Minh chứng rõ nét cho sự phục hồi của nền kinh tế
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2022 là minh chứng rõ nét nhất cho sự phục hồi của nền kinh tế.
Theo số liệu thống kê, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt mức kỷ lục với 76.233 doanh nghiệp, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2021, là một trong những minh chứng rõ nét cho sự phục hồi của nền kinh tế.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho biết, Chính phủ đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng đặc biệt phải kể tới chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
"Mỗi chính sách đều có một sứ mệnh riêng để hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi. Nhưng riêng vốn cho doanh nghiệp trong thời điểm này là rất cần kíp. Bởi hiện nay các chi phí đều tăng mạnh như giá xăng dầu, giá vận chuyển... Mặt khác, để phục hồi nhanh chóng, doanh nghiệp còn cần đầu tư cho công nghệ quản lý, cho đổi mới sáng tạo, áp dụng chuyển đổi số mạnh mẽ. Vì thế, nếu tiếp cận được nguồn vốn rẻ, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được tối đa chi phí hoạt động và nâng khả năng sinh lời", ông Nam nhận định.
Liên quan đến gói hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỷ đồng này, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 03/2022 hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022. Việc hỗ trợ lãi suất áp dụng cho các kỳ trả nợ lãi từ ngày 20/5/2022 đến hết ngày 31/12/2023 nhằm giúp giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp và phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Nhiều ngân hàng đang cấp tốc đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất để trình lên Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và khẳng định sẽ không "vẽ" thêm bất cứ thủ tục nào cho khách hàng mà làm đúng theo quy trình cấp tín dụng gắn với đúng đối tượng được giảm lãi suất để hỗ trợ.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú trong cuộc họp báo mới đây nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai tích cực các chính sách mới và có các cơ chế cụ thể để giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện của các ngân hàng.
Cùng với với bệ phóng về tài chính, ông Tô Hoài Nam còn kiến nghị: "Cần tạo nên một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn thông qua việc cải cách thủ tục hành chính, chống tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu doanh nghiệp... Từ đó sẽ tạo lòng tin cho các doanh nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, sản xuất".
Thanh Tùng