như những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Canada hưởng lợi thuế 0% ngay khi có hiệu lực là túi xách, sản phẩm kim loại; sản phẩm nhựa, cao su; thủ công mỹ nghệ; nông sản, thủy sản; túi xách; giày dép và dệt may về 0% lộ trình từ 0 - 3 năm.
Theo Vụ Chính sách Thương mại đa biên, với biểu thuế quan trên, các doanh nghiệp Việt Nam có rất nhiều cơ hội mở rộng thị trường sang các nước CPTPP. Mặc dù có nhiều lợi thế, song để tiếp cận vào thị trường này cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng quy tắc xuất xứ, sự cạnh tranh của các nước khác…
Thực tế, khái niệm về quy tắc xuất xứ hiện giờ đã trở nên quen thuộc hơn với doanh nghiệp. Đây chính là công cụ vô hiệu hóa ưu đãi thuế quan FTA nếu hàng hóa không đáp ứng quy tắc xuất xứ và cũng là công cụ phân biệt lợi thế về thuế quan của các nước trong FTA với các nước bên ngoài FTA.
Để đảm bảo đúng hàng hóa có xuất xứ mới được hưởng ưu đãi thuế quan mà các nước thành viên Hiệp định dành cho nhau, FTA có chương quy tắc xuất xứ nhằm quy định cách xác định xuất xứ hàng hóa.
Đối với CPTPP, Hiệp định quy định 3 phương pháp để xác định xuất xứ của một hàng hóa, bao gồm: hàng hóa có xuất xứ thuần túy; hàng hóa được sản xuất từ nguyên liệu trong khu vực CPTPP; và quy tắc cụ thể đối với từng mặt hàng (PSR). Bên cạnh đó, quy tắc cộng gộp cho phép các nước CPTPP được coi nguyên liệu của một hoặc nhiều nước CPTPP khác như là nguyên liệu của nước mình khi sử dụng nguyên liệu đó để sản xuất ra một hàng hóa có xuất xứ CPTPP.
Với mục tiêu tạo thuận lợi thương mại tối đa, giảm thời gian giao dịch và chi phí xuất nhập khẩu, Hiệp định CPTPP đã cho phép người xuất khẩu, người sản xuất và người nhập khẩu được tự chứng nhận xuất xứ. Đây là điểm rất mới so với các FTA truyền thống trước đây mà Việt Nam đã ký kết.
Đối với Việt Nam, do hình thức tự chứng nhận xuất xứ còn khá mới mẻ, chưa được triển khai toàn diện và đại trà nên ta được áp dụng một số thời gian chuyển đổi nhằm mục đích tạo cơ hội cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước quen dần với hình thức này. Theo nội dung của Hiệp định, một số quy định về thời gian chuyển đổi bao gồm:
Đối với hàng nhập khẩu: Việt Nam được bảo lưu chỉ áp dụng hình thức nhà nhập khẩu tự chứng nhận xuất xứ sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Đối với hàng xuất khẩu: Ta được linh hoạt áp dụng song song 2 hình thức: cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) theo kiểu truyền thống; và người xuất khẩu đủ điều kiện được tự chứng nhận xuất xứ trong thời gian tối đa 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Sau thời gian 10 năm này, Việt Nam sẽ áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hoàn toàn như tất cả các nước CPTPP.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm