0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ sáu, 10/09/2021 10:44 (GMT+7)

Lỗ lũy kế tăng thêm hơn 1.000 tỷ đồng, HAGL giải trình ra sao?

Lỗ lũy kế theo BCTC soát xét bán niên tăng thêm 1.013 tỷ đồng, theo đó lỗ lũy kế tại ngày 30/6 của HAGL lên gần 7.372 tỷ đồng.

tm-img-alt
Ảnh minh họa
Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HoSE: HAG) vừa có văn bản giải trình bổ sung một vài vấn đề liên quan tới BCTC soát xét bán niên 2021.
Theo đó, nửa đầu năm, lãi sau thuế đã kiểm toán giảm gần 10 tỷ đồng so với báo cáo tự lập về còn hơn 8 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do giá vốn trong kỳ được điều chỉnh tăng, liên quan đến phân bổ giá trị hợp lý của các tài sản trên khía cạnh hợp nhất.
Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của HAGL hơn 18 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ hơn 1.155 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc thoái vốn Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HoSE: HNG) dẫn tới lỗ lũy kế tăng thêm 1.013 tỷ đồng, theo đó lỗ lũy kế tại ngày 30/6 lên gần 7.372 tỷ đồng.
tm-img-alt
Nguồn: HAGL
Theo giải trình, HAGL Agrico chính thức không còn là công ty con của HAGL. Tại ngày mất quyền kiểm soát, HAGL đã ghi nhận vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất giữa niên độ khoản lỗ 1.013 tỷ vào phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của các năm trước. 
Phía HAGL giải trình căn cứ vào các quy định hiện hành và Thông tư 202 của Bộ Tài chính, nêu rõ: "Trường hợp trước đây công ty mẹ đã thoái một phần vốn tại công ty con và đã ghi nhận kết quả từ việc thoái phần vốn đó trong lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của bảng cân đối kế toán hợp nhất, nay thoái thêm một phần vốn đầu tư tại công ty con dẫn đến mất quyền kiểm soát thì công ty mẹ phải kết chuyển phần lãi, lỗ đã ghi nhận trước đây trong lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sang báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất."
Được biết, với số lỗ lũy kế 7.372 tỷ đồng, Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) cũng vừa thông qua quyết định duy trì diện kiểm soát đối với cổ phiếu HAG. Ngoài ra, kiểm toán cũng nhấn mạnh việc tồn tại các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn.
Về HAGL Agrico, được biết, tính đến ngày 30/6/2021, tổng tài sản của HAGL Agrico đạt 22.827 tỷ đồng, giảm so với đầu kỳ. Trong đó, tài sản ngắn hạn đạt 5.809 tỷ đồng, chủ yếu là khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn. Tài sản dài hạn hơn 17.018 tỷ đồng, phải thu dài hạn chiếm hơn 4.601 tỷ đồng.
tm-img-alt
Các khoản nợ của HAGL Agrico
Về cơ cấu nợ, công ty nông nghiệp này đang vay nợ tài chính tới 12.020 tỷ đồng, trong đó 8.255 tỷ đông vay ngắn hạn và 3.766 tỷ đồng vay dài hạn. 
Các khoản vay nợ tài chính của HAGL Agrico gồm vay nợ ngân hàng, trái phiếu và vay các bên liên quan. Trong đó, chủ nợ lớn nhất của HNG là Thagrico với khoản vay ngắn hạn 6.282 tỷ đồng. Vay các bên liên quan, HAGL Agrico  vay CTCP Hoàng Anh Gia Lai - HAG của bầu Đức 2.138 tỷ đồng, công ty TNHH Giao nhận – Vận chuyển Quốc tế Trường Hải (Thilogi) thuộc Thaco Group 66 tỷ đồng.
Đối với khoản vay ngân hàng, loạt ngân hàng sau cho HAGL Agrico vay gồm: TPBank cho vay gần 600 tỷ, HDBank 560 tỷ, BIDV 1.229 tỷ, Sacombank 262 tỷ, ngân hàng Liên doanh Lào Việt 684 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công ty nông nghiệp này còn vay nợ 200 tỷ trái phiếu từ CTCP Chứng khoán Tiên Phong. Khoản vay này dùng để đầy tư vào công ty Bò sữa Tây Nguyên - công ty con của HAGL Agrico, có cùng thành viên HĐQT. Đến 30/6, nhóm Công ty (HAGL Agrico và các công ty con) đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp trong Bò sữa Tây Nguyên cho Thagrico. 
Tính đến ngày 30/7/2021, nhóm Thaco nắm giữ 38,38% HNG và nhóm HAGL nắm 16,34% vốn HNG.
Bạn đang đọc bài viết Lỗ lũy kế tăng thêm hơn 1.000 tỷ đồng, HAGL giải trình ra sao?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Các ngân hàng đặt mục tiêu cao trong năm 2024
Vừa qua, một số ngân hàng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) với nhiều kế hoạch đáng chú ý liên quan đến việc tái cơ cấu, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng vốn điều lệ.

Tin mới