Lào Cai cấp chứng nhận nhãn hiệu cho 3 nông sản Bát Xát
Chủ sở hữu 03 nhãn hiệu này là UBND huyện Bát Xát và Hội Nông dân huyện Bát Xát.
Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lào Cai đã phối hợp với UBND huyện Bát Xát tổ chức hội nghị công bố và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu cho các sản phẩm “Xuyên khung Bát Xát”, “Đương quy Bát Xát” và nhãn hiệu tập thể “Hoàng sin cô Bát Xát”.
Ba nhãn hiệu trên đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH & CN cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Chủ sở hữu 03 nhãn hiệu này là UBND huyện Bát Xát và Hội Nông dân huyện Bát Xát.
Cây Đương quy, Xuyên Khung và Hoàng Sin Cô là 3 loại cây dược liệu được địa phương xác định là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương. Các sản phẩm sau khi được cấp nhãn hiệu đã kích thích tăng giá bán, tạo thị trường sản phẩm. Với diện tích: Đương Quy 20 ha, Xuyên Khung 135 ha, sản lượng đạt 435 tấn; cây Hoàng Sin Cô diện tích tăng lên 40 ha, sản lượng đạt 700 tấn/năm, sản phẩm Đương Quy, Xuyên khung mang lại giá trị kinh tế cho huyện trên 4 tỷ đồng/năm. Sản phẩm Hoàng Sin Cô gần 3,5 tỷ đồng/năm.
Sở khoa học công nghệ đã trao 3 nhãn hiệu sản phẩm cho đơn vị sở hữu. Đại diện UBND huyện và Hội nông dân huyện Bát Xát đã trao giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng nhãn hiệu công nghiệp (NHCN) “Đương quy Bát Xát” và GCN quyền sử dụng NHCN “Xuyên khung Bát Xát” cho 70 chủ hộ ở xã Trịnh Tường và Ý Tý; Trao 30 giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn NHCN “Hoàng sin cô Bát Xát” cho 7 chủ hộ ở xã A Lù; 21 chủ hộ ở xã Y Tý, 01 tập thể HTX nông nghiệp Y Tý và 01 tổ hội nghề nghiệp trồng Hoàng sin cô tại Y Tý.
Với nhãn hiệu 3 sản phẩm Đương Quy Bát Xát, Xuyên Khung Bát Xát và Hoàng Sin Cô Bát Xát được công bố sẽ góp phần thúc đẩy tăng giá trị hàng hóa, phát triển thương mại sản phẩm vươn ra thị trường, mang lại giá trị kinh tế thiết thực nâng cao mức thu nhập cho các hộ tham gia sản xuất, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững cho người dân ở địa phương.
Trước đó Lào Cai cũng xây dựng nhãn hiệu sở hữu trí tuệ cho 5 sản phẩm nông sản bản địa đặc trưng. Cụ thể gồm: Cá nước lạnh Bát Xát; sa nhân tím Mường Khương; vịt cổ nhung xanh Văn Bàn; bưởi Văn Bàn và chè Ô long Cao Sơn (huyện Mường Khương).
Đây là các danh mục thuộc dự án Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 – 2020. Dự án sẽ hỗ trợ xây dựng và phát triển khoảng 20 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, dịch vụ hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có khoảng hơn 200 sản phẩm, dịch vụ của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận bảo hộ nhãn hiệu.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo