TP HCM: Ứng dụng công nghệ thông tin ngành sản xuất và kinh doanh thực phẩm
TP HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tp.
UBND TP.HCM cho biết, vừa yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Theo đó, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; nhất là các tổ chức, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm trong quản lý an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
TP.HCM: Ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát an toàn thực phẩm |
Ngoài ra, đẩy mạnh thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm; biểu dương các điển hình tiên phong, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; công khai tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm theo quy định. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình phối hợp bảo đảm an toàn thực phẩm của thành phố.
Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố có nhiệm vụ tiếp tục phát triển hệ thống thông tin điện tử trong quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc bằng mã, tem, nâng cao tỷ lệ ứng dụng hệ thống phần mềm thông tin điện tử trong truy xuất nguồn gốc bảo đảm an toàn thực phẩm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.
Đồng thời, duy trì và phát triển các Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn”, “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm” và Dự án “Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm” nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch và đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm cho người dân trên địa bàn.
Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố yêu cầu đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất thực phẩm an toàn, thúc đẩy việc áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, các mô hình sản xuất thực phẩm theo chuỗi, hệ thống phân phối thực phẩm an toàn. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Tăng cường quản lý thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ.
Sở Công Thương có nhiệm vụ chủ trì phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, phối hợp với Cục Quản lý thị trường thành phố trong quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Sở Công Thương phải quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, thương mại điện tử đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng.
Song song với đó, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm an toàn, có nhãn hiệu, thương hiệu, kết nối sản xuất, tiêu thụ cho các sản phẩm thực phẩm đảm bảo an toàn.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm